Gương sáng Pháp luật

Người cha của 131 đứa trẻ mồ côi

(PLVN) - Ông là Đinh Minh Nhật (60 tuổi, ngụ thôn 1, xã Ia H'lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Từ đứa trẻ đầu tiên ông cứu khi sắp bị chôn theo mẹ bởi hủ tục, 18 năm qua ông đã tự tay chăm sóc cho 131 đứa trẻ mồ côi. “Tôi mong các con mình dù nghèo nhưng sống thật thà, yêu thương, chia sẻ”, ông nói trong buổi lễ trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2022.

Vượt qua hủ tục

2004 là năm đầu tiên ông Nhật mang đồ đạc ở thị trấn Chư Sê về dựng nhà sống một mình ở Ia H'lốp. Một đêm cuối tháng 4, ông có việc đi ra ngoài thì thấy buôn làng chuẩn bị hủ tục chôn một đứa bé theo mẹ xuống mộ. Đứa bé người dân tộc Jarai, sinh ra được 2 ngày thì mẹ mất, không biết cha mình là ai.

Theo hủ tục của người Jarai, khi người mẹ mất thì đứa con sẽ phải “đi theo”. Ông Nhật không thể chịu đựng được cảnh nhìn một đứa trẻ sơ sinh vô tội bị tước đi mạng sống như vậy.

Khi nghe tin có người đàn ông là người Kinh muốn xin đứa bé về nuôi, già làng cất tiếng khàn khàn: “Người Jrai ta, mẹ chết thì phải cho con đi theo để có cái bú. Giờ đem cho mày, mẹ nó ở “làng ma” không thấy con, kêu Yàng (Thần linh – NV) phạt chết cả họ này thì sao? Bụng mày tốt nhưng không làm trái lệ ông bà chúng ta được. Về đi!”.

Và rồi sau 3 tiếng đồng hồ giằng co, già làng quyết định: “Nếu muốn nuôi đứa bé thì phải mua một con heo to để làng cúng xin Yàng và phải mang nó đi xa làng”. Vét hết trong người chỉ được 300 nghìn đồng, ông Nhật vay mượn bạn bè được 1 triệu đồng nữa mua con lợn 50kg đưa làng để chuộc đứa trẻ.

Rời khỏi nơi đó một quãng thật xa, ông vẫn chưa tin mình vừa giành giật được một sự sống khỏi tay thần chết. Chỉ đến khi ra đến giữa cánh đồng ào ạt gió, ông mới bừng tỉnh. Chính lúc này, tiếng khóc đứt quãng của đứa bé kéo ông về thực tại: “Giờ phải làm sao đây? Thôi thì hẵng cứu lấy mạng sống của bé đã. Có thể sau này ai xin thì cho”…

Ông Nhật bế em bé đói sữa mẹ đi khắp nơi xin những người mới sinh con sữa. Thằng bé đen thui, nặng chỉ hơn 1kg, người ta sợ bệnh tật, không cho bú chung, phải vắt ra chén nhỏ. Mỗi người cũng chỉ giúp một vài lần, bởi nhiều sản phụ ăn uống không đủ chất, ít sữa.

Ông Đinh Minh Nhật và đàn con thơ

Ông Đinh Minh Nhật và đàn con thơ

Bé lên 2 tuổi, ông lại phát hiện bé bị bệnh tim. Nhà chỉ có vài sào cà phê bán không đủ tiền mổ. “May sao có người giới thiệu gặp được tổ chức từ thiện ở Huế. Họ tài trợ toàn bộ, hết 42 triệu đồng. Tôi đặt tên cho bé là Đinh Hồng Phúc với mong muốn hồng phúc đến với con trong tương lai”, ông kể.

Một năm sau, ông Nhật lại nghe người dân bàn tán ở xã Ia Glai có vợ chồng không may bị tai nạn chết, để lại 5 đứa con (đứa lớn 9 tuổi, bé út 2 tuổi) không ai chăm sóc. Sau khi vận động lo hậu sự cho cha mẹ bọn trẻ, xe đạp không chở hết, ông Nhật cùng 5 con nuôi đi bộ hơn 40km về nhà.

Ba năm sau, đàn con đang chơi ở xã Ia Ko, thấy một đứa bé tím tái nằm ven đường vội chạy về hét to: “Cha ơi, có đứa bé chết ở ven đường”. Ông đến lật lên thì thằng bé vẫn sống nhưng không có hậu môn. Về bán hết lợn, bò vào TP HCM để giải phẫu cho bé nhưng không đủ, may mắn ông được bạn bè giới thiệu gặp người đàn ông ở Pleiku hỗ trợ 27 triệu đồng. “Chữa xong hết sạch tiền, tôi nợ tài xế xe khách 200 nghìn đồng, một tuần sau mới trả lại được. Tên nó là Đinh Anh Hùng, ở nhà hay gọi là “Thúi” vì phải đi vệ sinh bên hông”, ông kể.

