Chỉ còn 12 ngày nữa là Giao thừa, bước sang năm mới Quý Mão. Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam nói riêng, cũng như một số quốc gia khác trong khu vực châu Á nói chung, Tết chính là khoảng thời gian chúng ta sum vầy, vui chơi, gặp gỡ nhau, nhằm tiễn đưa năm cũ đã qua. Vì vậy, việc trang trí nhà cửa đón Tết giúp tinh thần các thành viên trong nhà thêm phấn khởi, hào hứng, để chào đón một năm mới an khang thịnh vượng.
Theo quan niệm dân gian Việt Nam, trang trí nhà đón tết chính là mang đến ý nghĩa xóa bỏ những điều cũ, dẹp đi những điều không may mắn. Đồng thời, giúp ngôi nhà thu hút vận khí, đem đến tài lộc, may mắn cho gia chủ trong năm mới.
Khi trang trí nhà cửa đón năm mới, gia chủ cần lưu ý nên lau chùi nhà cửa sạch sẽ, khang trang. Nếu nhà cửa sạch sẽ, tinh tươm, gia đình sẽ nhận được nhiều sự bảo hộ của thần linh, thổ địa,... từ đó đón được nhiều tài lộc, thịnh vượng hơn.
Hơn nữa, việc các thành viên trong gia đình cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, đón Tết còn giúp các thành viên trong gia đình gắn kết, kết nối với nhau được nhiều hơn. Điều này giúp cho gia chủ nhận được nhiều phúc khí, tài vận trong năm mới.
Trong việc trang hoàng nhà cửa đón Tết, việc trưng bày cây cảnh vô cùng quan trọng. Đặt cây cảnh trong nhà ngày Tết giúp mang lại không khí trong lành, dễ chịu, tạo thêm sắc xanh cho căn phòng, giúp gia chủ đón tài lộc năm mới.
Ngoài ra, nó còn giúp ngôi nhà trở nên tươi mát, trong lành tạo cảm giác thư giãn cho gia chủ. Đây là một trong những phương án trang trí truyền thống của người Việt.
Đặc biệt, là hai loài hoa biểu trưng của ngày Tết, là hoa đào và hoa mai. Vì vậy việc chọn đào, mai trưng Tết cũng vô cùng quan trọng. Gia chủ nên chọn những cành đào có nhiều lộc, nhiều lá, có tán đẹp giúp ngôi nhà trở nên đẹp hơn. Kèm theo đó, là những phụ kiện trang trí trong nhà như đèn LED, đèn chùm, đèn nháy... giúp cho ngôi nhà trở nên lung linh và đẹp hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị một mâm ngũ quả cũng được xem là một phần quan trọng trong dịp Tết cổ truyền. Mâm ngũ quả mang ý nghĩa sâu sắc về sự đoàn viên, sung túc.
Theo phong tục truyền thống từ xưa của người dân Việt, việc trưng mâm ngũ quả thể hiện lòng hiếu thảo
và ước mong những điều tốt lành trong gia chủ và luôn là một phần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta.
Theo thuyết ngũ hành trong văn hóa phương Đông là nhất nhất vạn vật phải dung hòa cùng trời đất. Do đó, mâm ngũ quả cũng thường phải phối theo 5 màu: kim trắng, mộc xanh, thủy đen, hỏa đỏ, thổ vàng.
Cũng bởi điều ấy mà mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Bắc thường có 5 loại quả: chuối, bưởi, đào, hồng và quýt. Cách trình bày phổ biến và truyền thống nhất là: để nải chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Ở chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng, đào, hồng, quýt thì bày xung quanh còn những chỗ trống có thể cài xen kẽ quất, táo xanh hoặc quả ớt chín đỏ.
Cũng giống như cành đào, mai và mâm ngũ quả, câu đối đỏ là đồ trang trí thường xuất hiện trong các dịp lễ tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Thay vì chờ ông đồ viết chữ thành câu đối, gia chủ có thể mua sẵn các câu đối bày bán ngoài tiệm để về trang trí cho tổ ấm của mình.