Vị “tổng quản” mẫn cán
Để thực hiện bài viết này, tôi đã năm lần bay lượt gọi điện cho ông Nguyễn Mạnh Hùng để muốn phỏng vấn chuyện tập luyện, chuẩn bị cho vận động viên (VĐV) trước SEA Games 31, nhưng vị giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (TTHLTTQG Hà Nội) luôn cười, từ hối: “Anh đang bận lắm, đang phải lo cho vận động viên, hẹn sau SEA Games gặp nhau nhé”.
Giám đốc TTHLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng là con người như vậy. Bộc trực, mạnh mẽ, dám nói, dám làm. Xuất thân từ vận động viên môn quyền anh (nên bạn bè, đồng nghiệp thường gọi bằng cái tên thân quen là Hùng box), rồi karatedo, của các Đoàn thể thao Hà Nội, thể thao quân đội và đội tuyển quốc gia, nên ông Hùng rất hiểu đời VĐV. Tuổi thể thao ngắn, cuộc sống khó khăn do tập luyện, thi đấu, VĐV hầu hết xuất thân là con nhà nông dân nghèo, coi sự nghiệp thể thao như “cứu cánh”.
“Tôi muốn các vận động viên khi tập huấn, học tập, sinh hoạt tại TTHLTTQG Hà Nội phải coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Đây là một gia đình, chia sẻ với VĐV từ việc giành thành tích cho đến thất bại, mất mát. Muốn VĐV tốt thì phải tạo cho họ cảm giác thoải mái, tự tin, cuộc sống vui vẻ. Tôi không muốn biến trung tâm thành một “trại lính”, mà là nơi để họ gắn bó và khát vọng vươn lên” - ông Hùng tâm sự.
Chính điều đó mà, trước khi bước vào thi đấu SEA Games, ông Hùng đã cho mời các chuyên gia tâm lý đến nói chuyện với các huấn luyện viên, VĐV để họ được trang bị tâm lý vững vàng trước một sân chơi lớn. Và kết quả đã không phụ lòng người, cũng như mục tiêu mà Đoàn thể thao Việt Nam đặt ra.
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tới thăm và động viên các VĐV, HLV trước ngày khai mạc SEA Games. |
Trước khi SEA Games 31 diễn ra, Trung tâm nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đến thăm, tặng quà động viên khích lệ tinh thần các đội tuyển thể thao. Đây là nguồn động viên to lớn cho các VĐV quyết tâm giành chiến thắng mang vinh quang về cho Tổ quốc. “Chúng tôi xin cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, Bộ VHTTDL, Tổng cục Thể dục thể thao, các Sở VHTTDL, các Hiệp hội, các Liên đoàn… Cùng với nỗ lực không ngừng vươn lên của các VĐV, sự cố gắng, đoàn kết của từng cán bộ, HLV trong quản lý, đào tạo, huấn luyện đã làm nên chiến thắng cho các đội tuyển” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tại SEA Games 31, Trung tâm HLTTQG Hà Nội có 40 đội tuyển tham dự đạt thành tích xuất sắc với 278 huy chương trong đó: 127 HCV, 66 HCB, 85 HCĐ và đã đóng góp phần lớn số lượng huy chương cho Đoàn Thể thao Việt Nam: 127/205 HCV; 66/121HCB; 85/441 HCĐ. Tổng cộng Trung tâm HLTTQG Hà Nội đóng góp tới 287 huy chương trong tổng số 441 huy chương mà Đoàn Thể thao Việt Nam đạt được tại SEA Games 31.
Điều đặc biệt quan trọng là trong các đội tuyển vượt chỉ tiêu thi đấu hầu hết là các đội thuộc nhóm Olympic như: Điền kinh, Judo, Rowing, Canoeing, Karate, Taekwondo, Bắn súng, Vật, Đấu kiếm… Trong số đội tuyển xuất sắc có sự vượt trội của đội tuyển Điền kinh, Rowing, Canoeing, Karate, Taekwondo và đặc biệt là đội tuyển Judo, theo chỉ tiêu mặc dù đội chỉ đặt từ 2 đến 3 HCV nhưng đã thi đấu xuất sắc giành 7 HCV. Đây chính là nền tảng để thể thao Việt Nam hướng đến Olympic tại Paris 2024.
“Ngoài công tác tổ chức tốt, các VĐV có được thành tích vượt trội tại kỳ SEA Games này là nhờ sự chuẩn bị tốt lực lượng VĐV của các đội tuyển quốc gia trong 2 năm qua, vừa chống dịch vừa tập huấn dài hạn mà các nước bạn không có điều kiện như chúng ta.
Việc được thi đấu trên sân nhà, không phải di chuyển làm quen với thời tiết và các điều kiện thi đấu ăn, ở…, đặc biệt sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả đã giúp cho các tuyển thủ thi đấu thăng hoa, phát huy được sức mạnh, vượt qua bản thân để giành chiến thắng.
Nhiều môn thể thao, nhiều trận đấu Việt Nam được đánh giá yếu hơn nhưng được thi đấu trên sân nhà, được cổ vũ hết mình của khán giả đã giúp các VĐV tự tin và tỏa sáng như môn bóng đá nam, các môn võ, điền kinh, các môn bóng, thể dục, đua thuyền…” - ông Hùng chia sẻ về thành công của Đoàn Thể thao Việt Nam.
