Tội của họ là dùng súng bắn tỉa bắn chết ít nhất 10 người, hoàn toàn vô cớ và gặp ai sát hại người ấy. Bây giờ, vụ án này được đưa ra xem xét lại vì có ý kiến cho rằng bản án đối với kẻ bị tuyên tù chung thân hai lần kia quá nặng và quá mức.
Kẻ bị tuyên án tử hình thì đã bị thi hành án rồi nên việc xem xét lại bản án này không được đề cập đến nữa. Việc lật lại vụ án xưa gợi nhớ đến những ngày tháng kinh hoàng ở thủ đô Washington của nước Mỹ. Khi ấy, ở một vùng không hề nhỏ gì của thủ đô của nước Mỹ, người dân sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ.
Nếu không có việc gì thật sự không làm không thể được thì họ không dám bước ra khỏi nhà. Ở bất cứ đâu, bất cứ người dân nào cũng đều có thể trở thành mục tiêu bắn tỉa của kẻ nào đó. Không có nơi nào được coi là an toàn.
Trên đường phố hay trong sân nhà của chính mình, trong siêu thị hay ở công viên... Cũng chính bởi nỗi kinh hoàng ấy mà việc xem xét lại vụ án này gây tranh luận sôi động ở nước Mỹ và giằng co giữa hai quan điểm là công lý tuyệt đối và nghiêm khắc thích đáng.
Chuyện xảy ra ở Washington vào tháng 10/2002. Khi hai thủ phạm bị bắt thì mọi người mới biết là thủ phạm không chỉ có một. Hai thủ phạm cùng phạm tội như nhau với động cơ mục đích như nhau, cùng hành động như nhau nhưng mỗi kẻ nhận về một mức án bởi tuổi khác nhau. Kẻ lớn tuổi bị tuyên án tử và rồi bản án đã được thi hành.
Kẻ thứ hai vì chưa đủ tuổi thành niên nên thoát án tử hình. Kẻ này bị tuyên phạt hai lần tù chung thân và không được giảm án, có nghĩa là không bao giờ được ân xá cũng như không có cơ hội được chuyển từ án tù chung thân xuống còn án tù một thời gian nhất định.
Luật pháp ở Mỹ năm 2002 là như thế. Vì thế hồi ấy ở nước Mỹ không có ai đặt ra câu hỏi là tuy tù chung thân là thích đáng như có quá mức không khi loại trừ ngay từ đầu mọi cơ hội và khả năng đối với một tù nhân ở độ tuổi vị thành niên làm lại cuộc đời.
Năm 2012, luật pháp nước Mỹ có sửa đổi và câu hỏi kia được trả lời theo hướng mở ra cơ hội và khả năng. Năm 2016, tòa án tối cao Mỹ ra quyết định áp dụng những sửa đổi luật pháp ấy cho cả những bản án đã được tuyên trước đó, như vụ án về hai kẻ sát nhân bắn tỉa kia.
Như vậy là luật pháp mở ra cho kẻ tội phạm thứ hai cơ hội làm lại cuộc đời vào thời điểm nào đấy trong tương lai. Quyết định cuối cùng thuộc về tòa án. Các cấp tòa thấp cho tới nay đều bác bỏ việc xem xét lại bản án đối với tội phạm này và đẩy vụ việc lên tòa án tối cao.
Chuyện lật lại án xưa tế nhị và phức tạp ở chỗ luật pháp thì như thế trong khi dư luận lại không muốn như thế và không đồng tình. Ở đây rõ ràng có sự khác biệt trong quan niệm của luật pháp và dư luận về tính nhân đạo của phán xử và tính nghiêm minh của pháp luật. Cái khó là xác định nhân đạo hay nghiêm minh như thế nào thì mới đúng mức và đúng chỗ để cả hai đều có tác dụng mà không bị phản tác dụng.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu