Hai lần “gặp nạn” sau khi mua bảo hiểm PTI
Như PLVN đã có bài phản ánh, ngày 9/5/2019, giữa ông Đỗ Đăng Tĩnh (ngụ Bạch Trữ, Tiến Thắng, Mê Linh, Hà Nội) và Công ty Bảo hiểm Bưu điện Thăng Long ký hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) xe cơ giới. Cùng ngày, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) phát hành giấy chứng nhận bảo hiểm tự nguyện xe ô tô số TN 190126270.
Thông tin về xe, tức đối tượng bảo hiểm, được ghi trên hợp đồng và giấy chứng nhận như sau: Xe ô tô, nhãn hiệu Audi Q7. Giá trị xe 1,6 tỷ đồng. Giá trị xe tham gia bảo hiểm là 1,1 tỷ đồng. Phí bảo hiểm là 19,8 triệu. Hợp đồng có hiệu lực từ 10/5/2019 đến 10/5/2023.
Không may, khoảng 23h30 ngày 21/8/2019, chiếc xe trên bị tai nạn tại địa bàn huyện Mê Linh. Sau đó, Văn phòng đại diện Giám định bồi thường PTI tại Hà Nội giám định thiệt hại, tham khảo chi phí sửa chữa xe, đã xác định thiệt hại với số tiền hơn 1,115 tỷ đồng.
Điều bất ngờ mãi hơn 4 tháng sau ngày xảy ra tai nạn, tới tận ngày 23/12/2019, trong văn bản gửi khách hàng, PTI xác định “giá trị thực của xe ngay trước khi xảy ra tai nạn chỉ có 700 triệu đồng”, tương đương tổn thất 160%. PTI cho rằng “căn cứ vào quy tắc bồi thường, sẽ thực hiện thu hồi toàn bộ xác xe” và “bồi thường 700 triệu”.
Nói một cách dễ hiểu thì chỉ trong hơn 3 tháng, chiếc AUDI Q7 đời 2010 từ 1,6 tỷ; được bảo hiểm với mức giá 1,1 tỷ; đã bị “đại hạ giá” xuống còn 700 triệu.
Ông Đỗ Viết Tâm, đại diện chủ xe, bức xúc: “Thực tế, chúng tôi mua xe với giá gần 1,9 tỷ. Con số 1,6 tỷ là do đơn vị định giá độc lập của ngân hàng đưa ra. Khi bán báo hiểm, PTI cũng thống nhất giá trị xe là 1,6 tỷ, nhưng hai bên thống nhất đóng mức phí với giá trị bảo hiểm 1,1 tỷ. Định giá càng cao thì số tiền chủ xe phải đóng cũng tương ứng càng cao. Nhưng khi phải bồi thường, họ lại “dìm” giá xuống còn 700 triệu. Đó là điều không ai chấp nhận được. Hai bên đã thống nhất bảo hiểm mức giá 1,1 tỷ, sao họ dễ dàng “lật kèo” như vậy được? Và mới 3 tháng, không có xe nào hao mòn mất giá kinh hoàng như vậy? Từ khi ký bảo hiểm, tôi cũng chưa một lần yêu cầu bảo hiểm, sơn thân vỏ, hỏng hóc, đâm húc… PTI chưa phải chi trả một đồng nào”.
Cố tình bỏ quên việc các bên đã đồng thuận xác định trị giá chiếc xe là 1,6 tỷ; và bảo hiểm với giá 1,1 tỷ như hợp đồng bảo hiểm đã ký; khi khách gặp nạn, PTI bị Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) cho là “lật kèo”, cố tình rũ bỏ trách nhiệm, rũ rối sự việc khi đưa ra “căn cứ mới”. “Căn cứ” đó, là qua “một số trang mạng buôn bán xe” và “thư chào bán xe” của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Quốc An (giá 900 triệu) và “chào giá bán xe” của Công ty TNHH Thương mại Lan Anh Nguyễn (giá 700 triệu).
