Tiềm năng “vàng” để phát triển du lịch
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hòa Bình, nơi đây là vùng đất cổ được đặt tên cho nền “Văn hóa Hòa Bình” thời kỳ đồ đá mới nổi tiếng thế giới cách đây hàng chục vạn năm. Hòa Bình hiện còn bảo tồn, lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng và gần 10 ngàn chiếc Chiêng quý giá. Hòa Bình cũng là cái nôi của nền văn hóa Việt - Mường, nơi sản sinh và còn lưu giữ được những áng Mo sử thi “Đẻ đất - Đẻ nước” của người Mường.
Các dân tộc ở Hòa Bình mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng thể hiện trong phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống đặc sắc và nhiều lễ hội dân gian của các dân tộc. Nhiều lễ hội truyền thống trong dân gian còn được lưu giữ bảo tồn và phát huy tiêu biểu như: lễ hội Khai hạ Mường Bi, huyện Tân Lạc; lễ hội Đền Bờ, huyện Cao Phong và Đà Bắc; lễ hội Chùa Tiên, huyện Lạc Thủy; lễ hội Xên Mường, huyện Mai Châu… đang thu hút đông đảo du khách khắp nơi trên đất nước Việt Nam và cả thế giới.
Về tài nguyên rừng, Hoà Bình nằm trong khu Vườn Quốc gia Ba Vì, Hà Nội; Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình, Thanh Hoá và có 4 Khu bảo tồn thiên nhiên là Pu Canh (Đà Bắc); Ngọc Sơn - Ngổ Luông (Tân Lạc và Lạc Sơn); Thượng Tiến (Kim Bôi); Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) rất đa dạng về sinh học với nhiều loại gỗ, tre, bương, luồng; cây dược liệu quý như dứa dại, xạ đen, củ bình vôi... một số loài động vật như: Gấu, lợn rừng, khỉ, cày, cáo, rùa núi, nai rừng...
Về hệ thống hạ tầng giao thông, mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh Hoà Bình gồm các tuyến Quốc lộ 6, 15, 21, 12B và đường Hồ Chí Minh chạy qua với tổng chiều dài 301 km. Trong đó đường Hồ Chí Minh dài 68 km; quốc lộ 6 dài 126,6; quốc lộ 15 dài 20 km; quốc lộ 12B dài 58 km; quốc lộ 21 dài 36 km. Hệ thống các tuyến giao thông đường bộ khá thuận lợi gắn kết Hà nội với các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh trong khu vực; 100% xã có đường ô tô; đã có 4 tuyến xe buýt hoạt động trên địa bàn tỉnh kết nối thuận tiện đến các khu, điểm du lịch. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường thuỷ trên hồ Hoà Bình, Sông Đà và các sông rất thuận tiện cho phát triển du lịch.
Du lịch lòng hồ thủy điện đã được xác định là điểm nhấn thu hút khách của du lịch tỉnh Hòa Bình. |
Về hoạt động kinh doanh du lịch, với tiềm năng và lợi thế tỉnh Hòa Bình đã thu hút đầu tư phát triển du lịch, đến tháng 7/2023 toàn tỉnh có 67 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch; trong đó có 3 dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 36.477 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong tỉnh có 448 cơ sở lưu trú được thẩm định, với 9 khách sạn 3 sao; 26 khu nghỉ dưỡng và khách sạn 2 sao, 6 khách sạn 1 sao, 6 căn hộ đạt chuẩn; 401 nhà nghỉ, nhà sàn du lịch cộng đồng; có 9 điểm du lịch địa phương, 1 khu du lịch cấp tỉnh đã công nhận; 7 công ty lữ hành nội địa, chi nhánh văn phòng đại diện hoạt động.
Các tour du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch khám phá thiên nhiên... được các đơn vị lữ hành trong nước và quốc tế đưa khách tư các trung tâm TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đưa khách du lịch đến Hoà Bình và các tỉnh trong khu vực Tây Bắc.
