Nhọc nhằn con đường đến với thể thao
Huỳnh Như được biết đến là nữ cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam chơi ở vị trí tiền đạo. Cô hiện đang thi đấu cho câu lạc bộ bóng đá nữ thành phố Hồ Chí Minh và giữ chức Đội trưởng Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia. Ngay từ nhỏ, Huỳnh Như đã sớm thể hiện năng khiếu cũng như niềm đam mê của mình với bộ môn bóng đá. Huỳnh Như đã đạt giải thưởng “Quả bóng Vàng” nữ Việt Nam trong 4 năm, trong đó có 3 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021. Với vị trí đội trưởng, Huỳnh Như đã cùng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự Vòng chung kết ASIAN CUP 2022 và gần đây nhất là thành tích lần đầu tiên giành vé tham dự FIFA World Cup 2023 tại Australia.
Chia sẻ về con đường đến với thể thao của mình, cầu thủ Huỳnh Như cho biết, ngày nhỏ, khi bắt đầu đến với bóng đá, cô chơi hoàn toàn vô thức, vì đam mê, cũng không hề biết Việt Nam có đội tuyển bóng đá nữ. Chiều nào cô cũng đi đá bóng. Cha mẹ thấy con gái yêu thích bóng đá thì ủng hộ, dù hồi đó, trong đội bóng của xóm, chỉ duy nhất Huỳnh Như là con gái.
“Khi lớn lên một chút, tầm 8-9 tuổi, tôi cùng đội bóng đi đá với xóm khác, được các bạn nam tin tưởng trao cho băng đội trưởng. Trận đó đội tôi chiến thắng, tôi là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất. Phần thưởng cho “Vua phá lưới” lúc đó là 20 nghìn đồng. Với tôi lúc đó, đây không chỉ là một số tiền lớn mà còn vô cùng ý nghĩa” - Đội trưởng Đội tuyển bóng đá nữ chia sẻ.
Khi Huỳnh Như học phổ thông, tỉnh Trà Vinh thành lập đội bóng đá nữ, cô được gọi đến thử việc rồi gia nhập đội. Nhưng được mấy tháng thì đội bóng phải giải thể, vì tỉnh nghèo không đủ tiền duy trì. Người thầy của Huỳnh Như đã ngỏ lời với gia đình cho cô lên TP.HCM đi theo bóng đá chuyên nghiệp. “Năm đó tôi học lớp 12, thời điểm rất quan trọng trong đời, nhưng khi nghe tin được lên Sài Gòn theo bóng đá thì tôi chấp nhận hết, không hề suy nghĩ, quyết định rất dứt khoát” - cô cho biết.
Đam mê bóng đá tự nhiên như máu thịt là vậy, nhưng đã có lúc Huỳnh Như muốn dừng lại. Lên TP.HCM, môi trường bóng đá chuyên nghiệp cạnh tranh rất khắc nghiệt, một cô gái trẻ mới rời xa quê hương, gia đình như Huỳnh Như không khỏi áp lực. Thời gian đầu, Huỳnh Như tham gia thi đấu ở những giải trẻ và thành tích của đội không được tốt, gặp nhiều thất bại. “Tôi gọi điện về nhà nói, hay con nghỉ đá bóng, về phụ gia đình làm ruộng. Nhưng cha mẹ tôi đã động viên tôi vượt qua. Cha tôi đã mang chiếc xe đạp từ dưới Trà Vinh lên Sài Gòn, đạp từ bến xe miền Tây đến CLB, đưa cho tôi chiếc xe đó để tôi đi đá bóng, đi học. Hình ảnh đó in trong tôi, khiến tôi nhớ mãi, không bao giờ muốn từ bỏ”, Huỳnh Như nhớ lại.
Câu chuyện của nữ cầu thủ Huỳnh Như cũng là câu chuyện của nhiều nữ vận động viên khác khi hầu hết con đường đến với thể thao chuyên nghiệp, đỉnh cao của họ đều nhọc nhằn, chông gai. Cũng cần biết rằng vượt qua những khó khăn đó, những nữ vận động viên vẫn mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam. Tính đến nay hầu hết những thành tích cao nhất của thể thao Việt Nam là do các nữ vận động viên mang về. Có thể kể đến Trần Hiếu Ngân là vận động viên giành huy chương đầu tiên (Huy chương Bạc) cho thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic Sydney 2000. Mới nhất, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia giành vé dự World Cup 2023, xác lập cột mốc mới vẻ vang cho thể thao nước nhà...
Thu hẹp khoảng cách giới trong thể thao
Tuy nhiên, có một thực tế là vẫn tồn tại khoảng cách rất lớn giữa nam và nữ trong thể thao, từ thu nhập đến sự quan tâm của dư luận, truyền thông… Sự chênh lệch này không phải đến từ chính sách, khi ở thể thao Việt Nam, vận động viên nam và nữ đều hưởng lương, chế độ giống nhau.
Nhưng có thể thấy thể thao nam, đặc biệt là trong bóng đá, vẫn được khán giả yêu thích hơn. Điều đó ảnh hưởng ít nhiều đến các nguồn lực xã hội hóa, họ sẽ đổ tiền vào những nơi khán giả quan tâm hơn, truyền thông tốt hơn, dẫn đến một thực tế, trong khi các cầu thủ nam có thể thu nhập tới hàng chục tỉ đồng mỗi năm thì các cầu thủ nữ, như Huỳnh Như tiết lộ, rất nhiều người phải bán hàng online hay đi dạy thêm để trang trải cuộc sống.
