Từ cơ duyên đến đam mê …
Cho đến bây giờ Luật sư (LS) Trương Thanh Đức vẫn cho rằng đến với ngành luật chỉ là cơ duyên chứ chẳng tính toán gì cả. Nơi làm việc đầu tiên là một doanh nghiệp (DN) thuộc loại “hot” nhất thành phố cũng là một cơ may. Công việc thì “đa hệ” là theo dõi hợp đồng kinh tế, vật giá, thống kê và kiêm cả… bốc xếp hàng hoá. Tuy nhiên, cũng khá nhàn nhã, nên ông cặm cụi nghiên cứu tài liệu, theo học đủ thứ từ ngoại ngữ, tốc ký, đánh máy, kế toán, tin học, quản trị DN,..
Khi đó chưa có mạng intenet, việc tiếp cận thông tài liệu nói chung và văn bản QPPL nói riêng khá khó khăn. Ông đã đặt mua Công báo của Văn phòng Chính phủ và Bản tin tham khảo đặc biệt lưu hành nội bộ của Thông tấn xã Việt Nam (trước khi có quy định chính thức bán cho cá nhân). Đặc biệt, ông có trong tay bộ Công báo từ năm 1945, đầy đủ hơn cả của Thư viện TP Hải Phòng, do cơ may đã mua được của một cơ quan Bộ khi sáp nhập. Việc kỳ công nhất của ông là tự viết tay danh mục văn bản QPPL hiện hành trên giấy 1 mặt, sau đó thể hiện bằng máy chữ, rồi chuyển sang máy vi tính. Tập danh mục giấy này một thời phát huy tác dụng tích cực trong việc giải đáp pháp luật trên Tổng đài 108. Giám đốc Sở Tư pháp đã từng đặt vấn đề in thành sách để phục vụ công tác tra cứu…
Vừa đi làm, ông đã mon men đển Hội luật gia Thành phố để làm quen, học hỏi các luật gia lão thành. Ông say sưa với việc sáng lập và lãnh đạo Chi hội Luật gia trẻ của thành phố Cảng và là người trẻ nhất khi được kết nạp luật gia, LS và Trọng tài viên kinh tế trong những năm 1980 – 1990.
Trong câu chuyện với chúng tôi, LS Trương Thanh Đức nhắc đến tên tuổi các “cây đa, cây đề” mà ông may mắn được học hỏi như các LS Vũ Trọng Khánh (cố Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên), Đinh Thúc Giang, Trần Văn Lâm,…
“Nhảy việc” để định vị thương hiệu
Trong hơn 30 năm hành nghề, LS Trương Thanh Đức đã có rất nhiều lần “nhảy việc”, trải qua nhiều vị trí khác nhau, từ nhân viên, chuyên viên, phó phòng, trưởng phòng, phó ban, trưởng ban đến phó giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên. Lại may mắn là những lần nhày việc đó đều do được mời chào, lôi kéo.
Dấu ấn ở vị LS có dáng dấp thư sinh này sau 6 lượt làm việc ở ngân hàng, với gần 20 năm “thâm canh” chuyên nghề pháp chế, đã giành rất nhiều thời gian, tâm huyết để xây dựng hệ thống quy chế, quy định, quy trình, mẫu biểu nghiệp vụ trọng yếu cho nhiều ngân hàng như VIB, Maritime Bank, Baoviet Bank… Những sản phẩm này đã được sử dụng trong nhiều năm và được “nhân bản” sang một số ngân hàng khác.
