Người là nguồn cảm hứng giúp châu Phi đấu tranh thoát khỏi chế độ thực dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng tiếp Tổng thống nước Cộng hòa Guinea Ahmed Sékou Touré vào năm 1960. (Ảnh tư liệu).
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng tiếp Tổng thống nước Cộng hòa Guinea Ahmed Sékou Touré vào năm 1960. (Ảnh tư liệu).
(PLVN) - Có hai quốc gia đã quyết định đến sự nghiệp giải phóng dân tộc ở châu Phi, đó là Việt Nam và Cuba. Đến nay, những nguồn “tiếp lửa” để các nước bạn có thể đấu tranh và vững tin vào những gì họ đã đổ máu hy sinh vẫn là những tên tuổi, nhân vật trường tồn trong lòng nhân loại...

Cảm hứng của Cách mạng Việt Nam

Ngày 5/6/1911, theo con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để bắt đầu hoài bão tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó mang tên là Văn Ba) đã có một cuộc hành trình rất dài đi vòng quanh châu Phi. Đến đâu Người cũng thấy cảnh khổ cực của người da đen dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thực dân.

Người nhớ lại khi đến Dakar (thủ đô của Senegal ngày nay) thì “Bể nổi sóng rất dữ. Tàu không thể vào bờ. Cũng không thể thả ca-nô xuống vì sóng rất to. Để liên lạc với tàu, bọn Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra chiếc tàu. Một, hai, ba, bốn người da đen nhảy xuống nước. Người này đến người kia, họ bị sóng bể cuốn đi”. 

Đầu năm 1919, Lê-nin và những người theo Chủ nghĩa Mác ủng hộ lập trường của Lênin họp đại hội ở thủ đô Moscow của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga, thành lập Quốc tế Cộng sản và ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, vào những tháng cuối năm 1919, Uỷ ban Quốc tế Cộng sản của Đảng Xã hội Pháp được thành lập. Trong những ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tham dự các cuộc họp của tổ chức này.

Sau này, Người nhớ lại: “Dù chưa biết đủ tiếng Pháp để nói hết ý nghĩ của mình, tôi vẫn đập mạnh những lời lẽ chống lại Lê-nin, chống lại Quốc tế thứ ba. Lý lẽ duy nhất của tôi là: Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì? Không chỉ tham gia các cuộc họp của chi bộ mà thôi, tôi còn đến những chi bộ khác để bênh vực lập trường của tôi”. 

Năm 1921, hoà mình vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, Người đã tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, tham gia xuất bản tờ báo “Người cùng khổ” (1922) và tập hợp các bài viết của mình để xuất bản “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925). Bởi vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định Chủ tịch Hồ Chí Minh là “người đầu tiên kết án chủ nghĩa thực dân” và “Người đã cùng với dân tộc của Người thi hành bản án đó”.

Chủ tịch Fidel Castro và Tổng thống Thomas Sankara cùng các em thiếu nhi Thượng Volta (Burkina Faso ngày nay) - Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Fidel Castro và Tổng thống Thomas Sankara cùng các em thiếu nhi Thượng Volta (Burkina Faso ngày nay) - Ảnh tư liệu.  

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã tạo cảm hứng cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Trong cuốn “Thế giới bàn về Việt Nam”, học giả nước Anh Thomas Hodgkin đánh giá Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một sự kiện “quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga”. 

Thomas Hodgkin đã viết rằng: “Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời được 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa... Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”. Kể từ đó, cách mạng Việt Nam luôn là niềm cảm hứng cho các dân tộc thuộc địa.

Tuy nhiên, thực dân Pháp đã nhanh chóng quay trở lại xâm lược Việt Nam. Nhưng chúng đã bị đánh bại bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “vang vọng năm châu, chấn động địa cầu”. Về chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà sử học Mỹ Berna Fol đánh giá: “Lần đầu tiên cường quốc thực dân bị một nước thuộc địa đánh bại”. Ký giả người Pháp Jules Roy ghi nhận: “Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa”. Jean Pouget, một cựu sĩ quan trong lực lượng viễn chinh Pháp cay đắng nhận xét: “Thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thực dân và khởi đầu cho kỷ nguyên độc lập của thế giới thứ ba”.

Năm 1955, chỉ một năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị 29 nước Á - Phi đã họp ở Bandung (Indonesia). Lần đầu tiên trong lịch sử những dân tộc hàng trăm năm bị gạt ra ngoài rìa lịch sử đã liên kết lại để công khai lên án chủ nghĩa thực dân và hợp tác giúp đỡ nhau vì mục đích hòa bình, độc lập dân tộc. Tại hội nghị này, các đại biểu Việt Nam đã được chào đón như những người anh hùng.

Nhìn lại để đánh giá, quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương chỉ chiếm 25% quân số, số còn lại được huy động từ 17 nước thuộc địa. Chính vì vậy, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hệ thống thuộc địa của Pháp đã dần bị lung lay bởi những người lình thuộc địa này đã mang tinh thần đấu tranh của người Việt Nam trở về quê nhà. Khởi đầu là Mặt trận dân tộc giải phóng Algeria đã ra đời. Sau 8 năm kiên trì, bền bỉ tranh đấu (1954-1962), nhân dân Algeria đã buộc chính phủ Pháp phải thừa nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. 

Khi nói về thắng lợi này, Abdelkader Bensalah (Chủ tịch Thượng viện Algeria) cho rằng: “Chiến thắng Điện Biên Phủ trả lời cho chúng tôi câu hỏi nhân dân Việt Nam có thể chiến thắng đế quốc thực dân, thì tại sao Algeria lại không thể?”. Đặc biệt, chỉ 4 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1960 đã đi vào lịch sử nhân loại với tên gọi “Năm Châu Phi” với 17 nước châu Phi đã tuyên bố độc lập. Đến 1968, có tới 39 nước ở châu lục này (gồm 85% lãnh thổ và 93% dân số) đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất vào năm 1969, Marien Ngouabi (Chủ tịch Hội đồng Cách mạng Toàn quốc, Tổng thống nước Cộng hòa Congo) đã nhận định: “Người mất đi là các dân tộc bị áp bức mất đi một vị lãnh tụ mà ý thức trách nhiệm, lòng dũng cảm và danh dự chỉ có thể so sánh với niềm tin của Người ở tự do và sự kiên trì của Người đấu tranh, chống những kẻ thù chung của chúng ta là chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”. 

Ahmed Sékou Touré (Tổng thống Cộng hòa Guinea) thì nhận định: “Xuất sắc và dũng cảm, người anh Hồ Chí Minh là tấm gương tốt đẹp đối với các dân tộc Á - Phi trong cuộc đấu tranh cao cả chống đế quốc, chống thực dân cũ và mới”.

Sự giúp đỡ trong sáng của nước bạn Cuba

Mới giành được chính quyền 2 năm, đất nước còn bao khó khăn, nhưng lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro đã tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Algeria chống thực dân Pháp. Hành động ủng hộ thiết thực nhất, rất có ý nghĩa đối với Mặt trận Giải phóng dân tộc (FLN) Algeria nói riêng và đối với phong trào giải phóng dân tộc nói chung là việc Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao với FLN, khi FLN chưa giành được chính quyền.

Đó là việc thừa nhận sự tồn tại của phong trào giải phóng dân tộc như một chủ thể trong công pháp quốc tế hiện đại. Tháng 10/1963, theo yêu cầu của Tổng thống Algeria Ben Bella, Cuba không ngần ngại cử một số đơn vị bộ binh cơ giới đến giúp Algeria ngăn chặn cuộc xâm lăng của quốc gia Morocco láng giềng. 

Từ tháng 1/1978, theo yêu cầu của Ethiopia, hơn 40.000 chiến sĩ quốc tế Cuba đã nhanh chóng có mặt tại Ethiopia, giúp nước này trong vòng 3 tháng thu hồi lại vùng lãnh thổ rộng tới 300.000 km2 bị Somalia chiếm đóng. Sau đó, Cuba còn duy trì quân đội của mình ở Ethiopia vài năm sau đó, đến khi Somalia từ bỏ hẳn ý định xâm chiếm quốc gia láng giềng này.

Các chiến sĩ quốc tế Cuba cũng đã chia sẻ kinh nghiệm tổ chức đấu tranh vũ trang, cùng chiến đấu bên cạnh cách chiến sĩ du kích thuộc các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Congo, Guinea-Bissau trong những thập niên từ 1950 đến 1990 của thế kỷ XX.

Đặc biệt, tháng 9/1975, trước sự xâm lược của Nam Phi, cùng sự trợ giúp của nước láng giềng Zaire, Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola (MPLA) đã kêu gọi và Cuba đã đáp ứng yêu cầu, cử chuyên gia quân sự tới huấn luyện cho các đơn vị vũ trang của MPLA, ngăn chặn cuộc tiến công của Nam Phi. Ngày 4/11/1975, các đơn vị chiến đấu đầu tiên của Cuba, hành quân bằng đường không và đường biển, đã có mặt tại Angola, cùng các chiến sĩ MPLA mở chiến dịch quân sự lớn có tên Carlota, đánh bại nhiều cuộc tiến công của các lực lượng ở Nam Phi. Thắng lợi quân sự mang ý nghĩa quyết định này góp phần khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Angola (ngày 11/11/1975). 

Ngay sau đó, Angola lâm vào cuộc nội chiến, có sự can thiệp của các thế lực bên ngoài. Quân đội, chuyên gia quân sự và dân sự Cuba được yêu cầu tiếp tục ở lại giúp đỡ cách mạng Angola. Có lúc, có tới 53.000 chiến sĩ quốc tế Cuba hoạt động tại Angola. Họ đã cùng Quân đội Angola mở những chiến dịch lớn như chiến dịch Cuito-Cuanavale, đẩy lùi cuộc tiến công của các phe phái đối lập, được Chính quyền Nam Phi phân biệt chủng tộc và đồng minh hậu thuẫn.

Thắng lợi quân sự của Cuba và Angola trong chiến dịch Cuito-Cuanavale nói trên không chỉ bảo vệ nền độc lập của Angola, mà còn có ý nghĩa quyết định đem lại nền độc lập cho Namibia - vốn bị Nam Phi biến từ lãnh thổ quản thác thành thuộc địa. 

Chủ tịch Fidel Castro và nhà lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela có mối quan hệ gần gũi và lâu dài, được hình thành từ chính cuộc đấu tranh chung chống lại bất công và áp bức. Khi khởi xướng cuộc phản kháng bất bạo động chống nạn áp bức chủng tộc ở Nam Phi, Nelson Mandela đã tìm thấy niềm cảm hứng từ Cách mạng Cuba.

Năm 1994, Nelson Mandela được bầu là vị tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi, một bước ngoặt lịch sử đánh dấu kết thúc thắng lợi của cuộc đấu tranh hơn 40 năm chống áp bức và phân biệt chủng tộc. Chủ tịch Fidel Castro đã sang tận Nam Phi năm đó để chúc mừng Nelson Mandela. Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela nhận định: “Chủ tịch Castro đã truyền cảm hứng đến nhân dân Cuba để họ cùng chúng tôi đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”. 

Hơn một phần tư thế kỷ làm nghĩa vụ quốc tế, Cuba đã cử trên 380.000 lượt binh sĩ (chưa kể 70.000 lượt nhân viên dân sự) kề vai chiến đấu, giúp đỡ các nước châu Phi, giành lại độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Hơn 2.000 người con ưu tú của nhân dân Cuba đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả tại châu Phi. 

Bên cạnh việc giúp đỡ về mặt quân sự, ngay từ tháng 9/1962, theo yêu cầu của Algeria, Cuba đã kịp thời gửi nhân viên y tế, giúp đỡ Algeria xây dựng bệnh viện (mang tên Che Guevara) khi Algeria vừa giành được độc lập, để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Còn khi nước Cộng hòa Nhân dân Angola ra đời, Cuba đã gửi hơn 50.000 công nhân, kỹ sư xây dựng, bác sĩ, giáo viên giúp đỡ Angola xây dựng lại đất nước sau nội chiến. Không những thế, Cuba còn đón nhận 8.000 thanh niên Angola sang học tập. Tại Liên bang Nam Phi, Cuba đã gửi 200 bác sĩ sang giúp đỡ nhân dân Nam Phi, ngay sau khi nước này thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. 

Vì những đóng góp quan trọng này, Chủ tịch Fidel Castro đã nhận được các ghi nhận xứng đáng như Huân chương Welwitschia Mirabilis cổ đại “vì những đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân dân Châu Phi”; Huân chương O. R. Tambo hạng Vàng của Nam Phi “vì những đóng góp vào công cuộc xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng trong xã hội loài người” và cách huân chương, kỷ niệm chương cao quý khác của nhân dân Châu Phi.

Khi Chủ tịch Cuba Fidel Castro từ trần ở tuổi 90 vào ngày 25/11/2016, Algeria, một quốc gia ở châu Phi đã tuyên bố quốc tang 8 ngày và lãnh đạo nhiều quốc gia khác ở châu Phi bày tỏ lòng thương tiếc cũng như hết lời ca ngợi vai trò to lớn của ông trong việc đấu tranh giải phóng nhân dân châu Phi. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma nhận định Chủ tịch Fidel Castro sẽ được nhớ mãi như là “một chiến sĩ vĩ đại, chiến đấu vì quyền được sống đúng với giá trị của người nghèo”. 

