Quan điểm “không có học sinh cá biệt”
Nhiều năm trước, nghe nhắc đến trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, một số người nhớ tới đặc điểm nơi đây có một số học sinh cá tính, quậy phá. Mỗi lớp nếu chỉ có một vài học sinh như vậy đã rất vất vả, khó khăn, nhưng ở trường Đinh Tiên Hoàng có khi 60% học sinh yếu kém văn hóa, 20% học sinh bị các trường khác xếp loại yếu kém đạo đức. Có lúc một số giáo viên áp lực, không chịu nổi học trò ngỗ ngược đã xin nghỉ việc. Có lúc trường phải mời cảnh sát cơ động tới túc trực, ngăn chặn học sinh đánh nhau…
Tuy nhiên, đây cũng là ngôi trường duy nhất không chọn học sinh khi nhận đầu vào, nhưng đảm bảo “học sinh nên người” ở đầu ra. Vậy làm thế nào để giải bài toán khó này?
Một cựu HS hiện đang định cư tại Mỹ đã gửi thư về để cảm ơn thầy cô như sau: “Con vẫn nhớ giây phút khi con được nhận vào trường. Sau nỗi thất vọng chán chường vì điểm thi tốt nghiệp quá thấp của con, được nhận vào trường như vớ được cái phao giữa biển rộng. Ở tuổi ấy, nếu không được đi học thì chỉ có ở nhà hoặc đi làm và như thế thật lòng con nghĩ sẽ chẳng có hi vọng gì cho tương lai cả”…
“Cùng thời gian đó, thầy hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm đã mở thêm các tiết học giá trị cuộc sống. Sau những câu chuyện thầy dạy dỗ, con đều lặng người ngẫm nghĩ. Con nhớ nhất về câu chuyện “cái đinh”. Thầy đã dùng những tiết giá trị sống để dạy con cách làm người. Từ đó con hiểu, nếu sống mà không biết được giá trị thì suốt đời sẽ đặt dấu hỏi, sống để làm gì? Với con, thành công nhất là học cách làm người”…
Ý tưởng thành lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng xuất phát từ một buổi tổng kết năm học của ngành giáo dục Hà Nội vào năm 1989. Trước những bức xúc xung quanh vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh, thầy Nguyễn Tùng Lâm đã đề nghị được thành lập một trường dân lập để giải quyết vấn đề.
Từ một sinh viên Văn khoa, đến Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội, thầy Tùng Lâm đã trở thành hiệu trưởng của ngôi trường đặc biệt này suốt 33 năm qua. Thầy chia sẻ: “Ở đây chúng tôi coi các em là những học sinh nhiều cá tính, chứ không có em nào là học sinh hư, cá biệt. Giáo dục học sinh mà không biết trân trọng các em là không đúng với nguyên tắc sư phạm, không đúng với lương tâm người thầy”.
Để dạy học có hiệu quả trong ngôi trường đặc biệt này, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nếu người thầy chỉ có tình yêu thương và niềm say mê thôi chưa đủ. Ở đây, mỗi người thầy cần phải là một “nghệ sĩ” tài năng sáng tạo.
Bởi thế, dù đầu vào hơn 60% học sinh yếu kém về văn hóa, cho đến nay, đã có hơn 10.000 HS đã tốt nghiệp THPT, trong đó rất nhiều HS thi đỗ vào đại học, trường cao đẳng nghề. Những trang viết, chia sẻ của học sinh khi ra trường gửi về cho các thầy cô với nhiều câu chuyện xúc động, tri ân chính là món quà vô giá của một ngôi trường đặc biệt này. Ở đây, mỗi học trò trưởng thành là một hành trình kiên trì và tận tụy ngày đêm của thầy cô.
Thầy Lâm đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò, sứ mệnh người thầy, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Vì không có được người thầy tốt, thực hiện được sứ mệnh của mình thì không thể có một nền giáo dục tiên tiến nhân văn. Đồng thời, thầy Lâm cũng cho rằng, mỗi nhà giáo cần dạy học trò bằng chính đạo đức của người thầy…
TS Lâm kể câu chuyện, một cô giáo chủ nhiệm mới ra trường đã tìm ra được “thủ phạm” đốt pháo trong nhà trường. Sau đó, học sinh này bị đuổi học. Nhưng sau 5 năm thì cô mới nhận ra được rằng, trong số những HS bị đuổi học, có em tiếp tục học bổ túc, có em làm nghề, có em bị kẻ xấu lôi kéo. Và cô đã rút ra được rằng, trong mối quan hệ giữa thầy và trò, không có thua và thắng, mà chỉ có ân hận và niềm tự hào.
TS Nguyễn Tùng Lâm: “Nghề giáo không có thắng thua, mà chỉ có tự hào và ân hận”. |
Dạy học không vì thành tích
Kể về một số học trò ngỗ nghịch, TS Lâm nhớ ngay đến câu chuyện của một học sinh từng có tiếng với những hành động “cắm” xe, cờ bạc... Nhà chỉ có hai mẹ con, bố mất sớm, mẹ tần tảo nuôi con bằng việc bán trà đá vỉa hè. Lại ốm đau bệnh tật, bà vẫn dành dụm cho con có xe máy đi học. Nhưng cậu không chịu học hành, lại “gán” xe để có tiền ăn chơi.
Thế rồi: “Gặp hai mẹ con, tôi hỏi em, con sống dựa vào ai? Cậu bé trả lời “con sống nhờ mẹ”. Tôi hỏi tiếp: “Thế mẹ con sống được nhờ đâu?”. Cậu không trả lời được. Tôi nói: “Nhà chỉ có hai mẹ con, nên mẹ cũng sống được nhờ có con đấy””.
“Tôi quay sang hỏi mẹ cậu tôi nói có đúng không? Mẹ cậu gạt nước mắt trả lời “Thầy nói đúng quá”. Tôi nói tiếp: “Con mà biết tu chí học hành sau này có công việc thì mẹ mới đỡ khổ, nếu cứ chơi bời lêu lổng rồi mẹ con cùng héo mòn mà đi theo cha! Con trai mà không làm được chỗ dựa cho mẹ già thì kém quá?””.
Sau đó, cậu học trò này đã dần thay đổi. Và để chứng minh sự quyết tâm của mình, cậu đã lén tự chặt một đốt ngón tay út để cam kết. Rồi “đầu gấu” ngày nào không chỉ tốt nghiệp với số điểm cao, mà còn đỗ hai trường ĐH, nay đã trở thành một giám đốc thành công, thỉnh thoảng vẫn về trường thăm thầy cô như mái nhà xưa của mình.
Thầy Lâm chia sẻ: “Chúng tôi dạy học không chạy theo thành tích mà hướng tới mục tiêu “dạy học sinh nên người”. Một số trường lo dạy chữ để có nhiều học sinh vào đại học, còn trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng lại kiên trì lo việc “dạy người””.
Các em khi làm sai không bị viết kiểm điểm mà được yêu cầu suy nghĩ về hành động bản thân. “Chúng tôi không đếm sai lầm, vi phạm để xếp loại học trò mà nhìn vào những điều tốt các em đã làm được. Đặc biệt, các HS không bị so sánh với nhau mà chỉ so sánh chính bản thân họ để thấy đã tiến bộ như thế nào”, thầy Lâm chia sẻ.
“HS của tôi có thể là giáo sư, tiến sĩ; cũng có thể là người làm công việc rất bình thường; nhưng thầy luôn tự hào khi thấy học trò làm người tử tế. Cuộc sống mưu sinh khiến người ta không dễ tử tế, nhưng với những giá trị học được ở trường về đạo đức làm người, các em đã làm người tử tế.”, thầy Lâm nói.
Học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng. |
Trong thư gửi học sinh của mình ngày 20/11 vài năm trước, dẫn lại câu nói của cha ông ta “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích, người giúp ta biết được “một chữ”, hay chỉ “nửa chữ” cũng là thầy ta. “Có một người thầy rất vĩ đại chúng ta phải biết tri ân, các trò có biết là ai không? Chính là bản thân các trò đó. Mỗi người phải là người thầy vĩ đại của chính mình”.
Thầy Lâm mong muốn các trò hãy ghi nhớ mãi điều này trong cuộc sống, nó trở thành lẽ sống mỗi người và không thể thiếu được của mỗi trò như bao bài học về giá trị sống cũng như 5 “tự” của Đinh Tiên Hoàng.
“Đó là phải luôn “Tự học sáng tạo” để trưởng thành, không phải học vì bằng cấp mà phải học vì cuộc sống mỗi người. Học hỏi để giúp chúng ta tốt đẹp hơn, sống có ích hơn; “Sống tự chủ”: Sống phải có mục đích, có ước mơ và quan trọng phải có đủ quyết tâm, có đủ sự sáng suốt biến ước mơ, khát vọng thành hiện thực cuộc sống. Muốn vậy, mỗi trò phải biết Sống tự tin vào bản thân, vào khả năng vào ý chí của mỗi người. Nếu các trò không biết tự tin vào sức lực và quyết tâm của mỗi người khi vấp ngã chúng ta sẽ không đứng dậy được. Để có thể tự tin thành công trong cuộc sống chúng ta phải biết sống Tự trọng. Chỉ có tự trọng mới biết quý giá bản thân, mới có lòng tự trọng để biết tôn trọng người khác. Điều cuối cùng thầy muốn các trò ghi nhớ đó là phải sống có trách nhiệm với bản thân, mọi người, với mọi công việc mình nhận làm”.
TS. Nguyễn Tùng Lâm sinh ngày 15/2/1943. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, TP. Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam, Thường vụ Liên Hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội, Thường vụ Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội.
Với những đóng góp to lớn cho giáo dục và cho hoạt động của Liên hiệp Hội, TS Lâm là 1 trong 106 trí thức được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao danh hiệu Trí thức và khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2022.
Trước đó, TS Lâm được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2015.