Bị phạt hành chính lên tới 1 tỷ đồng
Mới đây, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Bí thư, Chủ tịch UBND TP Hà Tiên (Kiên Giang) cho biết, Phòng Kinh tế đã phối hợp với cơ quan chức năng TP Hà Tiên kiểm tra, lập biên bản tiểu thương xẻ thịt rùa xanh bán ở chợ về hành vi Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Nữ tiểu thương bị buộc ký cam kết không tái phạm và hành vi liên quan sẽ được cơ quan chức năng củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Nhàn, người dân TP Hà Tiên thường mua bán rùa biển có nguồn gốc từ Campuchia. Sau khi phát hiện nữ tiểu thương xẻ thịt rùa biển bán tại chợ, ông Nhàn khẳng định sẽ tăng cường công tác tuần tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh về việc nghiêm cấm mua bán, giết thịt các loại động vật hoang dã thuộc danh mục cấm, quý hiếm... để tránh xảy ra trường hợp tương tự.
Trước đó, ngày 7/2, các tình nguyện viên của nhóm bảo vệ rùa biển tại Việt Nam phát hiện một nữ tiểu thương ở chợ Hà Tiên (Kiên Giang) xẻ thịt rùa biển để bán cùng với các loại cá. Con rùa xanh này có trọng lượng khoảng 30 kg, vây dài hơn 20 cm. Trưởng nhóm tình nguyện viên sau đó đăng hình ảnh rùa xanh bị xẻ thịt lên Facebook để kêu gọi cộng đồng mạng chung tay bảo vệ động vật hoang dã và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc.
Một sự việc tương tự, sáng 10/2, rất nhiều người kéo nhau đến khu vực gần bến sông Tiền thuộc thị xã Tân Châu (An Giang) để được tận mắt chứng kiến con cá hô nặng đến 111 kg, dài khoảng 1,3 m do thương lái mua từ Campuchia đưa về đây. Nhiều người trong số này đã chụp ảnh, quay clip đăng lên mạng xã hội để cho bạn bè cùng xem vì họ cho rằng đây là loại cá quý hiếm.
Ngày 11/2, ông Trần Châu Phương Tuấn, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết cá hô có tên khoa học là Catlocarpio siamensis và thuộc nhóm I trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định 26 của Chính phủ.
Theo đó, những tổ chức, cá nhân khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu hoặc hợp tác quốc tế phải được Tổng cục Thủy sản chấp thuận bằng văn bản và báo cáo Tổng cục Thủy sản về kết quả thực hiện. Đồng thời, hàng năm phải phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thả tối thiểu 0,1% tổng số cá thể được sản xuất vào vùng nước tự nhiên.
Cũng theo ông Tuấn, cho dù cá hô đã được phép gây nuôi phục vụ kinh doanh nhưng việc khai thác ngoài tự nhiên vẫn được xem là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu hoặc vật chứng vụ án bị tịch thu theo quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự được xử lý.
Do đó, trường hợp cá thể còn sống khỏe mạnh phải thả về môi trường tự nhiên, còn nếu bị thương phải được bàn giao cho cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản để nuôi dưỡng, cứu, chữa trước khi thả về môi trường tự nhiên.
Trường hợp tang vật là bộ phận hoặc cá thể đã chết phải được bàn giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hoặc cơ quan nghiên cứu khoa học để làm tiêu bản, trưng bày, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đặc biệt, nếu tang vật được xác nhận bị bệnh, có khả năng gây dịch bệnh nguy hiểm phải tiêu hủy ngay theo quy định hiện hành của pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật hoặc theo tập quán địa phương.
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản An Giang cũng cho rằng những người tham gia vận chuyển, mua bán cá hô đã được đánh bắt ở nước ngoài (Campuchia) như báo chí đã phản ánh vẫn bị xử phạt hành chính với số tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng vì vi phạm quy định về nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính với mức cao nhất lên đến 1 tỷ đồng nếu lô hàng có khối lượng từ 2 tấn trở lên.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Cùng quan điểm, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nêu quan điểm: “Qua thông tin báo chí phản ánh thì xác định rùa xanh (vích) thuộc cấp N (cấp nguy cấp, được bảo vệ ở cấp độ 1) và cá hô thuộc nhóm I trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, hiếm trong Nghị định 26 của Chính phủ. Về rùa xanh, trước đây, có nhiều trường hợp đã bị xử lý hình sự về việc săn bắt, buôn bán”.
Các hành vi khai thác, vận chuyển, xuất nhập khẩu, giết thịt, mua bán liên quan đến loài thủy hải sản nguy cấp, quý, hiếm đều bị xử lý hành chính, thậm chí là hình sự.
Về xử phạt hành chính, đối với rùa xanh thì cần áp dụng Nghị định 26/2019 của Chính phủ chỉ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, trong đó quy định quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm.
Đối với cá hô, theo như phản ánh thì con cá này nặng hơn 100 kg, dài 1,3 m thì cần áp dụng điểm đ, khoản 3 điều 8 Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/05/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản về việc khai thác thủy hải sản thuộc nhóm I của Danh mục loài thủy hải sản nguy cấp, quý, hiếm. Quy định này xử phạt từ 70 – 100 triệu đồng nếu khối lượng thủy sản từ 100kg trở lên. Ngoài ra, còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác tại khoản 6 điều 8 Nghị định này.
Trường hợp cá hô được đưa từ nước ngoài với khối lượng lớn thì có thể bị xử phạt hành chính lên đến 1 tỷ đồng. Do đó cơ quan chức năng cần kiểm tra có hay không việc vận chuyển trái phép loài cá này từ nước ngoài về Việt Nam, khối lượng bao nhiêu?
Về hình sự, cá nhân, tổ chức có hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật nguy cấp, quý, hiếm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức hình phạt tối đa có thể lên đến 15 năm tù.
Với trường hợp cụ thể rùa xanh và cá hô nêu trên thì cơ quan chức năng cần làm rõ về số lượng cá thể, giá trị và đã từng bị xử lý về hành vi này hay chưa để có cơ sở xem xét xử lý hình sự hay áp dụng các biện pháp hành chính.