Vấn đề này đã được đề cập tới rất nhiều trong tọa đàm “Vị trí của phụ nữ trong thể thao” do Viện Pháp - L’Espace phối hợp với Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tổ chức mới đây.
Bà Lê Thị Hoàng Yến là nữ Phó Tổng cục trưởng đầu tiên trong lịch sử của ngành Thể dục thể thao Việt Nam. Trước khi được bổ nhiệm năm 2016, bà là Tổng biên tập Tạp chí Thể thao. Bà phụ trách công tác thông tin, truyền thông và đối ngoại của Tổng cục Thể dục thể thao. Bà cũng là Trưởng ban Phụ nữ thể thao - Ủy ban Olympic Việt Nam. Trong hoạt động của mình, bà tham gia các hoạt động thể thao phong trào sôi nổi, là trưởng nhóm và thành viên nhiều câu lạc bộ như: CLB nữ như Xe đạp Bike plus, CLB Quần vợt Lavender, CLB Yoga, CLB chạy đường dài...
“Thể thao dạy cho phụ nữ và trẻ em gái các giá trị của tinh thần đồng đội, tính tự lực. Các nữ vận động viên chuyên nghiệp góp phần thay đổi định kiến giới và cải thiện thái độ tích cực đối với hình ảnh của người phụ nữ mạnh mẽ, quyết liệt, cống hiến và có khả năng làm chủ mọi lĩnh vực. Thể thao Việt Nam đã đi tắt, đón đầu, lấy nữ làm chủ công và có nhiều tấm huy chương đầu tiên của một số môn thể thao là của các nữ vận động viên. Những môn thể thao có đông phụ nữ tham gia đã tạo ra hình ảnh đẹp và là tấm gương lan tỏa trong cộng đồng…” - bà Lê Thị Hoàng Yến cho biết.
Về bình đẳng giới trong thể thao Việt Nam có thể thấy không riêng gì Việt Nam, tại nhiều quốc gia vẫn còn những khoảng cách bình đẳng giữa nam và nữ giới trong thể thao, chẳng hạn như sự quan tâm của dư luận, truyền thông dành cho các môn thể thao nam và nữ tham gia...
“Chúng tôi đang tìm cách để thu hẹp khoảng cách này bằng chính sách thúc đẩy xã hội hóa thể thao, truyền thông tốt, ủng hộ hơn với nữ giới, mang lại sự công bằng về chính sách tốt cho thể thao nữ; giúp các nữ vận động viên đảm bảo cuộc sống, yên tâm cống hiến cho thể thao nước nhà” - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ.
Từ góc độ cơ quan bình đẳng giới của Liên Hợp quốc, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam cho rằng, cần có chính sách để giúp nữ giới có thể sống được bằng thể thao, tự chủ về tài chính, cùng cộng đồng xã hội chống xâm hại, định kiến giới, đồng thời trao quyền nhiều hơn cho nữ giới trong thể thao... Mặt khác, theo bà bà Elisa Fernandez, đã đến lúc truyền thông cần dành một thời lượng thích đáng cho thể thao nữ, để thể thao nữ đến gần hơn với công chúng. Đó là điều quan trọng góp phần khẳng định vai trò, vị thế của nữ giới đối với sự phát triển của thể thao.
Phụ nữ với thể thao -không chỉ là những tấm huy chương
Nhà văn Trang Hạ người Việt Nam đầu tiên hoàn thành giải Boston Marathon danh giá 2018, tham dự các cuộc đua đường trường và thi đấu 5 môn phối hợp Taiwan Discovery kể, cách đây 6 năm, khi chị chạy bộ với 200 buổi tập mỗi năm, thì rất nhiều lần bị công kích bằng lời nói, thậm chí bị quấy rối tình dục bằng tay. “Năm 2016, tôi làm một tấm bản đồ an toàn ở Hà Nội, về những địa điểm phụ nữ có thể chơi thể thao mà không bị xúc phạm hoặc không bị từ chối. Còn bây giờ thì đã ngược lại, hoàn toàn tấm bản đồ đã biến mất. Nghĩa là xã hội chúng ta đang văn minh lên, có cái nhìn khác về phụ nữ luyện tập thể thao”, chị nói.
Theo bà Lê Thị Hoàng Yến nhận định, điều rất đáng mừng là hiện nay quan niệm về thể thao đã có nhiều thay đổi. Các gia đình quan tâm đến cả việc rèn luyện thể chất cho con cái chứ không chỉ tập trung học văn hóa như trước đây: “Tôi mong muốn lan tỏa tình yêu thể thao và năng lượng sống tích cực cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Số huy chương chúng ta đạt được trong thể thao thành tích cao là rất quan trọng nhưng không phải quyết định, điều quan trọng hơn cả là sức khỏe của người dân”.
Bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện UN Women Việt Nam đưa ra khuyến nghị, các nhà quản lý thể thao Việt Nam cần thiết lập các cơ chế để khuyến khích tất cả trẻ em gái và phụ nữ luyện tập thể dục và chơi các môn thể thao. Thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc/học tập, cuộc sống gia đình và thể thao. Đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng vào cơ sở vật chất bao gồm địa điểm, trang thiết bị, quần áo tập luyện và thi đấu. Theo dõi và đánh giá các tiến bộ và các rào cản đối với bình đẳng giới trong lĩnh vực thể thao.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu