Hòa Bình nỗ lực cải cách hành chính để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp

(PLM) - Tháng 8/2023, tỉnh Hòa Bình xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về điểm số, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Kết quả này có được từ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), nỗ lực xây dựng hệ thống chính trị minh bạch của tỉnh Hòa Bình
Hòa Bình nỗ lực cải cách hành chính để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp

Một trong bốn khâu đột phá chiến lược

Ngay trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2021-2026) xác định cải cách hành chính là một trong bốn khâu đột phá chiến lược của tỉnh, hướng đến xây dựng hệ thống chính trị minh bạch, năng động, luôn đồng hành với người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, Tỉnh ủy Hoà Bình quán triệt tinh thần CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, là nhiệm vụ xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị.

Nhiệm vụ CCHC trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2021 được thực hiện đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực cải cách, trọng tâm là: “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm số lượng cấp phó của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp theo đúng quy định của Chính phủ; nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tăng cường tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp sang tự đảm bảo chi thường xuyên và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Phấn đấu chỉ số CCHC của tỉnh đạt ở mức trung bình so với các tỉnh, thành phố trong cả nước”.

Để triển khai đảm bảo các mục tiêu đã đề ra, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ CCHC của tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo triển khai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền về cải cách hành chính bằng nhiều hình thức như: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Hòa Bình; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện; Cổng thông tin điện tử của tỉnh; Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị. Tổ chức lồng ghép nội dung cải cách hành chính trong các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các cuộc họp, giao ban của cơ quan, đơn vị; Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về CCHC; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về CCHC; Phát hành tờ rơi, pa nô, áp phích liên quan đến CCHC. Các hình thức tuyên truyền khác phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, như: Thực hiện tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội, Fanpage, zalo, facebook...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã tổ chức 15 cuộc đối thoại của lãnh đạo với người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính, công vụ; kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong năm 2022, đã thực hiện kiểm tra cải cách hành chính tại 8 sở, 5 huyện. Qua kiểm tra kịp thời kiến nghị các cơ quan, đơn vị khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính...

Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược của tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược của tỉnh Hòa Bình.
Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Những con số biết nói

Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở của Hòa Bình luôn xác định nhiệm vụ CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị, địa phương mình, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu CCHC đề ra, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2023, một số lĩnh vực CCHC đã được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện ngay từ đầu năm và đạt được kết quả nổi bật như: Tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2015 - 2021 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015; Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, Nghị định số 143/2020/NĐ-CP của Chính phủ; kết quả Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2022 của tỉnh Hoà Bình tăng 2 bậc so với năm 2021, tăng 30 bậc so với năm 2020; Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công của tỉnh Hòa Bình tháng 9 đạt 68,76 điểm (tính đến hết ngày 14/9/2023), xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; 9 tháng đầu năm (tính đến hết ngày 14/9/2023) đạt 76,43/100 điểm, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố.

Hòa Bình khai trương Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh.

Hòa Bình khai trương Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và tăng cường thực hiện văn hóa công sở; thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng tháng đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã.

Công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần, tích hợp, cung cấp kịp thời trên Cổng Dịch vụ công tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia để các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả; Dịch vụ công trực tuyến được triển khai trong toàn tỉnh từ huyện đến xã, được coi là khâu then chốt trong tiến trình cải cách hành chính của tỉnh; giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí đi lại; tránh được tình trạng cán bộ công chức quan liêu, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ và giúp tăng tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính....

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi nâng cao mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2023-2025 để các đơn vị thực hiện. Tham mưu thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước theo quy định. Triển khai thực hiện chế độ tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý đối với đơn vị hành chính cấp xã.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Do đó, tỉnh Hòa Bình đặt ra nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023: Các cấp, các ngành tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CCHC. Chủ động rà soát, triển khai các nhiệm vụ, công việc đã đề ra trong năm, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ...