4 đột phá chiến lược của tỉnh Hòa Bình
Tháng 10/2020, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVII, khi đánh giá tình hình 5 năm 2015 – 2020 ngoài việc ghi nhận những thành tựu, kết quả đã đạt được, tỉnh Hòa Bình thẳng thắn nhìn nhận: Trong giai đoạn 5 năm (2015-2020), kinh tế của tỉnh Hòa Bình tăng trưởng chưa bền vững, quy mô còn nhỏ; kết quả thực hiện ba đột phá chiến lược còn hạn chế. Công tác quy hoạch nhìn chung chưa đồng bộ. Công nghiệp phát triển chưa mạnh và chưa có nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả còn thấp. Chất lượng giáo dục chuyển biến chậm; du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; công tác khám, chữa bệnh và quản lý dịch vụ y tế còn hạn chế.
Phát triển khoa học công nghệ chưa tạo được sự đột phá, ứng dụng khoa học công nghệ chưa thực sự mạnh mẽ. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, năng suất lao động xã hội còn thấp so với mức trung bình của cả nước; cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn cao. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến chậm.
Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình đặt ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước”. Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Hòa Bình xác định phải tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược. Cụ thể:
Thứ nhất, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch theo quy định của pháp luật. Theo đó, phải Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đối với công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển.
Thứ hai, về thể chế, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư. Hiện, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh còn thấp - đứng thứ 48. Tỉnh đặt mục tiêu mỗi năm phấn đấu cải thiện tối thiểu 3 bậc để lọt top 30.
Thứ ba, về vấn đề hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội như quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng có tính đối ngoại, đường đô thị, đường đến các khu, cụm công nghiệp, qua các vùng động lực kinh tế của tỉnh, đường kết nối với Khu du lịch Quốc gia hồ Hoà Bình.
Thứ tư, về vấn đề phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh Hòa Bình đã có chương trình riêng cho giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với đó là quan tâm đào tạo nghề, đào tạo hướng nghiệp, tập trung vào những ngành nghề Hòa Bình sẽ phát triển, như du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao...
Thực hiện 4 đột phá chiến lược, tỉnh Hòa Bình ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ. Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình |
Kết quả sau 2,5 năm nỗ lực
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo tổ chức quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện 13 văn kiện, tạo sự thống nhất trong nhận thức, trách nhiệm, khẳng định việc thực hiện thành công các văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển nhanh, bền vững kinh tế, xã hội của tỉnh.
Sơ kết, tổng kết 56 văn kiện, với yêu cầu mới, cách làm thiết thực, hiệu quả, chỉ ra những hạn chế, yếu kém rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp thiết thực, để tổ chức thực hiện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; ban hành và thể chế hóa 40 văn kiện của Trung ương và của tỉnh phù hợp với thực tiễn của địa phương, là căn cứ quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.
Sau hơn 2 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, có 17 chỉ tiêu dự báo đến năm 2025 đạt và vượt, có 03 chỉ tiêu dự báo khó đạt (tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách Nhà nước, GRDP bình quân đầu người).
Giai đoạn 2021-2023, bình quân hằng năm tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh ước đạt 5,4%, nếu không tính Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn bình quân hằng năm ước đạt 5,24%; năng suất lao động ước đạt 2,67%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18%; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 17.174,6 tỷ đồng, nếu không tính Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 14.825,7 tỷ đổng.
Đến nay, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Hòa Bình ước đạt 18%. |
Ước đến cuối năm 2023, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 70,16 triệu đồng, tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,45%. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2023 giảm còn 9,79%, bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 giảm 2,69%. Ước đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn khoảng 53%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,6%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5%; số giường bệnh/1 vạn dân đạt 29,04 giường, số bác sỹ/1 vạn dân đạt 9,47 bác sỹ; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95,2%; có thêm 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn tỉnh đến cuối năm 2023 đạt 79 xã, chiếm 61,2% tổng số xã.
Ước đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,7%, tỷ lệ dân số thành thị được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 88%; tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để ước đạt 100%; tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 83,3%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,69%.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã bám sát quan điểm, đường lối, hoàn thành nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và đại hội đảng bộ các cấp; các văn kiện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng; chủ động, linh hoạt, kịp thời đề ra chủ trương, chính sách, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các vấn đề hệ trọng, phát sinh, chưa có tiền lệ, làm cơ sở để các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phối hợp giám sát, phản biện xã hội, góp phần phát huy tinh thần yêu nước, ý chí, khát vọng để thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chăm lo, đầu tư phát triển đạt nhiều kết quả quan trọng; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân được cải thiện; chú trọng chính sách giảm nghèo bền vững, chính sách người có công.