Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho rằng internet đã và đang đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của đời sống, từ hoạt động hàng ngày của người dân tới các hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan chính phủ. Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của internet, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, các thiết bị di động thông minh đã thúc đẩy quá trình kết nối, chia sẻ thông tin, tri thức và liên kết hàng tỉ con người trên thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, sau 20 năm phát triển, Việt Nam hiện có khoảng 50 triệu người sử dụng internet, chiếm 54% dân số, cao so với mức trung bình trên thế giới và là một trong số những nước có số người sử dụng internet cao nhất ở khu vực châu Á. Hiện nay, Chính phủ và Bộ TT&TT đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như các nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trên internet, mang lại hiệu quả và lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng cho rằng, bên cạnh những lợi ích to lớn, sự tự do biểu đạt thông tin, phát ngôn thì nhiều nước cũng đang quan tâm về mặt trái, thách thức như an ninh thông tin, các thông tin độc hại, tác động tiêu cực về văn hóa xã hội trên internet. Các nội dung xấu, độc trên internet đang ngày càng tăng, vấn nạn tấn công mạng, mất an toàn thông tin, thư rác, mã độc tống tiền đang nhằm vào nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang gia tăng về số lượng và quy mô.
Trong bối cảnh các nước châu Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng đã và đang có nhiều quy định liên quan đến việc sử dụng internet nhằm hạn chế tác động tiêu cực, bảo vệ quyền riêng tư và ngăn chặn việc sử dụng internet cho các mục đích phá hoại, khủng bố, Thứ trưởng Hải tin tưởng Diễn đàn sẽ là dịp để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, các mô hình áp dụng hiệu quả của các nước nói chung và Thụy Điển nói riêng để xác định xu hướng phát triển trong giai đoạn tới.