Câu chuyện cha con mâu thuẫn
Suốt 20 năm hành nghề, Luật sư (LS) Nguyễn Đình Thuận (Đoàn LS TP HCM) trải nghiệm nhiều vụ án với nhiều mảnh đời. Mỗi phiên tòa là một số phận và phía sau là những câu chuyện đầy trắc trở chưa bao giờ được kể. Nghề LS gặp muôn trùng trở ngại, nhưng LS Thuận vẫn tự hào vì có những đồng nghiệp tận tụy với nghề đồng hành, vì có những thẩm phán tốt cùng lắng nghe, thấu hiểu.
“Bao nhiêu câu chuyện “không hay” xuất hiện ở thời đại thực dụng, kim tiền này khiến tôi trăn trở. Tôi muốn mình phải vào cuộc những vụ ấy, trước là để dạy cho con cháu tôi thấy được đạo lý, sau là muốn góp công sức mình cho xã hội. Tôi sợ khi đồng tiền lên ngôi thì bao nhiêu đạo đức xã hội cũng sẽ xuống cấp”, LS Thuận chia sẻ.
Trong tâm trí, LS Thuận vẫn chưa thể thôi ám ảnh về một cụ già gầy còm, đôi tay phải giữ chặt vành móng ngựa vì đứng không vững. Đó là hình ảnh một cụ già (84 tuổi, TP Cần Thơ) bị con “đòi bỏ tù” vì tranh chấp đất, dẫn đến cha con ẩu đả.
“Đọc bài báo nói về vụ việc, tôi không kiềm được. Hiếu thuận ở đâu? Công ơn sinh dưỡng, cha mình có lỗi thì cứ để pháp luật xử lý. Đằng này, ở phiên tòa, người con còn dám thốt lên những lời lẽ đòi tòa phải đưa cha mình vào tù mới hả tâm can. Ngay trong đêm, tôi gọi điện cho nhiều phóng viên quen biết để lấy số điện thoại cụ già. Tôi muốn bào chữa cho cụ và hoàn toàn miễn phí trong phiên tòa”, LS Thuận kể.
Trong đêm, LS Thuận liên lạc được với cụ già và được chấp thuận lời đề nghị bào chữa miễn phí. LS Thuận huy động cả những đồng nghiệp thân thiết. Có tám LS tham gia và mọi chi phí đi lại, ăn ở, LS Thuận tự bỏ tiền túi.
Lần đầu gặp cụ già trong chuyến công tác miền Tây, LS Thuận nghe được câu chuyện: “Cụ ấy già yếu. Hai cha con âm ỉ tranh chấp nhau một mẫu đất từ nhiều năm nên mâu thuẫn ngày càng chồng chất. Thấy con trai kêu người đến xây dựng trên đất đang tranh chấp, cụ can ngăn nhưng bị con trai mắng và xông vào. Tức giận, cụ cầm cây rựa quơ tứ phía và người con trai bị thương. Vết thương không nghiêm trọng, tỉ lệ 8%. Người con trai đưa đơn tố cáo, yêu cầu xử hình sự cụ. Ở tuổi 84, cụ phải đứng trước vành móng ngựa. Người không ruột thịt thấy hình ảnh ấy còn xót xa, huống chi đứa con trai, người được cha mẹ rứt ruột sinh ra, nuôi dưỡng”.
… và kết thúc có hậu
“Cụ già đi không vững, dáng người thuần khiết Nam Bộ, áo bà ba, khăn rằn quấn quanh đầu, tóc bạc, da đồi mồi nhăn nheo. Càng nhìn cụ, nghe cụ kể, chúng tôi càng đau lòng. Luật pháp có sự răn đe nhưng rất khoan hồng. Người cầm cân nảy mực bao dung sẽ mang lại hi vọng để gia đình cụ không phải gánh thêm nỗi đau khác. Tôi tin vào điều đó”, LS Thuận xúc động thuật lại.
Hai lần đi công tác chính thức và hàng chục lần ghé thăm cụ già trong mỗi dịp công tác ngang nhà, LS Thuận càng thấy mình có trách nhiệm hơn với vụ án. Trách nhiệm làm thế nào để người con hiểu được “đòi bỏ tù cha” là trái đạo lý. Làm thế nào để cụ già không phải ở tù. Và làm thế nào để những người quan tâm tới vụ án tự cân nhắc mình khi có những hành động, nhất là với người thân trong gia đình. Xã hội có pháp luật nhưng không phải chuyện gì cũng kéo nhau ra tòa, chuyện gì cũng hành xử không phù hợp truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
“Hôm xử án, cụ già được người con trai khác chở đến toà bằng chiếc xe máy “cà tàng”. Trong khi người con trai và con dâu của ông lái ô tô bạc tỉ đến. Ngồi dưới ghế đá chờ đến giờ xét xử, ông cụ “gần đất xa trời” nói đêm qua không ngủ được. Đến giờ xét xử, cụ chân run run, tay vịn vào con trai, dò dẫm bước từng bậc cầu thang để vào phòng xét xử. Tại phiên toà, cụ cho biết, do bị con khống chế và tấn công nên mới dùng dao tự vệ”.
“Phiên tòa hôm ấy đông kín người. Nhiều hàng xóm kéo nhau đến động viên cụ già. Hội đồng xét xử đã đưa ra nhiều lập luận, phân tích hợp tình, hợp lý. Các LS cũng trao đổi nhiều đến bổn phận, đạo làm người, mối quan hệ ruột thịt, không ai ủng hộ chuyện “con đòi bỏ tù cha”… để các bên có thể thấu hiểu, giữ gìn. Thật không ngờ là những gì diễn ra tại phiên tòa đã được hồi đáp. Sau một thời gian nghe chúng tôi phân tích, người con đã nhận ra vấn đề”, LS Thuận kể.
Vẫn lời LS Thuận: “Tuy nhiên, do diễn biến quá nhanh, người con vẫn chưa thể dứt bỏ hẳn cơn bực dọc nên vẫn yêu cầu cha xin lỗi trước khi anh này rút đơn. Thấy sự việc đã gần như đã kết quả, chỉ cần dấn thêm một vào bước cuối là chúng tôi có thể hàn gắn được rạn nứt của gia đình nên các LS đã thay mặt cụ, xin lỗi người con trai. Kết quả, bằng sự dày công, kiên nhẫn của những người quyết gìn giữ đạo lý, các LS, Hội đồng xét xử đã hóa giải được mâu thuẫn trầm trọng giữa cha và con. Mọi người thật sự vỡ òa khi người con trai cụ già đồng ý rút đơn để kết thúc vụ án”, LS Thuận kể.
Vụ án đã dừng lại. Công sức của các LS được đền đáp khi cụ già không phải ngồi tù. Các LS hi vọng, quảng thời gian còn lại ở phía trước, gia đình cụ già thực sự chấm dứt những tháng ngày không vui, mối quan hệ gia đình được hàn gắn thật sự bằng tấm lòng. Cụ ốm yếu, bệnh tật, một ngày nào đó trái gió trở trời, người con trai ấy luôn túc trực, về chăm sóc với cha già. Như vậy mới là trọn vẹn!