“Điều mà chúng ta phải có là tình thương”
Theo đó, Đức Phật là một con người ngộ chân lý. Người tìm ra được bản chất của những khổ đau hạnh phúc ở đời, rồi hướng dẫn cho chúng ta thực hành những phương pháp thoát khỏi khổ đau, hướng con người chúng ta đến an lạc tạm thời và tuyệt đối.
Tôn thờ Phật giáo không phải là tôn thờ đấng siêu nhiên quyền uy nào, mà vì tưởng nhớ đến con người vĩ đại ấy đã hy sinh vì mọi người để có được bài học vô giá. Phật pháp chính là những ứng dụng cụ thể trong đời sống để mỗi người tự nhìn ra bản ngã của chính mình, hướng đến một cuộc sống chân thiện mỹ đích thực nơi mỗi người.
Tính vô thần của Phật giáo nhằm phủ nhận sự sáng tạo của thần thánh, chứ không phải là sự hiện hữu của họ. Việc ăn chay, niệm Phật, hành thiện không phải là để tỏ rõ niềm tôn kính với đấng siêu nhiên nào.
Đó là những phương pháp tu tập để mang đến sự bình an trong chính đời sống của mỗi người. Hay nói đúng hơn, người ta lễ bái Phật là để thể hiện lòng tôn kính Phật, vì mình còn nhiều tội lỗi, phiền não, ngã mạn, ganh tỵ, hẹp hòi… nên phải cần hạ mình thừa nhận để từng bước chuyển hoá tốt hơn, chứ không phải tìm kiếm một phép màu giải thoát từ đấng tối cao như những tôn giáo khác.
Và ăn chay trong nhà Phật chính là để trưởng dưỡng từ tâm mỗi người, tôn trọng sự sống của muôn loài, giảm bớt những nghiệp xấu ác của mình, tránh đi sự vay trả nợ máu chúng sinh, hướng về một cuộc sống tự tại, an lành cả thể xác và tâm hồn.
Chuyện kể rằng, một lần tại nước Xá Vệ, đức Phật dạy cho vua Ba Tư Nặc về cách trị dân được ghi lại tóm tắt như sau: “Những hành động thiện hay ác của chúng ta mãi theo chúng ta như bóng theo hình. Điều cần thiết mà chúng ta phải có là tình thương. Hãy xem thần dân như con ruột của mình, đừng áp bức họ, đừng tổn hại họ, trái lại hãy bảo vệ họ như gìn giữ tay chân của mình. Hãy sống với chính pháp và đi mãi trên con đường lành. Đừng nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống. Hãy gần gũi và thương yêu những kẻ nghèo khổ”.
Cùng với đó, việc thừa nhận nữ giới xuất gia trong thời kỳ cổ đại, là cái nhìn tuệ giác của đức Phật mà các nhà hoạt động xã hội ngày sau phải cúi đầu học tập. Và bình đẳng tuyệt đối với quan niệm “mỗi chúng sanh đều có Phật tính và sẽ thành Phật như ngài”.
Từ những ngày Đức Phật rời bỏ cao sang quyền quý để tìm cách lĩnh hội những đau khổ của đời và kiếm tìm phương thức giải thoát, cho đến những giáo lý được hình thành, những hành trình mang pháp đến với chúng sinh, rồi từ đó hình thành tổ chức, tín đồ, quá trình hoạt động, văn hóa biểu đạt… đã cho thấy Phật giáo không chỉ lấy con người làm trọng mà lấy tất cả chúng sinh làm trọng, lấy vạn vật ở cõi đời này làm kim chỉ nam cho mọi hành động thánh thiện của mình.
Bởi vậy, tin tưởng vào đạo Phật chính là tự bản thân mỗi người ngộ ra từ những giáo lý đó, đưa ra được sự quán chiếu sâu sắc nhất về cõi vô thường cũng như về chính cuộc đời của mình, hướng đến một cuộc sống trường lạc tránh xa hận thù và khổ đau… Đó là một phần quan trọng trong kho tàng tuệ giác bạt ngàn của đức Phật hay của giáo pháp…
Lòng tin nào đo đếm được?
Điều dễ nhận thấy, tháng Giêng nào cũng thế, trong số nghìn nghịt người đi cúng sao giải hạn đầu năm mới, người ta tin rằng các vì sao, các lực lượng siêu nhiên đang quản lý vận mệnh tốt xấu, hạnh phúc khổ đau của con người. Người ta tin rằng nếu làm hài lòng các thần linh bằng cách cúng kiếng, thì mình sẽ được yên thân. Bỏ tiền ra cúng là để mua niềm tin, phó thác ước mơ cho thánh thần, là đang đầu tư vào một năm mới bình an và thuận lợi thành công.
Chuyên gia tâm lý Thu Hà cho rằng, nếu chỉ dâng lễ, quỳ, cúng thật nhiều, rồi sẽ hết xui, sẽ may mắn, thì đơn giản quá! Nếu thế, chỉ cần cúng, sẽ giải quyết được nghèo khổ, ô nhiễm, ung thư, tai nạn… “Mình đã gặp những ông chồng ngoại tình và dẫn bồ kính cẩn đi chùa.
Đã gặp nhiều người vừa cúng, vừa lừa người khác, đã thấy nhiều người soạn lễ rất lớn mà vẫn gặp khổ đau. Nhưng các bà lại lý giải là do người đó cúng mà thiếu lòng tin. Lòng tin là cái để trong lòng, không đong đếm được, nên quy kết thiếu thừa cho ai mà chẳng được, thậm chí cho cả chính mình”…
Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM khẳng định, trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày tháng đẹp, xấu trong năm. Thượng tọa Thích Tịnh Giác nói: “Tại sao Phật tử, người dân đến chùa chỉ cầu an mà không sám hối? Đức Phật không phải là người có quyền năng ban thưởng để người dân khấn vái, cầu xin. Mong như thế khác nào “vu khống” khả năng của Đức Phật”?
Mặc dù, các nhà chùa đều hiểu không thể “xin cho” hay “bán mua” ở chùa, nhưng tại sao nhiều chùa vẫn cứ cúng sao giải hạn rầm rộ? Có thể các thầy chiều phật tử, làm “an tâm” phật tử, theo kiểu phật tử muốn. Đành rằng, tháng Giêng này, nhiều người hù dọa về “vận xui” gây sợ hãi, để trục lợi, thúc ép “không cúng không yên”. Nhiều chùa chiền dẫm đạp, xô đẩy, nhét tiền lẻ khắp các tượng, hóa vàng mã, phóng sinh… nhất là phía Bắc.
Thầy Thích Nhật Từ nói: “Theo đạo Phật con người phải đối diện với thực tại với nỗi khổ, niềm đau, với khó khăn thử thách. Xui hay hên, hạnh phúc hay khổ đau đều là những điều diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của con người. Nếu cúng sao có thể giải quyết vấn nạn của nhân sinh thì các tôn giáo và hệ thống nhân quả không có ý nghĩa gì nữa. Những người cúng dâng sao giải hạn là do họ thiếu hiểu biết các quy luật cuộc sống và các quy luật nhân quả.
Cho nên mua sự trấn an tâm lý tạm thời bằng việc cúng sao là không phù hợp. Tốt nhất là không nên sợ hãi những vấn đề này nữa. Số phận thất bại hay thành công, hạnh phúc hay khổ đau đều do lối sống, hành vi sống, nghề nghiệp sống của chúng ta…
Theo tôi, tốt nhất mình sống hãy tôn trọng luật pháp, đạo đức, phát triển lương tâm thì không có sợ gì mà phải đi cầu khẩn các lực lượng thánh thần để trấn an tâm lý. Sống tốt không có sợ và làm việc nghĩa, việc tốt thì tâm mình sẽ an”.
Và đi chùa trong sự rối loạn, sân si và bất an
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, người người chen lấn, xô đẩy khắp thập phương, nhưng mọi người quên rằng, chỉ cần mỗi người có một ngôi chùa trong tim mình. Có thể đó là một ngôi chùa làng hẻo lánh nơi làng quê, góc phố… Đó là những ngôi chùa trong trẻo, thánh thiện thời thơ ấu… Mỗi người đi chùa với chút hương, chút hoa, chút giọt dầu, “lòng thành thắp một nén hương” mà thôi. Ấy là mỗi người luôn giữ được cho mình sự tử tế, lương thiện, lòng trắc ẩn…
Bởi đi tìm an mà phải bon chen thế này, còn gì là an nữa. Và khi người ta đổ đến để cầu an, xin giải hạn ngày một đông, ở khắp các chốn, thì đấy là vì có quá nhiều điều khiến người ta lo sợ. Chính vì thế, họ buộc phải tìm đến những điều gì đó, đến những thế lực siêu nhiên nào đó, hoặc đơn giản hơn, một không gian nào đó đủ để họ cảm thấy có thể nhập tâm mà khẩn cầu, nhằm giúp họ cảm thấy được che chở và lắng nghe trong tâm tưởng.
Khi người ta cảm thấy không đủ niềm tin vào cuộc sống trước mắt, không đủ cả việc tin tưởng vào sự tồn tại của những điều tử tế, đến mức đôi khi phải nghi ngờ lòng tốt của người khác. Không tin vào những thứ được tạo ra lẽ ra phải để bảo vệ họ và con cái họ, thì họ sợ hãi. Vì họ bất lực trong nỗi sợ hãi ấy, trở thành nguồn kiếm bộn tiền cho những kẻ khác núp dưới bóng dáng của những ngôi chùa…
Có những nỗi lo sợ mơ hồ, nhưng cũng có những nỗi lo sợ ngay trước mắt. Có cả những nỗi sợ hãi về việc làm đúng, làm tử tế mà vẫn có thể bị hại. Có những nỗi lo ở trường học và ngoài xã hội khi điều mà bọn trẻ được học có khi không phải là kiến thức, mà là bạo lực, là sự bon chen và ti tiện của người lớn.
Tất cả những điều đó cộng lại tạo ra một nỗi sợ hãi mạnh mẽ đến mức hoặc làm người ta tuyệt vọng, hoặc trở nên vô cảm, và buộc phải tự vệ bằng nhiều cách. Bởi thế, không ngạc nhiên khi một thống kê cho thấy, ở nước mình, người ta “đầu tư” cho đồ cúng cao gấp 8 lần đồ chơi và sách truyện trẻ em. Điều đó đủ để thấy rằng, người ta sống vì người chết nhiều hơn cho chính những người đang sống…
Một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo là nhân - quả vậy mà nhiều người gây tội ác xong lại đi chùa xin được xá tội. “Có tội, lội xuống ao”, có tội, cứ xin xá tội rồi lại phạm tội nữa. Đó là sự báng bổ xét về đức tin. Thần, Phật nào chứng cho chuyện ấy? Cứ lễ to thì thoát tội thì khác gì buôn thần, bán thánh?
Người đi rao giảng, giữ sự giao lưu với thánh thần như một thiên chức đặc biệt cũng không xuất phát từ niềm tin, từ sự thánh thiện mà coi công việc mình đang làm là phương tiện, nghề nghiệp kiếm ăn thì điều ấy còn gì thiêng liêng? Đức tin vốn giữ cho con người nghiêm ngắn nhưng một khi bản thân nó không còn nghiêm ngắn nữa thì sự sa ngã ở ngay trong hành vi gắn với cài gọi là đức tin rồi.
Hẳn là người ta vẫn khó có thể quên được cái cảnh dòng người chen chúc vào sâu trong ban thờ, hậu cung của đền Thiên Trường để cúng bái trong Lễ khai ấn đền Trần. Cửa đền bị người dân chen lấn, xô đẩy dữ dội, nhiều đồ bài trí trong đền nghiêng ngả, cùng với nhiều tiếng la ó, chửi rủa vang lên. Phong cách “đi cửa sau” cũng lọt cả vào đền chùa, “người ta” phải có “thẻ đại biểu” thì mới được dự lễ. Nhiều người vì bức xúc mà trèo rào vào trong điện…
Dường như, con người đã đi chùa không phải với cái tâm an của mình, mà họ đang đi chùa trong sự rối loạn, sân si và bất an. Và như thế, sẽ chẳng có ngôi chùa nào, chẳng có vị thần phật nào che chở được cho họ, khi trong tim họ không có đủ lòng trắc ẩn, sự bao dung, hướng thiện trên hành trình khổ đau và hạnh phúc của kiếp người…