Theo thống kê của một tổ chức quốc tế, trung bình hàng năm có khoảng 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị buôn bán, giết thịt tại Việt Nam. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, Hà Nội hiện có tổng đàn chó, mèo 421.000 - 460.000 con và có xu hướng gia tăng. Từ 2018, Hà Nội đã kêu gọi vận động “người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo”, Sở NN&PTNT cũng đưa ra ý tưởng “cấm bán thịt chó ở các quận nội thành”.
Tại Hội thảo, đại diện Sở NN&PTNT cho rằng Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học lớn của cả nước mà còn là “TP vì hòa bình”, nơi thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, du lịch. Do đó, việc kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ thịt chó, mèo tạo cảm xúc không tốt với du khách.
Để giảm trừ và chấm dứt việc buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo, đại diện Sở đề nghị thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dại, xây dựng vùng an toàn bệnh dại, quản lý việc giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo. Các cơ quan phải tổ chức bắt giữ chó thả rông, vô chủ, khuyến khích hoạt động nhân đạo, phúc lợi động vật; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm trong kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo và phòng, chống dịch bệnh dại động vật, từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng.
Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, chỉ riêng 2018, sau quá trình vận động, khoảng 30% cửa hàng kinh doanh thịt chó, mèo tại Hà Nội dừng hoạt động, giảm từ 1.100 cơ sở xuống còn 800.
Báo cáo của một tổ chức cũng cho rằng, có 91% người tham gia khảo sát cho rằng nên đưa ra các khuyến nghị cấm hoặc không khuyến khích việc buôn bán thịt chó, mèo; 88% người ủng hộ cấm buôn bán chó, mèo.
Tới đây, chúng ta có một thắc mắc, nếu tỷ lệ số người phản đối ăn thịt chó, mèo nhiều đến như vậy; tình trạng buôn bán chó, mèo đã giảm nhiều như vậy; thì tại sao cứ phải đặt vấn đề cấm làm thịt chó, mèo?
Vấn đề nằm ở chỗ rất khó có thể ra một lệnh cấm như vậy. Ăn thịt chó, mèo là vấn đề bắt nguồn từ rất xa xưa, ở hoàn cảnh rất khác so với bây giờ, khi đó xã hội còn thiếu thốn, nên chó, mèo có thể được coi là một nguồn đạm quý giá; và chó được nuôi để giữ nhà, mèo được nuôi để bắt chuột; chứ không phải là “thú cưng”. Vấn đề còn khác nhau ở quan niệm châu Âu - châu Á. Nhiều nước châu Âu coi chó, mèo là “bạn”; nhưng văn hóa châu Á lại khác, ví dụ như thịt chó là món rất được ưa chuộng thịnh hành hàng trăm năm nay ở Hàn Quốc.
Thực tế những năm qua, ngày càng nhiều người Việt quay lưng với thịt chó. Một là, sự tác động của truyền thông đại chúng khiến người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật. Hai là, mọi người khắt khe hơn trong lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe. Ba là, nhiều người coi chó, mèo như thú cưng. Thứ tư là, không ít người bỏ ăn, tạo hiệu ứng dây chuyền. Kết quả như vậy đã là rất tốt. Ở Việt Nam rất khó có thể ra quy định nào về việc chấm dứt giết và ăn thịt chó, mèo; mà chỉ nên nghiên cứu việc giám sát, quản lý nghiêm quy trình giết mổ, kiểm dịch kèm theo hình thức xử lý nếu vi phạm. Nói cách khác, nếu là câu chuyện văn hóa của xã hội, hãy cứ để xã hội tự điều chỉnh.