Tỉnh Hòa Bình thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

(PLM) - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong suốt thời gian qua tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả tích cực như số hộ nghèo giảm 3,2%, số hộ cận nghèo giảm 0,62%.
Tỉnh Hòa Bình thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững (GNBV), Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), giai đoạn 2021-2025, gồm 37 thành viên: Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, 06 đồng chí Phó Trưởng ban chỉ đạo là các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và một số lãnh đạo các Sở, ngành gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc.

cLãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn huyện Kim Bôi. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

cLãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn huyện Kim Bôi.
Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thường trực, tổng hợp chung các chương trình. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chương trình NTM. Trưởng Ban Dân tộc chịu trách nhiệm thực hiện chương trình DTTS&MN. Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội có trách nhiệm thực hiện Chương trình GNBV.

Để việc thực hiện các chương trình phát huy hiệu quả, ngay sau khi Ban chỉ đạo được thành lập, đã ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ các thành viên. Công tác kiện toàn, thành lập bộ máy giúp việc gồm: Văn phòng điều phối các chương trình được thành lập và kiện toàn, từng bước tổ chức hoạt động hiệu quả, kịp thời tham mưu trong việc triển khai thực hiện các chương trình …

Trên cơ sở các Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành, UBND tỉnh và các Sở, ngành đã ban hành các quyết định, kế hoạch thực hiện và các văn bản các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về các chương trình theo thẩm quyền.

Trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh Hòa Bình về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện 03 chương trình. UBDN tỉnh Hòa Bình cũng đã chủ động cân đối bố trí vốn ngân sách địa phương thực hiện các chương trình, cụ thể: Chương trình DTTS&MN 143.047 triệu đồng; Chương trình GNBV 29.699 triệu đồng; Chương trình NTM 495.850 triệu đồng.

Những kết quả quan trọng của Chương trình giảm nghèo bền vững

Trong hơn 2 năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Hòa Bình đã được triển khai, thực hiện quyết liệt. Tỉnh Hòa Bình đã tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền ban hành văn bản quản lý điều hành làm cơ sở triển khai, tổ chức thực hiện chương trình đảm bảo quy định. Nhờ đó, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2022 của tỉnh Hòa Bình đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Nguồn vốn thực hiện chương trình GNBV giai đoạn 2021-2023, ngân sách trung ương bố trí là 442.633 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 229.623 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 213.010 triệu đồng. Ngân sách địa phương (cấp tỉnh) đã bố trí là 4.602 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là 4.602 triệu đồng, vốn sự nghiệp chưa bố trí. Huy động khác là 1.264,8 triệu đồng (vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội).

Các địa phương đã thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ và sự tham gia giám sát của cộng đồng, giám sát của người dân trong triển khai thực hiện Chương trình GNBV. Vai trò của Ban Giám sát xã đã được phát huy, thông qua việc giám sát thực hiện từng công trình, dự án cụ thể được thực hiện tại địa phương. Các nguồn vốn bố trí thực hiện Chương trình được ưu tiên và cấp phát đầy đủ, đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch được giao và phát huy được hiệu quả nguồn vốn.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành và địa phương đẩy mạnh huy động từ các nguồn khác cho công tác giảm nghèo. Tỉnh Hòa Bình đã thực hiện tốt việc huy động xã hội hóa nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được thường xuyên quan tâm vận động từ các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp...

Từ những sự ủng hộ trên, tỉnh Hòa Bình đã lồng ghép với nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án khác (Chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn trợ giúp ngoài tỉnh...) góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh Hòa Bình đã tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo thông qua việc thực hiện các cuộc vận động, ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, Chương trình “Tết vì người nghèo”.

Trong các năm 2021-2023, nhân dịp Tết nguyên đán, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho các hộ nghèo ăn Tết với tổng số kinh phí 35.825 triệu đồng. Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình cũng kêu gọi được sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm cho các hộ nghèo ăn Tết thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội khác. Thông qua Quỹ “Vì người nghèo”, giai đoạn 2021-2023, tỉnh Hòa Bình đã vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với số lượng là 875 căn nhà, tương đương 32.400 triệu đồng.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được phê duyệt tại Quyết định số 3158/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 (số liệu đầu kỳ rà soát cuối năm 2021), tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 26,14% trong đó hộ nghèo 34.029 hộ, chiếm tỷ lệ 15,49% so số hộ toàn tỉnh; hộ cận nghèo 23.388 hộ, chiếm tỷ lệ 10,65% so số hộ toàn tỉnh.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 được phê duyệt tại Quyết định số 3347/QĐ-UBND ngày 26/12/2022 của UBND tỉnh, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 22,32%, trong đó số hộ nghèo giảm còn 27.091 hộ, chiếm tỷ lệ 12,29%; hộ cận nghèo 22.114 hộ chiếm tỷ lệ 10,03% so với tổng số hộ dân trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2022 giảm 3,2% đạt 128% kế hoạch tỉnh giao (3,2%/2,5%). Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo Đà Bắc giảm 6,62/6,36 đạt 104,1% kế hoạch của tỉnh giao, tương đương giảm 941 hộ nghèo. Như vậy, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2022 của tỉnh Hòa Bình đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, người dân phát triển sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả cao. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, người dân phát triển sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả cao.
Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị theo chức năng và phân công của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG đã chủ động phối hợp tham mưu kịp thời, có hiệu quả cho UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh và Ban chỉ đạo các giải pháp, biện pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tập trung tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua các Nghị quyết triển khai thực hiện chương trình kịp thời. Theo đó, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức các cuộc họp UBND tỉnh, hội nghị triển khai toàn tỉnh, ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc việc lập kế hoạch, lập hồ sơ dự án các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng huyện nghèo theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, giao kế hoạch vốn và giải ngân.

Hàng năm, HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết phân bổ vốn và UBND tỉnh ban hành các Quyết định giao vốn cho các địa phương đơn vị theo đúng tiến độ và thời gian cụ thể. Nhờ vậy, Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ kể trên.