Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 26/12. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo Hội nghị.
Nhiều kết quả nổi bật
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành LĐ-TB&XH đạt được, nhận định năm 2023. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP năm 2023 ước đạt trên 5%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD. Thị trường lao động phục hồi tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, giảm 1,1%. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là “điểm sáng” trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo…
Phó Thủ tướng đánh giá toàn ngành LĐ-TB&XH đã chủ động trong công tác tham mưu hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển xã hội, an sinh. Nổi bật là Nghị quyết số 42-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới chuyển đổi cách tiếp cận chính sách xã hội từ “bảo đảm và ổn định” sang “ổn định và phát triển”; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội; mở rộng toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện.
Các giải pháp phục hồi thị trường lao động được triển khai hiệu quả, nhất là giải quyết các vấn đề an sinh cho lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp. Cùng với việc tạo việc làm trong nước, năm 2023, đã có 155.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt 29% kế hoạch, tăng 8,5% so với năm 2022.
Công tác trợ giúp xã hội được nâng cao hiệu quả, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức trợ cấp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ.
Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh; phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em được tăng cường; bảo đảm duy trì các dịch vụ trợ giúp xã hội và kịp thời phát hiện, giải quyết, thông tin về các vấn đề, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em và liên quan đến quyền trẻ em…
Cần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để chuyển giao công nghệ
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng ngành LĐ-TB&XH phải nhận diện những thách thức, tồn tại cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH cần khắc phục tình trạng chậm, xin lùi thời gian ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, với tinh thần của Nghị quyết 42-NQ/TW, với mục tiêu cao hơn, cách tiếp cận chính sách đổi mới, tư duy, tầm nhìn khác biệt. Thị trường lao động còn mất cân đối cung - cầu, trong đó, cầu về lao động chưa bền vững, cung về lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng. Số người có việc làm phi chính thức vẫn còn cao chiếm 65%. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao (thất nghiệp của thanh niên 15 - 24 tuổi quý III/2023 là 7,86%).
Trước yêu cầu phát triển lực lượng lao động nhằm tận dụng được các cuộc cách mạng chuyển đổi số, năng lượng, tự động hóa, Phó Thủ tướng cho rằng phải hài hòa giữa yêu cầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để chuyển giao công nghệ, tiến tới làm chủ từ thiết kế, sản xuất, thương mại… đi cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và các hành vi gian lận, trục lợi khác, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Xây dựng, các địa phương để giải quyết các vấn đề của công nhân như: Nhà ở, điều kiện sống cho công nhân và điều kiện học tập cho con em người lao động.
Phó Thủ tướng cho biết, năm 2024 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn đối với toàn cầu. Kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế của thời đại được thúc đẩy bởi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trí tuệ nhân tạo, công nghệ tự động sẽ thay thế lao động giản đơn trong tương lai gần. Vì vậy, nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất và nhân tài chính là động lực đột phá để Việt Nam rút ngắn khoảng cách, bắt kịp, đi cùng và vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu.
Nhấn mạnh yêu cầu kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo chỉ đạo, tăng cường phân cấp, cải cách hành chính, Phó Thủ tướng mong muốn tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên ngành LĐ-TB&XH cần tiếp tục phát huy bản lĩnh, truyền thống đoàn kết, tinh thần đổi mới. Đó chính là nhân tố quyết định sự thành công trong thực hiện các mục tiêu đặt ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo…