Sinh viên vội vã tìm nhà
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ra thông báo đề nghị tất cả các trường đại học, cao đẳng lên kế hoạch cho sinh viên, học viên đi học trở lại ngay trong tháng 2/2022. Việc các trường đại học ở TP HCM dần công bố kế hoạch hoạt động trực tiếp tại trường trong giai đoạn học kì 2 kéo theo nhu cầu cần tìm phòng trọ của khoảng 180.000 sinh viên. Bên cạnh sự háo hức, nhiều sinh viên ngoại tỉnh rất hoang mang khi chưa có sự chuẩn bị trước mà phải gấp rút đi tìm chỗ ở ổn định.
Từ khi biết sẽ trở lại trường vào 15/2, mỗi ngày, Lê Thành Long dành khoảng 2 tiếng để tìm thông tin trong các hội nhóm cho thuê nhà, phòng trọ. Là sinh viên năm ba của Trường Đại học Kinh tế TP HCM, Long về quê nghỉ lễ 30/4 -1/5 rồi ở nhà cho đến nay vì trường chuyển sang học trực tuyến. Tuy nhà trọ bỏ không, Long và bạn cùng phòng mỗi người vẫn trả 1,8 triệu đồng tiền thuê hàng tháng với hy vọng sớm trở lại học trực tiếp, bởi mỗi lần tìm nhà lại rất vất vả.
Tuy nhiên, ở quê đồng nghĩa với việc em không thể đi làm thêm, trong khi tiền nhà vẫn phải xin bố mẹ để trả. Nửa năm trôi qua vẫn chưa nhận thông báo trở lại trường, Long và bạn quyết định trả phòng vào tháng 11/2021.
Khi có thông báo học trực tiếp, Tâm cùng bạn rủ nhau đi thuê nhà trọ lại từ đầu. Cả nhóm đều không ở TP HCM, mỗi lần tìm được chỗ ưng ý không thể đến xem và đặt cọc ngay nên chủ nhà không giữ phòng. Bắt đầu tìm kiếm từ trong Tết Nguyên đán nhưng Long vẫn chưa chọn được chỗ ở ưng ý. “Bỏ lỡ liên tiếp 3-4 chỗ, em và các bạn dự định trở lại TP HCM vào 10/2, sau đó chia nhau đi xem nhà, nếu ổn sẽ đặt cọc luôn”, Long nói.
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc thuê nhà trọ cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều chủ nhà trọ yêu cầu người thuê phải có chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Một số chủ nhà trọ có tâm lý không muốn tiếp xúc với người lạ nên việc đi hỏi thuê phòng gặp khó khăn hơn trước nhiều. Hơn nữa thời gian đi học lại quá gần với Tết Nguyên đán nên nhiều chủ nhà chưa kịp chuẩn bị dọn dẹp phòng trọ để cho thuê.
Giá nhà trọ tăng chóng mặt
Trong tháng 2/2022, nhóm công nhân và lao động tự do thu nhập dưới 10 triệu mất việc do ảnh hưởng của COVID-19 vừa qua cũng rất mong muốn quay lại thành phố kiếm việc lại sau Tết. Nhóm nhân viên văn phòng và công nhân lao động có tay nghề khá bị mất việc ít hơn, nhưng cũng đã bị giảm thu nhập 10 - 30%.
Nhóm này cũng nhanh quay trở lại guồng quay công việc vì họ sẽ không thể kiếm được công việc tương xứng với trình độ và thu nhập kỳ vọng của mình khi ở quê. Theo khảo sát, con số người lao động ước tính quay trở lại khu vực TP HCM vào khoảng 350.000 người.
Anh Nguyễn Văn Lợi vốn là công nhân bảo trì một công ty may ở quận Tân Phú. Tháng 9 năm ngoái, do công ty không làm ăn được vì COVID-19 nên phải cắt giảm nhân sự, anh vì thế mất việc. Ngoài chỗ làm của anh, hàng loạt doanh nghiệp cũng dừng hoạt động, anh Lợi không thể tìm được việc nên đành về quê. Để có tiền nuôi gia đình, anh đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Khi không có khách, anh tranh thủ chạy qua các khu công nghiệp xem thông tin tuyển dụng.
Sáng 6/2 (mùng 6 Tết), anh và con gái lớn từ Bình Thuận trở lại thành phố, chuẩn bị hồ sơ xin việc. Nam công nhân nói rằng có thể chưa tìm được việc ngay nhưng cảm giác an tâm, cơ hội có việc làm nhiều hơn cứ ngồi ở quê.
“Sau Tết, nhiều người thường nhảy việc, tôi tin mình sẽ sớm có được chỗ làm tốt. Tuy nhiên, khi quay lại thành phố, giá nhà trọ tăng cao chóng mặt khiến tôi cũng hoang mang, lo lắng. Mà không thuê thì không có chỗ ở, đành phải cắn răng chịu đựng và chắt bóp thêm thôi”.
Nhà trọ là lựa chọn hàng đầu của những người lao động để có một nơi ở phù hợp với túi tiền. Tuy nhiên, với đặc thù năm 2021 giãn cách kéo dài, lượng người lao động hồi hương tăng đột biến dẫn đến số nhân lực lên TP HCM cũng tăng mạnh sau tết tìm việc làm. Số tin đăng cho thuê trọ và tìm nhà trọ cũng tăng 3 đến 5 lần so với cùng kỳ các năm trước. Trong khi đó, giá nhà trọ vẫn không ngừng tăng.
Chị Lê Thị Thanh Thúy, chủ nhà có nhiều căn hộ cho thuê tại chung cư Phú Thạnh (quận Tân Phú) cho biết: “Giá nhà cho thuê nhiều hay ít tùy vào diện tích. Diện tích dưới 60m2 hoặc 1 phòng ngủ và không có nội thất thì tăng nhẹ. Những căn diện tích lớn, 2, 3 phòng ngủ và có nội thất đầy đủ thì tăng cao. Giá cả tăng sao thì do chủ nhà quyết chứ cũng không dựa vào tiêu chí nào. Giờ phòng trọ ít nên việc tăng giá cũng đúng thôi. Cùng với đó, chi phí sinh hoạt giờ tăng mỗi ngày, mình không tăng thì mình thiệt”.
Thuê nhà trọ sau Tết nhiều khó khăn, nhiều tổ chức thiện nguyện, hỗ trợ sinh viên, người lao động cũng đã vào cuộc, giúp đỡ những người chưa có nơi ở có chỗ nghỉ tạm thời để họ yên tâm tiếp tục hành trình tìm kiếm nhà đầy gian nan và tốn kém sau Tết.