Được biết, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 550 nghìn lao động là người nhập cư, nhu cầu về nhà ở tại Đồng Nai hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, đến nay trên địa bàn Tỉnh chỉ mới xây dựng hoàn thành gần 3.500 căn nhà ở xã hội, trong đó có 1.581 căn nhà ở xã hội dành cho công nhân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức thông tin, để giải quyết bài toán an cư cho người lao động có thu nhập thấp, trong giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Nai dự kiến phấn đấu xây dựng khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội với vốn đầu tư ước tính trên 10.155 tỷ đồng.
Hằng năm, các địa phương: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom thực hiện lựa chọn chủ đầu tư cho 2 - 3 dự án nhà ở; các địa phương: Long Khánh, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán thực hiện các thủ tục chấp thuận đầu tư cho 1 - 2 dự án nhà ở để lựa chọn chủ đầu tư.
Để thông suốt về chính sách đầu tư, giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà chia sẻ, Luật Nhà ở năm 2014 được ban hành có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân lao động như, miễn tiền sử dụng đất; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp; chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, doanh nghiệp vẫn chưa mấy mặn mà.
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị, một số doanh nghiệp cho rằng do trong quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hạn chế từ việc áp dụng quy định pháp luật và thực hiện các thủ tục hành chính khiến họ lo lắng.
Nhiều chủ đầu tư cho rằng, UBND Tỉnh cần hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh nhằm giải quyết các bất cập phát sinh trong quá trình phát triển dự án để nâng cao hiệu quả, giá trị của dự án. Đồng thời, có ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.
Thông tin với cơ quan truyền thông Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh bày tỏ, bên cạnh kêu gọi tinh thần tự nguyện, tự giác và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh, nhất là Tổng công ty Tín Nghĩa và Sonadezi, Tỉnh mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, kinh nghiệm đầu tư các dự án nhà ở có chất lượng tốt, giá cả phù hợp để người nghèo có đủ khả năng mua nhà trả góp trong 15 - 20 năm.