Đại diện chủ xe: “Vụ việc của tôi cho thấy vẫn còn tình trạng “mua bảo hiểm thì dễ nhưng đòi được của bảo hiểm thì khó trần ai” |
“Phải bám sát con số 1,1 tỷ là giá trị tham gia bảo hiểm”
Trước khiếu nại này của khách, PTI giải thích ra sao? Sau khi sự việc được khách hàng tố cáo đến nhiều nơi, trao đổi với PV, ông Vũ Đức Thư, Phó trưởng Văn phòng Đại diện GĐBT PTI tại Hà Nội, cho rằng: “Cái giá trị 700 triệu là giá trị mà PTI đưa ra và có mời khách hàng lên làm việc để trao đổi, tìm tiếng nói chung. Khi các bên không tìm được tiếng nói chung thì PTI cũng đề nghị và ngay cả trong công văn, PTI cũng đã đề nghị thuê một đơn vị độc lập định giá để lấy cơ sở. PTI không khẳng định là chúng tôi chỉ trả 700 triệu. Mà nếu như quý khách hàng không đồng ý thì hai bên cùng thuê một cơ quan định giá độc lập và lấy kết quả của cơ quan đó làm cơ sở để xác định bồi thường”.
Giải thích sự việc trên, LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM) cho hay căn cứ HĐBH xe cơ giới giữa ông Tĩnh và PTI, thì đây là loại HĐBH tài sản dưới giá trị (xe định giá 1,6 tỷ nhưng chỉ số tiền bảo hiểm chỉ 1,1 tỷ), được quy định tại Điều 43 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
LS Nghĩa cho biết vì chi phí sửa chữa lớn hơn giá trị bảo hiểm nên chiếu theo mục 2.1 khoản 2 Điều 17 Quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe cơ giới, ban hành kèm theo Quyết định số 370/2018/QĐ-PTI ngày 26/12/2018 do PTI ban hành, thì xe của ông Tĩnh sẽ được bồi thường tổn thất toàn bộ”.
“Căn cứ mục 2.3 khoản 2 Điều 17 Quy tắc 370 thì “Số tiền bồi thường tổn thất toàn bộ bằng giá trị thị trường của xe tại thời điểm xảy ra tổn thất cùng chủng loại và cùng thông số kỹ thuật và không vượt quá số tiền ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm/hợp đồng bảo hiểm. Nghĩa là phải xác định giá trị xe tại thời điểm xe bị tai nạn. Nếu theo HĐBH thì giá trị xe khi mua bảo hiểm là 1,6 tỷ. Chỉ sau ba tháng, PTI xác định giá trị xe chỉ còn 700 triệu là rất vô lý”.
Vẫn lời LS Nghĩa: “Tại thời điểm ký kết bảo hiểm, PTI đã chấp nhận giá trị xe là 1,6 tỷ; giá trị bảo hiểm 1,1 tỷ. Trong vòng 3 tháng, giá trị xe thay đổi rất nhỏ hoặc thậm chí không thay đổi. Cho nên PTI phải chấp nhận chi trả đúng 1,1 tỷ theo hợp đồng bảo hiểm để tránh các vấn đề pháp lý về sau. Tôi đã thực hiện rất nhiều vụ việc bảo hiểm tương tự và thường thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả đúng số tiền, trả thêm lãi, mất thêm tiền án phí”.
Theo LS Nghĩa, một số đơn vị bảo hiểm thường dựa vào tâm lý không muốn kéo dài, dây dưa nên đưa ra giá thấp và tìm đủ mọi cách để khách hàng chán nản mà chấp nhận số tiền bảo hiểm thấp hơn.
LS Hiệp thì nêu quan điểm: “PTI phải chi trả bảo hiểm theo nguyên tắc bám sát con số 1,1 tỷ là giá trị tham gia bảo hiểm. Nếu không muốn trả tiền, PTI phải sửa chữa khôi phục nguyên trạng chiếc xe; hoặc mua một chiếc xe tương tự đền cho khách”.
Vẫn lời LS Hiệp: “Còn nếu PTI bây giờ cho rằng tại thời điểm bán bảo hiểm đã định giá sai khiến chiếc xe giá cao hơn giá trị thực, thì PTI cần công khai xin lỗi khách hàng, thừa nhận chuyên môn, nghiệp vụ của PTI kém cỏi và có biện pháp khắc phục hậu quả”.
Cơ quan nhà nước nói gì về sự việc, PLVN sẽ tiếp tục thông tin.
Đại diện chủ xe: “Trên Giấy chứng nhận bảo hiểm tự nguyện xe ô tô của PTI ghi slogan: “Người bạn đích thực”. Nhưng hành xử trong trường hợp này như vậy, đã hành xử đúng luật, đúng tiêu chí đạo đức kinh doanh PTI đề ra là “người bạn” hay chưa? Tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn. Khách hàng cũng chỉ mong muốn được nhận đúng quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm, chứ đâu có đòi hỏi quá đáng nào khác?”.