Thủ tướng Kenya Raila Odinga đã nhận xét về Chủ tịch Fidel Castro như sau: “Castro là người bạn vĩ đại và chân thành của châu Phi và nhiều nơi khác trên thế giới từng rơi vào cuộc chiến đấu lâu dài để giành lại tự do từ chế độ thực dân”. Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari thì nhận định rằng: “Vị thế lịch sử của ông Castro đã được khẳng định nhờ việc duy trì cam kết và vai trò to lớn của ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân ở châu Phi”…

Đọc thêm

Giải mã tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Nhà thờ họ Trương Việt Nam ở thị trấn Thiên Tôn, Ninh Bình là công trình cấp quốc gia.
(PLVN) - Không chỉ là thần Núi, với lý lịch con thứ 17 của Lạc Long Quân, Lạc tướng Vũ Lâm đời Hùng Vương thứ Nhất, việc thờ cúng Cao Sơn Đại vương tại Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Ly kỳ chuyện đại hồng chung cứu chúa ở ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang

Chùa Linh Thứu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang.
(PLVN) - Khởi nguyên là ngôi chùa mục đồng giữa khu rừng hoang, Sắc tứ Linh Thứu ngày nay được xem là ngôi chùa cổ nhất đất Tiền Giang. Cổ tự 3 lần được sắc tứ này nổi tiếng với những câu chuyện ly kỳ về chiếc đại hồng chung năm xưa từng cứu chúa Nguyễn Ánh thoát nạn khi còn long đong bôn tẩu phương Nam.

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 7): Vì sao vua Hùng lại mang tên Cao Sơn?

Vua Hùng được nhân dân suy tôn là Đột Ngột Cao Sơn.
(PLVN) - Cao Sơn (núi cao) là danh hiệu mang tính biểu tượng của thần Núi, vị thần trong tín ngưỡng dân gian nguyên thủy. Không phải là thần Núi nhưng hàng nghìn năm qua, Hùng Vương thứ Nhất được nhân dân thờ cúng với thụy hiệu Đột Ngột Cao Sơn. Vì sao vua Hùng lại có danh hiệu này?

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 6): Khám phá tín ngưỡng thờ thần Huyền Vũ

Núi Cánh Diều tương truyền là nơi thần Thiên Tôn cắm gươm hóa.
(PLVN) - Trong bách thần của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc có nhiều vị thần của Đạo giáo. Qua thời gian, từ một thánh thú có biểu tượng rùa - rắn, Huyền Vũ trở thành một vị thần của tín ngưỡng Trung Quốc, rồi thành thần tiên trong Đạo giáo và thành thần của người Việt. Đến nay, những dấu vết, biểu hiện của Đạo giáo có thể tìm thấy trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 7): Tuệ Trung Thượng Sĩ luận về chuyện sống chết

Tuệ Trung Thượng Sĩ luôn coi nhẹ chuyện sống chết ở đời.
(PLVN) - Không xuất gia đầu Phật, sống cùng thế tục, nhưng tinh thần thiền học khai phóng của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm thay đổi nhiều dòng thiền. Trong đó, đối với ngài chuyện sống chết luôn xem nhẹ, bởi chỉ có nhận biết được vòng xoay luân hồi của cuộc đời thì người tu hành mới không vướng bận, mới chuyên tâm tu tập chánh pháp.

Zèng - “báu vật” của người Tà Ôi

Zèng được sử dụng làm của hồi môn trong đám cưới của dân tộc Tà Ôi.
(PLVN) - Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống không chỉ giữ gìn biểu tượng văn hóa lâu đời của bà con dân tộc Tà Ôi, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho bà con.

Cúng mặn hay cúng chay?

Một mâm cúng chay.
(PLVN) - Cúng mặn hay cúng chay là vấn đề nhiều người dân băn khoăn khi thành kính dâng cỗ cúng cha mẹ, gia tiên. Người Việt chúng ta thường hay nói “trần sao âm vậy”. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu thấu đáo câu nói này?

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ
(PLVN) - Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ. Bài thơ tràn ngập ý vị thiền, qua cái nhìn độc đáo của một nhà sư biết sống tùy duyên, luôn mở lòng, chan hòa với cuộc đời.

Lay lắt nghề thêu tay truyền thống Bình Lăng

Những người thợ của làng nghề Bình Lăng hiện tại chủ yếu là trung tuổi.
(PLVN) - Làng Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) xưa nay được biết đến là làng thêu tay nổi tiếng đất Việt. Sau một thời gian dài phát triển thịnh vượng, giờ đây, bởi thiếu nguồn nhân lực trẻ, thu nhập thấp… thêu tay truyền thống Bình Lăng rơi vào cảnh “thoi thóp”.