Nỗ lực phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Trong nhiều năm qua, tỉnh Hòa Bình thường xuyên tổ chức một số chương trình xúc tiến quảng bá du lịch trong tỉnh và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Qua đó đã tranh thủ sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật từ các tổ chức, doanh nghiệp cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch. Triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với Hà Nội và TP HCM; Chương trình Liên kết phát triển du lịch với Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc.
Đặc biệt, tháng 3/2022 đã ký Thỏa thuận về Chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 - 2026 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Hòa Bình và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam để xúc tiến quảng bá và hợp tác phát triển du lịch của tỉnh.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức đón được hơn 10 đoàn Famtrip và Presstrip, cùng với các cơ quan truyền thông đến từ các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... để khảo sát, xây dựng sản phẩm, kết nối thành các Chương trình du lịch để thu hút khách đến Hoà Bình.
Thế mạnh sản phẩm du lịch của tỉnh là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, cộng đồng, du lịch thể thao và văn hóa tâm linh. Trong thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo nâng cao chất lượng loại hình du lịch tâm linh trên Khu du lịch Hồ Hòa Bình và các huyện Lạc Thủy, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, Lạc Sơn… Tiếp tục đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Mông mới tại các địa phương có tiềm năng như Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn để thu hút khách du lịch.
Tỉnh Hòa Bình cũng ưu tiên, tập trung hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí chất lượng cao tại Khu du lịch Hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu và các huyện Tân Lạc, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi… Chú trọng thu hút đầu tư, hiện nay các tập đoàn có thương hiệu như Sun Group, Vin group, Apec… đến để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao và phát triển loại hình du lịch thể thao.
Điểm du lịch Mai Châu Hideway Lake Reort là nơi hội tụ cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. |
Đối với thị trường khách quốc tế, tỉnh Hòa Bình chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế như: Sản phẩm du lịch cộng đồng; du lịch làng nghề thủ công truyền thống; du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí... Từng bước xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Hòa Bình gắn với hình ảnh đặc trưng, độc đáo mang bản sắc văn hóa các dân tộc.
Tỉnh đã chú trọng khôi phục và xây dựng các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, sản xuất rượu cần, sản xuất hàng lưu niệm… để phục vụ khách du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp như xây dựng các trang trại trồng các loại cây ăn quả, các trang trại trồng hoa và các loại rau củ quả, nuôi trồng thủy sản, kết nối vùng để xây dựng các chương trình du lịch nông nghiệp nhằm tạo điểm đến cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
Tỉnh đã phục dựng bếp lửa và cảnh sinh hoạt của con người thời kỳ “Văn hóa Hòa Bình”. |
Tỉnh Hòa Bình cũng tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch để đạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch. Hiện tỉnh đã xây dựng được Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh có địa chỉ http:/hoabinh.tourism.vn để quảng bá du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng. Tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các bến, bãi đỗ xe, các điểm dừng nghỉ cho khách du lịch... Xây dựng, nâng cấp các bến cảng thủy nội địa vùng Hồ và các tuyến đường thủy trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với các khu, điểm du lịch của một số tỉnh thành trên cả nước.
Ngoài ra, tỉnh đã tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Hòa Bình tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư, lập dự án phát triển du lịch… Khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện tài nguyên và định hướng phát triển của tỉnh như phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh, thể thao.
Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được quan tâm. Từ năm 2021 đến nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với một số trường Đại học và Cao Đẳng Du lịch tổ chức các bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch; tổ chức cho đoàn công tác cán bộ và các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch trên khu du lịch hồ Hòa Bình đi học tập mô hình quản lý, phát triển du lịch cộng đồng tại một số tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Lào Cai, Sơn La.
Qua 3 năm thực hiện, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nền do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhưng lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch đã có nhưng bước tăng trưởng bình quân khá tốt và ổn định trở lại. Đặc biệt, từ 2022 đến nay, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, Hòa Bình là một trong nhưng địa phương mở cửa đón khách sớm nhất. Theo thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã đón trên 7 triệu khách du lịch. Trong đó, có gần 400.000 lượt khách quốc tế và 6.600.000 khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên gần 7.200 tỷ đồng.
Năm 2023, tỉnh Hòa Bình đón 400.000 lượt khách quốc tế, tăng 190,8% so với cùng kỳ năm trước. |