PV: Trước kia khi tham gia vào việc làm luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng ủng hộ đưa quy định này vào. Vậy dựa cơ sở nào, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Tùng: Khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị giữ nguyên điều này vì để cho người lao động có quyền lựa chọn. Nhưng đa số ĐB lại không chịu.
Theo đánh giá về lâu dài thì Điều 60 như thế là phù hợp, có lợi cho người lao động vì lĩnh một lần là ít, không có lợi nên chúng tôi mới đồng tình.
Nhưng có những người lao động họ vì hoàn cảnh gia đình, không tiếp tục lao động được nữa, và họ cần một khoản tiền để mưu sinh, làm một nghề nghiệp khác. Do vậy chúng ta phải giải quyết nguyện vọng cho phù hợp.
PV: Ông đánh giá như thế nào về báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội trình ra Quốc hội?
Ông Đặng Ngọc Tùng: Chính phủ và Ủy ban về các vấn đề xã hội đều đồng tình cho sửa điều 60. Tôi nghĩ rằng, Chính phủ đề nghị sửa, Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị sửa thì chắc các vị đại biểu Quốc hội sẽ đồng tình.
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam sẽ tuyên truyền cho người lao động hiểu được nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng hưu trí thì có lợi hơn.
PV: Vậy ông sẽ tuyên truyền cho họ sẽ được lợi gì nếu theo đuổi bảo hiểm xã hội lâu dài?
Ông Đặng Ngọc Tùng: Được nghỉ hưu là có lợi, để ổn định cuộc sống cho người già là có lợi quá. Cho nên phải giải thích cho người lao động hiểu việc đó. Phải hiểu thế này, tại sao những người lao động họ lại nhận bảo hiểm xã hội một lần? Trong khi số tiền hàng tháng người lao động và người sử dụng lao động đóng một năm tính ra là phải 2,6 tháng lương, nhưng khi nhận một lần họ chỉ nhận được 2 tháng lương. Như vậy là họ thiệt thòi mất 0,6 tháng, 10 năm là họ thiệt thòi mất 6 tháng lương. Cho nên người lao động nhận một lần rất là thiệt thòi.
Chúng ta phải giải thích điều này cho người lao động thấy được điều đó. Chưa kể bảo đảm hưu sau này, bảo hiểm xã hội ốm đau. Cực chẳng đã nên họ mới nhận một lần, vì cuộc sống của họ nên chúng ta phải để cho họ có quyền lựa chọn. Chứ đa số sẽ muốn dành bảo hiểm đến khi nghỉ hưu cho ổn định.
Quan trọng nhất là làm sao giải thích cho người lao động hiểu, thấy được hấp dẫn của việc tiếp tục tham gia có lợi như thế nào. Tôi nghĩ rằng làm sao giải thích để người lao động chọn được con đường nào có lợi cho mình nhất.
PV: Xin cám ơn ông!