Để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam. Hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc.
Một bức ảnh tại Triển lãm ảnh Gia đình - Tổ ấm yêu thương năm 2021. (Nguồn Trung tâm Triển lãm VHNT) |
Nơi nuôi dưỡng, lan tỏa giá trị văn hóa, nhân văn, tri thức quý báu của dân tộc
Gia đình ông Lư Duy Hiệp, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, Bến Tre là một trong những gia đình hiếu học tiêu biểu của tỉnh Bến Tre đã được Hội Khuyến học huyện Giồng Trôm chọn dự Lễ tuyên dương gia đình hiếu học tiêu biểu tỉnh lần 1 năm 2006; được UBND xã công nhận là Gia đình học tập từ năm 2015 - 2018; được tham dự Đại hội toàn quốc biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2020 do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức…
Niềm tự hào của gia đình ông Lư Duy Hiệp đó là 5 người con đã thành tài từ nếp nhà hiếu học mà ông bà đã dày công chăm lo, bồi dưỡng. Trước đây, gia đình ông sống bằng nghề nông. Đời sống kinh tế khó khăn nhưng vợ chồng họ vẫn chăm lo cho các con học hành, lần lượt năm người con đều vào đại học. Có lúc khó khăn quá, vợ chồng họ phải mượn tiền người thân, vay tiền ngắn hạn để lo cho các con ăn học. Không phụ lòng cha mẹ, các con của ông Hiệp đều thành tài và có gia đình riêng yên ấm. Những người con trai, gái, dâu, rể của ông bà đều là những trí thức từ thạc sĩ đến tiến sĩ, tham gia công tác giảng dạy tại các trường THPT, cao đẳng, đại học ở TP HCM. 11 người cháu nội, ngoại tiếp nối truyền thống học tập của gia đình, đều chăm ngoan, học giỏi. Không những thế, gia đình ông còn luôn tích cực tham gia cuộc vận động Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng nông thôn mới và các phong trào khác ở địa phương…
Từ câu chuyện của gia đình ông Lư Duy Hiệp, có thể thấy rất rõ sợi dây liên kết bền chặt giữa các thành viên trong gia đình và cũng thấy rõ vai trò của gia đình trong việc đóng góp cho xã hội những công dân tốt, có trách nhiệm. Được biết, để khuyến khích sự đóng góp của giá trị gia đình cho xã hội từ những tấm gương thực tế ở địa phương, Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về “Xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, gia đình hạnh phúc, tiến bộ”, đã định hướng 10 giá trị cốt lõi xây dựng con người Bến Tre và đặt mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, là môi trường đầu tiên, quan trọng trong hình thành và giáo dục đạo đức, nhân cách con người, tạo tiền đề để con người phát triển toàn diện. Mối quan hệ tương hỗ giữa con người và gia đình là trọng tâm để tạo động lực tinh thần, là “sức mạnh mềm” to lớn, góp phần phát triển xã hội.
Qua minh chứng câu chuyện ở một gia đình, một địa phương có thể thấy, gia đình Việt Nam còn là nơi lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa, nhân văn, tri thức quý báu của dân tộc, hướng con người đến những giá trị của chân, thiện, mỹ. Đại dịch COVID-19 vừa qua cũng tỏa sáng những giá trị sống, nhân văn của gia đình, giúp ta vơi đi những lo lắng của dịch bệnh, gia đình chính là nơi nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị đạo đức đó.
Bức ảnh "Hạnh phúc giản đơn" tại Triển lãm ảnh Gia đình - Tổ ấm yêu thương nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm 2021. |
Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác gia đình. Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/5/2012. Chiến lược đặt mục tiêu “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội” với 12 chỉ tiêu cho từng giai đoạn và ban hành các đề án, chương trình nhằm cụ thể hóa các giải pháp để thực hiện thành công Chiến lược…
“Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.
(Trích phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)
Gần đây nhất Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Để cụ thể hóa, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”. Chỉ thị 06 nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”…
Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế, cùng với đó là hội nhập văn hóa tạo ra những hiện tượng phức tạp, tiêu cực đối với gia đình Việt, gây ra những biến đổi nhiều mặt về quy mô, cấu trúc, chức năng, thang giá trị, nhiều loại hình gia đình xuất hiện và tồn tại song hành với mô hình gia đình truyền thống.
Trong bài viết “Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới - từ Nghị quyết Đại hội XIII đến hành động” đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TS Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là một vấn đề hết sức hệ trọng đối với sự phát triển chung của đất nước. Gia đình là hạt nhân của xã hội, liên quan đến rất nhiều cơ quan, ban, ngành và mỗi cơ quan, ban, ngành chỉ tham gia quản lý, thực hiện cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu một phần của chức năng của gia đình. Để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, cần có những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về gia đình, thống nhất Ban Chỉ đạo công tác gia đình từ Trung ương đến cơ sở, để phát huy vai trò điều phối liên ngành và thực hiện các nhiệm vụ phối hợp liên ngành, giữa các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ quy định để thực hiện công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”.
Cùng quan điểm, TS. Bùi Hồng Việt - Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương trong bài viết “Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới” đăng tải trên Tạp chí Xây dựng Đảng tháng 12/2022 đã chỉ rõ, để đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình. Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình. Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình. Thứ tư, đẩy mạnh, đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về gia đình.
Tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hồi tháng 11/2022, các đại biểu đều nhất trí quan điểm để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam. Hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc.