Văn hóa & Pháp luật

Hoàn thiện thể chế, chính sách: Cách đưa hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Có nhiều định nghĩa về khái niệm văn hóa và cách hiểu, cách lý giải khác nhau, song tất cả đều thừa nhận vai trò quan trọng của văn hóa đối với lịch sử, hiện tại và tương lai; đối với mỗi con người, gia đình, cộng đồng và quốc gia, dân tộc. Vì thế, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận văn hóa như ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”.

Kế thừa tư tưởng của Người cũng như cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, ngày 29/11/2022, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” đã khai mạc bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh. Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.

Bảo tồn và phát huy hệ giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) cho rằng: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu – những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”. Đối với Việt Nam, từ hàng nghìn năm trước, cha ông ta đã dày công bồi đắp những giá trị văn hóa sống động; để lại cho thế hệ hôm nay hệ thống công trình văn hóa từ Bắc chí Nam và những di sản tinh thần phong phú, đáng tự hào. Điều này có thể thấy rõ ở Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội đang sở hữu kho tàng di sản vô giá và cực kỳ phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới. Hà Nội còn có hệ thống 1.350 làng nghề, làng có nghề chứa đựng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và có giá trị kinh tế cao.

Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số, nhưng hằng năm, Hà Nội đóng góp từ trên 16% tổng sản phẩm trong nước (GDP), 18,5% thu ngân sách Nhà nước, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Thủ đô ngày càng xứng đáng với vai trò là “trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”. Có thể nói, văn hóa Hà Nội là nguồn sức mạnh to lớn xét trên nhiều góc độ, tầng mức, cả chiều sâu và quy mô, tính chất.

Do đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trong bài viết “Khơi dậy sức mạnh văn hóa đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới” đã nhận định một trong những tiềm năng thế mạnh cần được tập trung khai thác chính là nguồn lực văn hóa.

Theo tính toán, năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào GRDP thành phố, chiếm tỷ trọng 3,7%. Đây là con số còn nhỏ và chưa tương xứng với tiềm năng của văn hóa Hà Nội cũng như mục tiêu trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước như Chiến lược phát triển văn hóa của Chính phủ đã đề ra. Trong khi đó, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Để làm được điều đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể từ thành phố xuống cơ sở, trước tiên là cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ phát triển văn hóa trong văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ thành phố. Đó là chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững...

Hệ giá trị văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng.

Hệ giá trị văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng.

Đưa hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ xã hội

Qua câu chuyện của Hà Nội, có thể thấy đối với mỗi quốc gia, thành phố, cộng đồng, tổ chức, cá nhân… hệ giá trị văn hoá là vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang đổi mới theo hướng hiện đại và hội nhập sâu rộng, khi con đường phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao đã được xác định rõ, các vấn đề về giá trị, hệ giá trị văn hoá càng được đặt ra và nói tới hàng ngày trong các diễn ngôn chính trị, văn hoá, xã hội, đặc biệt là xuất hiện thường xuyên và liên tục trong các văn kiện, nghị quyết quan trọng của Đảng trong hơn hai thập kỷ qua, như nhận định của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá trong bài tham luận “Một số nhận thức về hệ giá trị văn hoá” tại Hội thảo.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, hệ giá trị văn hoá có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hoá mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mà Đảng ta đã đề ra.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, trong bối cảnh xã hội đương đại với sự gia tăng của toàn cầu hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, hệ giá trị văn hoá ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp với sự cùng tồn tại của hệ giá trị truyền thống, hệ giá trị mới, hệ giá trị phổ quát, hệ giá trị đặc thù, hệ giá trị cốt lõi, hệ giá trị phái sinh... Do đó, cần thiết nhìn nhận lại việc xây dựng hệ giá trị văn hoá hiện nay.

Bàn về “Giải pháp giữ gìn và phát huy hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng đó là các giải pháp: Xác định nội hàm cụ thể của hệ giá trị; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội đồng thời giữ nghiêm kỷ cương, phép nước; Nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội, đội ngũ văn nghệ sỹ; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị và hệ giá trị; Phát huy vai trò của các thiết chế gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng hệ giá trị; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần hình thành và củng cố các giá trị tốt đẹp; Phát huy vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật trong xây dựng giá trị.

Riêng đối với giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, do văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, tồn tại trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nên việc hoàn thiện thể chế, chính sách chính là cách chúng ta đưa hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ xã hội. Có những thể chế, chính sách trực tiếp tác động đến việc hình thành và phổ biến của giá trị văn hóa; có những thể chế, chính sách tác động gián tiếp nhưng có tầm quan trọng không nhỏ đối với việc vận hành của các giá trị văn hóa.

Vì thế, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật... có tác dụng giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa…

Hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” có sự tham gia của khoảng 500 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và văn nghệ sĩ, chia thành hai phiên thảo luận: Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới và hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hội thảo tập trung vào các nội dung lớn như: Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; Các nội dung, đặc điểm và những ảnh hưởng của các yếu tố (hoặc bối cảnh) quốc tế và quốc gia đến việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới...

Đọc thêm

Nhiều hoạt động ý nghĩa Ngày Sách và Văn hóa đọc ở Cà Mau

Nhiều hoạt động ý nghĩa Ngày Sách và Văn hóa đọc ở Cà Mau
(PLVN) - Ngày Sách và Văn hóa đọc tỉnh Cà Mau diễn ra từ ngày 19/4 - 21/4, tại Công viên Hùng Vương, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Sự kiện góp phần khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người…

Khai thác tiềm năng du lịch sức khỏe

Du lịch sức khỏe đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. (Nguồn: Vietravel)
(PLVN) - Du lịch sức khỏe đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. Việt Nam là quốc gia được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch này.