Khởi nghiệp thất bại do thiếu tiền
Theo Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia (VINEN), phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đang lên cao chưa từng có với hàng chục ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp đăng ký kinh doanh mới hàng năm. Chỉ tính riêng trong 2 năm gần đây, mỗi năm đều có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới (năm 2016 có 110.000 doanh nghiệp và 127.000 doanh nghiệp năm 2017). Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng chiếm tới 80%.
Lý do khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại, theo ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch GBA Fintech, nhiều doanh nghiệp Việt Nam “ra đi” là do yếu về tài chính và nguồn lực có hạn. Hiện tại, các doanh nghiệp vay được tiền là thông qua sự đánh giá của ngân hàng trên niềm tin (tài sản thế chấp) mà niềm tin thì rất hạn chế.
“Fintech đang bùng nổ, sẽ cung cấp cho cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam những nguồn lực mới và dựa vào lòng tin một cách rất khác (ví dụ như gọi vốn bằng tiền ảo). Biết đâu, nếu biết chớp thời cơ, Việt Nam có thể trở thành trung tâm tài chính mới của thế giới” - ông Huy nói.
Tuy nhiên, ông Huy cũng lưu ý các nhà đầu tư nên đặc biệt cẩn thận khi đầu tư vào Bitcoin hay kêu gọi người khác đầu tư vào. Phải tìm hiểu thật kỹ thế giới tiền mã hóa để có những quyết định đúng. Không nên đầu tư vào những đồng tiền mã hóa không có thật, có tên tuổi nhưng không có công nghệ đi kèm.
Và để thành công, các chuyên gia cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam cần rất nhiều yếu tố. Đó là cái nhìn toàn cục, sự quyết đoán, dấn thân và máu liều trong kinh doanh…
Những lời khuyên cho khởi nghiệp
Ông Đinh Việt Hòa, Chủ tịch VINEN cho hay, một ông chủ muốn thành công phải có khả năng chớp cơ hội cao. Phải có máu liều và sự quyết đoán trong kinh doanh. Kinh doanh chính dựa vào 3 yếu tố: Tâm – Trí – Tiền. Bởi quyết tâm làm giàu sẽ giúp ta nghĩ ra các giải pháp khác nhau để kinh doanh và sau khi thành công sẽ tạo ra tiền.
Còn chuyên gia tư vấn chiến lược Lý Trường Chiến lại cho rằng, khi khởi nghiệp hay đầu tư, nhất là trong lĩnh vực mới đầy mạo hiểm như Bitcoin, cần có cái nhìn toàn cục. Dấn thân trong sự kiểm soát và thức tỉnh. Đặc biệt lúc đầu tư, phải phân biệt rõ ràng giữa “đầu cơ” và “đầu tư”, bởi nếu nguồn lực không đủ mạnh sẽ đầu tư không tới. Và trước khi đưa ra quyết định đầu tư, hãy tìm hiểu thật kỹ các vấn đề liên quan. Bởi một quyết định đầu tư đúng và thành công sẽ phải thỏa mãn 3 yếu tố: tính pháp lý, tính đạt chuẩn và tính thanh khoản.
Lý giải điều này, ông Chiến đưa ra ví dụ, đầu tư lớn mà không có tính thanh khoản thì dẫn đến rủi do cao, có thanh khoản nhưng không có tính pháp lý cũng không an toàn.
Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, blockchain và tiền mã hóa cũng có giá trị thật sự của nó và Việt Nam không nên cấm, nếu cấm giới đầu tư sẽ chạy sang Singapore hay Hàn Quốc để làm. Như vậy, Việt Nam sẽ mất nhiều hơn được.
Diễn giải điều này, TS. Thành cho biết, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có 3 đặc điểm nổi bật. Đầu tiên, đó là làn sóng hủy diệt sự sáng tạo trong quá khứ. Thứ hai, nó sinh ra một thứ gọi là big data. Cuối cùng, đỉnh cao chính là sự ra đời của Blockchain với ứng dụng sơ khai – tiền ảo, nguồn cơn thay đổi thế giới trong tương lai.
TS.Thành chia sẻ, sự ra đời của Uber và Grab đang “hủy diệt” ngành taxi truyền thống. Cũng như thế, với hình thức học tập trực tuyến, những trường đại học lớn hay những trung tâm Anh ngữ sẽ có nguy cơ không cần thiết trong tương lai?. “Trước đây, muốn có các số liệu chính xác về thị trường, người ta thường cho các sinh viên hoặc thuê công ty điều tra ra ngoài tìm hiểu. Nhưng bây giờ người ta chỉ cần tới những công ty có bán Big data. Big data hiện bán được rất nhiều tiền và ai nắm giữ big data, kẻ đó sẽ làm chủ tương lai…Cuối cùng là sự ra đời của Blockchain và kỷ nguyên về tiền mã hóa. Nó thật sự có giá trị, có thể giao dịch” - TS. Thành nói.
Cũng theo ông Thành, Blockchain và tiền mã hóa sẽ có tác động khủng khiếp đến thế giới trong tương lai. “Hiện tại, Việt Nam đang ra nhập vào thế giới tiền mã hóa, chúng ta có những nhóm công nghệ rất mạnh, có thể đưa ra các thuật toán để đàon. Ai cũng muốn mình có được đồng tiền mã hóa mạnh nhất Việt Nam. Vì vậy chúng ta nên tận dụng tốt cơ hội này để bứt phá. Năm 2018, Chính phủ sẽ đưa ra khung pháp lý rõ ràng hơn cho tiền mã hóa. Bây giờ, Chính phủ chỉ đang phản ứng lại trước cái mới, như nhiều nước khác. Không nên cấm Blockchain và tiền mã hóa, nếu cấm giới đầu tư sẽ sang Singapore hay Hàn Quốc để làm, như vậy Việt Nam sẽ mất nhiều hơn được” – TS. Nguyễn Đức Thành nhận định.