Lại hoãn xử vụ cựu Bí thư Thị ủy Bến Cát: Tình tiết bất ngờ đến từ… Cục điều tra liên bang Mỹ

Ông Khanh trong phiên tòa sáng qua (18/11)
Ông Khanh trong phiên tòa sáng qua (18/11)
(PLVN) - Sáng qua (18/11), theo lịch xét xử, TAND tỉnh Bình Dương mở lại phiên xét xử sơ thẩm với ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, nguyên Bí thư TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Ông Khanh bị cáo buộc giúp sức cho ông Nguyễn Huy Hùng (SN 1968, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, thuộc cấp ông Hùng) “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Tuy nhiên, phiên tòa tiếp tục hoãn lần thứ hai vì lý do bất ngờ.

Đại diện Ngân hàng BIDV vắng mặt

Như PLVN đã phản ánh, ông Khanh bị cáo buộc có tội vì… mua tài sản giải chấp tài sản là 18,1ha đất mà cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1945, chết năm 2016, Giám đốc Công ty An Tây và Công ty TNHH SXCB Gỗ Mỹ Hiệp tại ấp Lồ Ô, xã An Tây) bán. Việc mua bán từ năm 2012 đến năm 2015, được sự đồng ý của BIDV Tây Sài Gòn.

Sáng 18/11, từ sáng sớm, người thân các bị cáo và người dân quan tâm đến vụ án có mặt rất đông. Phóng viên nhiều cơ quan báo đài cũng có mặt. 

Khoảng hơn 8h sáng, ông Khanh được dẫn giải đến tòa. So với phiên tòa trước, thần thái ông Khanh khá tươi tỉnh, dáng đi lại bình thường, tóc bạc nhiều. Trên tay ông Khanh có tài liệu liên quan đến vụ án để nghiên cứu. Ông gật đầu, cười tươi khi có người quen hỏi thăm. Một số luật sư (LS) tiếp cận với bị cáo mà mình bào chữa để trao đổi thêm thông tin.

Do rất đông người đến dự khán, lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp và bảo vệ phiên tòa phân chia khu vực, đường đi. Cửa bên hông bị hạn chế đi lại. Người dự khán vào phòng xử án bằng cửa phía sau.

Khoảng 9h30, Hội đồng xét xử (HĐXX) kiểm tra sự có mặt, vắng mặt của các luật sư, người liên quan, nhân chứng, bị hại. Theo đó, LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội, bào chữa cho ông Khanh), LS Nguyễn Hòa Nghĩa (Đoàn LS TP HCM), LS Đào Kim Lân (Đoàn LS TP HCM) và đại diện bị hại là Ngân hàng BIDV cùng vắng mặt và đều có đơn đề nghị hoãn phiên tòa.

Sau khi nghe thư ký báo cáo, HĐXX hỏi ý kiến của những người tham gia phiên tòa. LS Lê Thị Minh Nhân (Đoàn LS TP HCM, bào chữa cho ông Khanh) đề nghị hoãn phiên tòa để chờ ủy thác tư pháp của bà Nguyễn Hiệp Hảo (SN 1976, con cụ Hiệp) từ Hoa Kỳ; hoặc trong trường hợp có ủy thác tư pháp cũng phải hoãn để các LS tiếp cận, nghiên cứu. 

LS Nguyễn Văn Dũ (Đoàn LS TP HCM, bào chữa cho ông Lộc) đồng quan điểm: “Tôi đồng ý ý kiến hoãn phiên tòa. Bởi vì sự có mặt của đại diện Ngân hàng là rất quan trọng để làm rõ nhiều tình tiết trong vụ án nhưng họ lại vắng mặt nên cần hoãn để triệu tập lại”.

Ông Khanh cũng đề nghị hoãn phiên tòa vì theo ông, LS Quynh là người theo dõi vụ án từ đầu đến nay, nắm chắc vụ án, nên ông cần có LS Quynh bào chữa.  

Đại diện VKS đồng ý với đề nghị hoãn phiên tòa của những người nêu trên. Sau khi nghị án, HĐXX ra quyết định hoãn và phiên xét xử lại sẽ được mở vào ngày 9/12/2019 (dự kiến kéo dài 4 ngày).

Trong công bố quyết định hoãn phiên xét xử, chủ tọa công bố một tình tiết bất ngờ khác khi nói rằng đã có ủy thác tư pháp bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, chủ tọa nói rằng ủy thác tư pháp là tài sản của FBI (Federal Bureau of Investigation - Cục Điều tra liên bang thuộc Bộ Tư pháp Mỹ) và cơ quan này yêu cầu không được công bố, không được sao chụp và không được đem ra khỏi tòa. Từ đó, chủ tọa đề nghị các luật sư liên hệ với tòa để tiếp cận (đọc và ghi chép).

Ủy thác tư pháp có phải tài liệu “mật”?

Việc chủ tọa cho rằng ủy thác tư pháp của bà Hảo là tài sản của FBI và không được sao chụp, không được mang ra khỏi tòa án khiến người dự khán ngạc nhiên, thắc mắc. Tại sao lại có tình tiết liên quan FBI trong vụ án đang xảy ra ở Việt Nam?

Sau khi tiếp cận văn bản ủy thác tư pháp, LS Nhân nói: “Về nội dung thì chúng tôi chưa thể tiết lộ được vì chủ tọa đã yêu cầu. Tuy nhiên, về hình thức, tôi nhận thấy ủy thác tư pháp này có nhiều vấn đề. Thứ nhất, VKSND Tối cao đã gửi đề nghị cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hỗ trợ lấy lời khai của bà Hảo. Nhưng không hề có hợp thức hóa lãnh sự trước khi chuyển về Việt Nam. Ở phần đầu ủy thác, có ghi chữ “Băng Cốc”, tôi không rõ tại sao có chữ này, đó là nơi phát hành ủy thác tư pháp hay nơi lấy lời khai của bà Hảo? Thứ hai, người dịch ủy thác tư pháp là một cộng tác viên dịch thuật của Công ty TNHH dịch thuật Phúc Thịnh và văn bản dịch thuật không được chứng thực của văn phòng công chứng hoặc tư pháp chứng thực, xác nhận. Việc không có công chứng, tư pháp chứng thực, xác nhận là sai về quy định pháp luật”.

Trước câu hỏi tài liệu này có phải “mật”, và không được công bố thì đúng hay sai? LS Đào Kim Lân (Đoàn LS TP HCM) nói: “Có thể do trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Bình Dương nhận thấy sự có mặt của bà Hảo là một người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Vì bà Hảo là người có cổ phần trong Công ty An Tây và đứng tên quyền sử dụng một số diện tích đất nằm trong vụ án. Bà Hảo đang định cư tại Hoa Kỳ nên CQĐT yêu cầu VKSND Tối cao đề nghị FBI hỗ trợ, lấy lời khai của bà Hảo về nội dung vụ án thông qua hình thức ủy thác tư pháp. Tài liệu này có một số vấn đề mà HĐXX cho rằng không thể tiếp xúc công khai. Về các câu hỏi tài liệu này có được sử dụng làm chứng cứ hay không, có được sử dụng để tranh luận hay chỉ để tham khảo, chúng tôi sẽ đề nghị HĐXX làm rõ trong phiên tòa sắp tới”.

Còn LS Nguyễn Hoài Nghĩa nói: “Theo tôi hiểu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không có hiệp định tương trợ tư pháp mà chỉ áp dụng nguyên tắc có đi có lại, tức hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, các tài liệu do Mỹ phát hành phải ghi chú là “tài sản của FBI” và sau khi sử dụng xong phải trả lại. Việc ghi chú này không đồng nghĩa với việc các cơ quan tố tụng, LS không được sao chụp, nghiên cứu, tranh luận tại phiên tòa khi xét xử vụ án công khai. Nhưng nếu để chắc chắn, không vi phạm nguyên tắc có đi có lại và không làm trở ngại việc xét xử thì VKSND Tối cao cần có văn bản yêu cầu hỗ trợ, giải thích văn bản từ phía FBI”.

Đồng quan điểm với LS Nghĩa, một giảng viên Học viện Ngoại giao nói: “Mặc dù theo nguyên tắc có đi có lại, nhưng cơ quan chức năng ở Việt Nam cần phải có văn bản hỏi hướng tiếp cận, công khai như thế nào, những nội dung nào?”.

Còn LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội, người bào chữa cho ông Khanh) nói: “Tất cả tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án đều phải được công khai, luật sư được quyền tiếp cận, sao chép. Còn sao chép, tiếp cận, công khai như thế nào cho đúng thuộc quyền của HĐXX”. LS Quynh đánh giá văn bản ủy thác tư pháp lời khai của bà Hảo rất quan trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án liên quan đến ông Khanh; nhất là trong khi vụ án này có nhiều điều khuất tất, dấu hiệu sai phạm như PLVN đã từng phản ánh.

Tin cùng chuyên mục

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.

Đọc thêm

Cựu Giám đốc CDC Khánh Hòa bị phạt 42 tháng tù

Bị cáo Huỳnh Văn Dõng, cựu Giám đốc CDC tỉnh Khánh Hòa bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.
(PLVN) - Sau 7 ngày xét xử và nghị án, bị cáo Huỳnh Văn Dõng (cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa) bị TAND tỉnh tuyên phạt 42 tháng tù; Trần Quốc Huy (cựu Trưởng phòng Tổ chức - hành chính) bị phạt 19 tháng tù; Phan Phương Ngọc (cựu nhân viên Khoa Dược - Vật tư y tế) bị phạt 1 năm 3 tháng tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 BLHS.

Xét xử đường dây làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tiền của ngân hàng

Các bị cáo tại tòa.
(PLVN) -  Ngày 16/4, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Mai Hương (SN 1985, ngụ Bắc Giang) và Vương Thị Bích Phượng (SN 1991, ngụ Hòa Bình) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Sau khi nghị án, HĐXX phạt Hương 12 năm tù, Phượng 7 năm tù.