Làm thêm để nuôi nghề
Còn nhớ, sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu, ông Nguyễn Mạnh Hùng làm giảng viên Đại học TDTT Bắc Ninh, rồi làm Trưởng bộ môn Judo, Quyền Anh của Ủy ban TDTT và bây giờ là Chủ tịch Liên đoàn Judo Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn quyền Anh Việt Nam.
Trả lời câu hỏi “Làm Giám đốc TTHLTTQG Hà Nội đã bao việc bộn bề, cớ sao lại “ôm” thêm chức Chủ tịch Liên đoàn Judo làm gì nữa cho mệt?”, ông Hùng cho biết, ông làm không phải vì háo danh hay vụ lợi mà vì VĐV. “Nói thật may ra ở ta có Liên đoàn bóng đá còn có tiền tài trợ chứ mấy liên đoàn võ thuật phải “vác mặt” đi xin tiền để tồn tại. Đã từng là VĐV nên tôi hiểu VĐV, nên trước khi các em thi đấu tôi cam kết là thưởng lớn cho các em có thành tích. Tiền không phải là tất cả, nhưng nó cũng là động lực để các em thi đấu xuất sắc. Vừa rồi, SEA Games, đội tuyển Judo thi đấu xuất sắc, giám đốc lại phải đi “lo tiền” thưởng thêm cho vận động viên” - ông Hùng bộc bạch.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Judo trao thưởng cho VĐV tại SEA Games 31 |
Nhà ông Hùng có quán bia hơi Hà Nội mang tên Xuân Hùng nổi tiếng bên cầu Long Biên. Ngoài giờ lo công việc ở TTHLTTQG Hà Nội, ông Hùng lại chạy về nhà bưng bia cho khách phụ vợ: “Thực ra là tôi đã bán thêm bia hơi để theo đuổi công việc thể thao, vì đó là sự nghiệp của mình, là duyên nợ về nghề, với anh em làm thể thao, với những vận động viên còn non trẻ khát khao chinh phục. Tôi thực sự muốn phục vụ họ để họ mang vinh quang về cho Tổ quốc và thực sự là họ đã làm được điều kỳ vọng”.
Theo đánh giá của giới chuyên môn về thể thao thì SEA Games 31 là kỳ thành công nhất TTHLTTQG Hà Nội, vượt chỉ tiêu đề ra. Còn đối với Trung tâm HLTTQG Hà Nội đây là cả quá trình chuẩn bị lâu dài từ các năm trước đây nhất là khâu đào tạo VĐV, sự phối hợp tốt giữa các đơn vị chuyên môn trong Tổng cục TDTT và Trung tâm nhất là khâu tuyển chọn huấn luyện viên, VĐV. Thành công này, trước hết là sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT.
Trung tâm đã xây dựng được môi trường huấn luyện đào tạo tốt, mang tính chuyên nghiệp cao, trong môi trường đó vai trò của VĐV là tích cực nhất, khổ luyện nhất, vượt lên chính mính và phải có khát vọng chiến thắng; huấn luyện viên phải làm việc nghiêm túc, tận tâm, tận lực và có trình độ.
Bên cạnh đó là sự tích cực phấn đấu, rèn luyện của cả Trung tâm từ cán bộ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên, người phục vụ phải hết sức cố gắng với hàng nghìn lượt VĐV tập luyện. Chỗ ăn, ở hạn chế, trang thiết bị lạc hậu nhưng quan trọng là phải tạo ra một môi trường tập luyện chuyên nghiệp nhất, tốt nhất trong điều kiện còn khó khăn.
Ngoài ra để cho các VĐV có một mùa thi đấu thành công thì cần phải có sự giúp sức từ gia đình, địa phương, đơn vị có VĐV và sự đóng góp cổ vũ tinh thần, vật chất của xã hội mới có được những thành tích này.
Nói thêm về thành công của Đoàn Thể thao Việt Nam nói chung và Trung tâm HLTTQG Hà Nội nói riêng, Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục chia sẻ:“Điều quan trọng tháng cuối cùng trước SEA Games ngoài việc giữ vững kỷ luật, làm tốt về công tác chuyên môn, giữ gìn sức khỏe cho VĐV thì lãnh đạo Trung tâm phải lên dây cót tinh thần cho các huấn luyện viên, VĐV không sợ áp lực, không sợ đối thủ, phải tin tưởng vào bản thân và đồng đội.
Lễ xuất quân của Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 đã tạo ra cảm xúc tinh thần tốt cho VĐV trước khi lên đường thi đấu. Cùng với sự giảng dạy tâm lý thi đấu của lãnh đạo Trung tâm, VĐV mang theo hành trang đầy tự tin và quyết tâm cống hiến hết mình vì vinh quang của Tổ quốc”.
Từ những cống hiến cho sự nghiệp thể thao, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3; 03 bằng khen Thủ tướng Chính phủ, hàng chục bằng khen Bộ trưởng Bộ VHTTDL.