Bước ngoặt và cũng là quyết định khó khăn nhất đó là khi ông rời bỏ cương vị Phó Tổng giám đốc Maritime Bank, ngân hàng mà ông đã có duyên nợ 3 lần được mời về làm việc, để mở Công ty luật cho riêng mình. Ở lần “tự nhảy” này, mặc dù thu nhập không bằng sếp ngân hàng, song đây mới chính là giai đoạn định vị “luật sư doanh nghiệp” và được tự do sống và cống hiến cho nghề…
Thấu hiểu và sẻ chia…
Là gương mặt quen thuộc trong các diễn đàn xây dựng pháp luật của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự cuốn hút trong các phát biểu của vị LS gốc Hải Phòng không chỉ bởi sự nhẹ nhàng, dí dỏm và có phần… “đanh đá”, mà chính là sự thấu hiểu DN. Ông bảo, với vai Luật sư, ông được cất lên tiếng nói trăn trở của DN và mổ xẻ pháp luật, mà chẳng phải e dè “nhìn trước, ngó sau”…
Đã có lần được một ngân hàng mời chào với vị trí hấp dẫn, nhưng lại kèm theo điều kiện không được lên diễn đàn, hội thảo phát biểu ý kiến, quan điểm cá nhân. Ông cũng thử “nhịn” được hơn một tháng cho đến khi một người bạn là Phó tổng giám đốc ngân hàng nói: “Ông Đức mà không được nói thì chẳng còn gì là ông Đức nữa…”. Và thế là ông lại trở về với sở trường đam mê xây dựng, phản biện chính sách, pháp luật, tiếp tục nói thay cho cộng đồng DN.
Còn nhớ, trong một lần góp ý sửa đổi Luật DN 2005, sau nhiều phát biểu “đỏ mặt, tía tai” , LS Đức nhẹ nhàng mở đầu bài góp ý rất ngắn gọn nhưng đầy thuyết phục: “Một trong những điều quan trọng nhất khi sửa đổi Luật DN là phải phân định được một cách rõ ràng những hoạt động nào là hợp pháp và khi nào là phạm pháp. Nếu không làm được điều này, thì toàn thể giới doanh nhân vẫn tiếp tục bị rơi vào tình trạng như “cá nằm trên thớt”, như “tù nhân dự bị”, vì không biết thế nào là đúng, sai, chẳng rõ khi nào là quan hệ dân sự, kinh tế và lúc nào là tù tội hình sự…”.
Chính sự thấu hiểu đó nên trong các ý kiến, ông luôn đứng từ góc độ thực tế của DN kết hợp với lý lẽ của LS để đóng góp xây dựng văn bản pháp luật. “Mục tiêu và thế mạnh của ANVI là LS tư vấn cho DN, ngân hàng và các định chế tài chính, nhưng chúng tôi cũng luôn làm tốt vai LS tranh tụng trong các vụ án lớn nhỏ trong nhiều lĩnh vực”- LS Đức chia sẻ. (LS Trương Thanh Đức cũng được biết đến với vai trò LS bảo vệ DN trong các vụ án lớn như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ bầu Kiên…)
Luật sư Đức nói, với vai LS, ông được cất lên tiếng nói trăn trở của DN và “mổ xẻ” pháp luật, mà chẳng phải e dè “nhìn trước, ngó sau”. |
Ông bảo, chỉ riêng về pháp lý thì còn nhiều công ty mạnh, chỉ riêng về kinh tế, ngân hàng thì cũng vậy; nhưng kết hợp tốt nhất được cả hai yếu tố đó, thì ông tự tin rằng, rất ít đối thủ qua mặt được ANVI.