Người đàn ông u não vẫn hết lòng, hết sức nuôi 131 đứa trẻ mồ côi.

Người đàn ông u não vẫn hết lòng, hết sức nuôi 131 đứa trẻ mồ côi.

Sống để cho đi

Từ lúc mang 5 đứa trẻ ở Ia Kor về nuôi, tiếng đồn ngày càng xa. Vậy là có người báo tin, có người đích thân mang đến cho ông những đứa trẻ, đủ mọi cảnh đời. Vất vả nhất là có 6 cháu bị thần kinh bẩm sinh, 1 cháu khuyết tật. Mặc những xì xào, dị nghị của người đời, ông chỉ nghĩ một lẽ giản dị: “Cũng như những đứa trẻ mình đã mang về nuôi nấng, nếu từ chối thì chúng sẽ đi về đâu? Như thằng cu Thúi chẳng biết sẽ ra sao nếu không được cứu? Nó là con của một người mẹ Jrai, mới lọt lòng đã bị đem bỏ. Trước khi báo tin cho ông, người ta đã đem cho khắp các làng nhưng không ai nhận. Lý do là cháu không có hậu môn, với đồng bào Jrai thì đó là do “Yàng phạt””.

Mái ấm của người cha đặc biệt này đã có 131 người con. Không nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì ông làm nấy: Hái hồ tiêu, cà phê, bón phân, làm cỏ, trông người ốm trong bệnh viện… Dè sẻn từng miếng ăn, chắt chiu từng đồng tiền ủng hộ, để đóng tiền học, tiền đồng phục, sách giáo khoa, kinh phí chữa bệnh cho các con...

Từng có thời gian để có tiền nuôi con, ông Nhật phải lên Pleiku làm thuê trong các BV. Ba đứa lớn ông để ở nhà tự nấu ăn, ba đứa nhỏ ông địu đi cùng. Vài năm sau gom góp mua được chiếc xe máy cà tàng, ông nhờ thợ hàn nối dài phần đuôi chở các con. Có lần chở 6 con lên Pleiku, bị CSGT dừng xe. Nghe trình bày hoàn cảnh, CSGT còn rơm rớm nước mắt, cho đi, cho thêm tiền giúp đỡ.

Được biết, trung bình mỗi bữa các con ông ăn sáng sẽ hết khoảng 100 gói mì tôm; mỗi tháng 800 - 900kg gạo. Ngoài giờ làm việc, ông tranh thủ dạy các con học, dạy các con cách sinh tồn để sau này có thể tự bươn chải sống.

Ông kể, suốt một thời gian dài, một năm các con chỉ ăn no được vài tháng dịp Lễ Phật đản và Lễ Vu lan, khi bà con làm thiện nguyện nhiều. Còn lại các tháng sau đói, nhiều hôm khóc trong đêm. Có lúc đau yếu, mệt mỏi, ông Nhật vẫn phải gắng gượng. Ông lo nhất mấy bé tàn tật, nên đang liên hệ một số nơi để xin gửi mà chưa được.

Ông Nhật nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2022 tại Hà Nội.

Ông Nhật nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2022 tại Hà Nội.

Ông Nhật luôn cho rằng tình thương chính là sự cảm hóa kì diệu nhất với con người. Song cùng với đó, “dạy con từ thuở còn thơ” chính là cách giáo dục tốt nhất. “Nghĩ tới các con sau này chưa đến tuổi trưởng thành nhưng không còn ai nương tựa, tôi lại đau lòng. Cũng vì thế, tôi thường xuyên ngồi tâm sự với các con, đặc biệt với các con đã lớn, về mong muốn cả nhà luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau”, ông nói.

Có người hỏi sao ông không cho bớt các bé cho những gia đình hiếm muộn? Ông nói, thời gian đầu sợ điều tiếng lợi dụng nuôi con, về sau cũng có hai gia đình xin hai cháu. Nhưng xin các cháu được một thời gian thì gia đình đó mâu thuẫn, người chồng đi với “bồ” và đứa trẻ thành nơi trút giận. Họ đã không thương yêu cháu như đã hứa. Thương xót, ông lại đón các con về. Ông nói, thà cháu nghèo khổ mà đùm bọc. Thôi thì “có đói ăn đói, no ăn no”, chứ cho con đi bị đối xử đánh bầm giập tội nghiệp. Đứa trẻ sau khi trở về đêm ngủ vẫn giật mình sợ hãi. Từ đó ông không cho cháu nào đi nữa.

Thế rồi các con lớn dần lên, cùng ông Nhật chăm sóc các em nhỏ hơn. Gần đây một số nhà hảo tâm biết đến, giúp mái ấm có thêm tiền bạc để nuôi các con, chứ trước đó ông hoàn toàn không kêu gọi xin xỏ tài trợ.