Vì vậy, khi có vướng mắc, nhiều DN, Hiệp hội DN lại tìm tới LS Trương Thanh Đức. Đến nay, ông đã tham gia nhiều hoạt động để bảo vệ các DN nói chung, các hội viên nói riêng của nhiều Hiệp hội DN như Hiệp hội đều Ngân hàng VN (VNBA), Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN; Hiệp hội Bất động sản VN; Hiệp hội Cafe, ca cao VN, Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát VN; Hiệp hội Sắn VN,…
Lẽ thường tình tìm đến LS là mất phí, nhưng với Luật sư Trương Thanh Đức và Công ty Luât ANVI, thấu hiểu và chia sẻ là mục tiêu hàng đầu. Bất cứ ai điện thoại, nhắn tin hay “chát” hỏi về một vấn đề nào đó, ông đều sẵn sàng trả lời. Thậm chí có người chẳng quen biết gì, hễ có việc là nhắn tin hỏi, suốt mấy năm trời ông vẫn vui vẻ trả lời…
Mỗi ngày một luật…
Năm 2019, khi gửi thư cho Facebook để được cấp tích xanh, LS Trương Thanh Đức chỉ ghi mỗi dòng lý do ngắn gọn: Để chia sẻ kiến thức pháp luật thông qua chuyên mục “! Mỗi ngày 1 luật !”. Trên Facebook của ông giờ đây chỉ có mỗi tên “Trương Thanh Đức”, mà không còn cụm từ đính kèm “LS” hay “LS DN”, vì cái tên này dường như đã được định vị thương hiệu “LS DN”. Từ năm 2016 đến nay, ngày nào cũng vậy, kể cả mùng 1 Tết, LS Đức đều có 1 tin bài “Cúng Phây” mà chủ yếu là pháp luật kinh doanh, với “đặc sản” ấn tượng “! Mỗi ngày 1 luật !”.
Với cách viết ngắn gọn, nhẹ nhàng, dí dỏm, tin bài đề cập đến đủ vấn đề pháp lý trong cuộc sống như một hình thức tuyên truyền, phổ cập, đóng góp hoàn thiện pháp luật và đón nhận nhiều like, bình luận chia sẻ… Ngoài ra, trước đây, LS còn có mấy trăm bài chuyên mục “tám luật” hằng tuần mà Báo Nhân Dân cuối tuần ngày 08/01/2016 đã nhận định, đây là “một dạng bản tin ngắn lưu hành nội bộ về pháp luật rất thú vị. Trong đó, mục ‘Bình luận Luật’ vừa giới thiệu, vừa ‘nhặt sạn’ văn bản pháp luật một cách ngắn gọn, dễ hiểu và dí dỏm được đông đảo người theo dõi”.
Với tư cách LS, ông cũng tham gia phổ biến, nghiên cứu, tư vấn, giảng dạy pháp luật và các kỹ năng khác cho DN, từ văn thư, báo cáo, soạn thảo văn bản, hợp đồng cho đến giải quyết tranh chấp,… Sản phẩm có ý nghĩa nhất của ông là 3 cuốn sách dành cho DN: “Kinh doanh sành luật”, “Cẩm nang Pháp luật ngân hàng” và “9 biện pháp bảo đảm nghĩa vụ hợp đồng”, đã được tái bản nhiều lần.
Điều đặc biệt là, khách hàng của LS không chỉ là các DN cụ thể, mà là cả cộng đồng DN. Với hơn 7.000 lượt bài vở xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, LS Trương Thanh Đức là cái tên quen thuộc của báo chí pháp luật kinh tế - ngân hàng – tài chính, luôn lên tiếng kịp thời về các vấn đề và vụ việc vướng mắc pháp lý mà dư luận quan tâm.
Vinh dự được Bộ Tư pháp trao tặng danh hiệu “LS vì cộng đồng” năm 2012 và “Gương sáng Tư pháp” năm 2015, LS Trương Thanh Đức vẫn đang miệt mài nâng cao thương hiệu ANVI để cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng DN.
Pháp luật là sự bó buộc, khuôn khổ, cứng nhắc. Còn kinh doanh là sự tự do, sáng tạo, linh hoạt. LS đóng vai trò là “nhịp cầu” nối giữa pháp luật và kinh doanh: Biến bó buộc thành tự do, đổi khuôn khổ thành sáng tạo, chuyển cứng nhắc thành linh hoạt của thiên biến vạn hoá tự do kinh doanh…”
(LS Trương Thanh Đức - Công ty Luật ANVI)
LS Trương Thanh Đức sinh năm 1964, Cử nhân Luật Đại học Luật Hà Nôi, kỹ sư kinh tế Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Ông hiện là Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên, thành viên Hội đồng Khoa học tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC. Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà Quản trị DN Việt Nam (VACD); Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia; Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Đoàn LS TP Hà Nội…