Trong đàn con của ông, có cháu giờ đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế; 4 cháu đang học ĐH năm thứ hai; 4 cháu năm nhất, 16 cháu đang học nghề…

“Đối với tôi, nguồn động lực lớn nhất chính là được ngắm nhìn các con ăn ngon, ngủ ngoan, sống khỏe, lớn khôn. Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất trong cuộc đời cũng chính là được nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của các con. Tôi mong các con trưởng thành, có lòng yêu thương, trắc ẩn, biết chia sẻ. Tôi mong muốn xã hội sẽ không còn tình trạng cha mẹ bỏ rơi con, để không còn những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa; mọi đứa trẻ được lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà, cha mẹ”, ông nói.

Ông Đinh Minh Nhật SN 1962, ngụ thôn 1, xã Ia H'lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Xuất phát từ những lần bắt gặp những em bé bị bỏ rơi, ông Nhật đã thành lập Mái ấm Giu Se và nhận nuôi 131 trẻ mồ côi suốt 18 năm qua.

Ông Nhật được vinh danh giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2022 do Trung ương Đoàn tổ chức.

Cách đây hơn 3 năm, phát hiện mình mắc bệnh u não, ông quyết định không đi mổ não, để dành tiền lo cho con. Hiện mỗi tháng ông phải về TP HCM truyền thuốc 1 lần.

Đọc thêm

TP. Hồ Chí Minh: Ban Nội chính Thành ủy làm việc với Cục THADS Thành phố

Quang cảnh buổi làm việc.
(PLVN) - Chiều 17/4 /2024 , tại Cục Thi hành án dân sự (THADS) Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) , Đoàn công tác của Ban Nội chính Thành uỷ do đồng chí Trần Quốc Trung - Phó Trưởng ban Ban Nội chính Thành uỷ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Cục THADS TPHCM về kết quả THADS 6 tháng đầu năm, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Tập huấn nâng cao cho giảng viên nguồn về kỹ năng xử lý, giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên phạm pháp

Tập huấn nâng cao cho giảng viên nguồn về kỹ năng xử lý, giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên phạm pháp
Tiếp nối thành công của Khóa tập huấn cơ bản tổ chức tại Ninh Bình, ngày 13 -17/4/2024, tại Quảng Ninh, Học viện Tư pháp phối hợp với UNICEF triển khai tổ chức khóa tập huấn nâng cao cho giảng viên nguồn về xử lý, giáo dục và phục hồi đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc và Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa chủ trì Hội thảo.
(PLVN) - Chiều 17/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024. Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Lê Vệ Quốc và Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa chủ trì Hội thảo.

Lan toả tình yêu sách đến với đoàn viên, thanh niên

Lan toả tình yêu sách đến với đoàn viên, thanh niên
(PLVN) - Với mong muốn tiếp tục lan toả tình yêu sách trong mỗi công chức, viên chức, người lao động, nhất là các bạn đoàn viên, thanh niên trẻ, sáng ngày 17/4, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2024.

Nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật

Quang cảnh tọa đàm
(PLVN) -Thiết thực hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4/2024), sáng 17/4, Cục Phổ biến giáo dục pháp luật tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật”. Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên chủ trì Tọa đàm.

Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng chỉ số cải cách hành chính Khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ

Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng chỉ số cải cách hành chính Khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ
(PLVN) -Bộ Tư pháp và tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu bảng chỉ số cải cách hành chính, đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức sáng 17/4

Bộ Tư pháp: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Bộ Tư pháp: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến
(PLVN) -Trong năm 2023, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được Lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo thực hiện sát sao. Bộ Tư pháp đã theo dõi, đôn đốc thường xuyên để thực hiện đúng tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ theo Kế hoạch CCHC cũng như các kế hoạch trong 07 lĩnh vực CCHC trọng tâm của Chính phủ.

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự
(PLVN) - Trong 6 tháng đầu 2024 toàn tỉnh Yên Bái đã thi hành xong gần 1.600 việc với hơn 73 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 59,36% về việc, 33,75% về tiền trong số có điều kiện thi hành.

Học viện Tư pháp tổ chức Tọa đàm về nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp luật sư

Đại diện các cấp, ngành liên quan và lãnh đạo Học viện Tư pháp chủ trì tọa đàm.
(PLVN) - Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu bày tỏ mong muốn, từ chia sẻ của các diễn giả tham dự Tọa đàm, mỗi học viên là luật sư tương lai có được cái nhìn đầy đủ và nhiều kiến thức bổ ích hơn về nghề nghiệp. Các học viên cần không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức nghề nghiệp để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội...

Quy định chặt chẽ hơn điều kiện miễn đào tạo nghề Luật sư

Quy định chặt chẽ hơn điều kiện miễn đào tạo nghề Luật sư
(PLVN) -Xây dựng Luật thay thế Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012 của Quốc hội) Bộ Tư pháp cho biết sẽ quy định chặt chẽ hơn về điều kiện miễn đào tạo nghề, miễn giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư