Hà Nội không hỗ trợ
NhưBáo PLVN đã thông tin, gần 500 con lợn (hơn 40 tấn thịt) của 21 hộ dân chăn nuôi thuộc Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu (đóng trên địa bàn 2 xã Trạm lộ và Nghĩa Đạo) mặc dù đã nghiêm chỉnh chấp hành lệnh tiêu hủy của cơ quan chức năng huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nhưng khi đề nghị hỗ trợ thiệt hại theo chủ trương của Chính phủ thì lại bị tỉnh Bắc Ninh từ chối và hướng dẫn người dân lên TP Hà Nội để đòi hỏi quyền lợi.
Lý giải cho tình huống lạ đời này, chính quyền địa phương cho hay do địa điểm lợn bị dính dịch tả lợn xảy ra trong Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu. Mà Xí nghiệp này tuy đóng trên địa bàn huyện Thuận Thành nhưng lại thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (HADICO) nên Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành yêu cầu các hộ làm việc với HADICO và Sở NN&PTNT Hà Nội để được xem xét.
Do được hướng dẫn như vậy nên người dân có lợn bị tiêu hủy đã đề nghị HADICO có kiến nghị để phía TP Hà Nội có ý kiến về việc này. Theo thông tin mà PV nắm được, ngày 20/5/2019, Sở NN&PTNT TP Hà Nội đã có văn bản nêu ý kiến chính thức liên quan tới đề xuất xin hỗ trợ của tỉnh Bắc Ninh đối với thiệt hại của 22 hộ chăn nuôi này.
Văn bản số 1516 do Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng ký ban hành cho biết: Sở NN&PTNT nhận được văn bản số 268 ngày 16/5/2019 của HADICO về việc xem xét hỗ trợ chính sách trợ giá người chăn nuôi lợn dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, theo đó, các hộ gia đình chăn nuôi lợn thuộc Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu có lợn bị dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy trên địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Văn bản đang nói, Sở NN&PTNT TP Hà Nội nêu ý kiến như sau: Căn cứ Quyết định số 4380 ngày 25/8/2009, của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy định định mức hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội; Điều 1, Đối tượng áp dụng: Các hộ gia đình, cá nhân, trang trại, HTX, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội có gia súc, gia cầm tiêu hủy do mắc bệnh hoặc trong vùng có dịch phải bắt buộc tiêu hủy theo quy định của Pháp lệnh Thú y.
“Như vậy, các hộ gia đình chăn nuôi lợn thuộc Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu của HADICO có lợn bị dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy trên địa bàn xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của TP Hà Nội”- văn bản của Sở NN&PTNT TP Hà Nội khẳng định.
Bắc Ninh có giải quyết cho người dân?
Theo tìm hiểu của PV, Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu đóng trên địa bàn huyện Thuận Thành từ năm 1962 với tên gọi ban đầu Nông trường Tam Thiên Mẫu. Hiện nay, tuy gọi là Xí nghiệp nhưng thực tế sinh hoạt bên trong không chỉ sản xuất mà còn là nơi sinh sống của rất nhiều hộ dân. “Ngoài sản xuất giống lúa với nuôi cá, đúng là ở đây đã hình thành 3 khu dân cư với việc sinh sống ổn định lâu dài của rất nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên Xí nghiệp", ông Bùi Trọng Thưa, Giám đốc Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu cho biết.
Ông Thưa nói 22 hộ gia đình có lợn bị tiêu hủy do dính dịch tả lợn Châu Phi vừa rồi là cán bộ, công nhân viên Xí nghiệp đang sinh sống và làm việc ở đây. Việc chăn nuôi này là tăng gia làm kinh tế hộ,chủ yếu tự phát trên diện tích ao hồ nhận khoán của Xí nghiệp. Số lợn bị tiêu hủy là tài sản cá nhân của các hộ không nằm trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Xí nghiệp.
Ông Bùi Trọng Thưa, Giám đốc Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu |
Cũng theo Giám đốc Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu, trong thời điểm bị dịch bệnh Xí nghiệp đã phối hợp rất chặt chễ với chính quyền địa phương và các hộ gia đình để tiến hành tiêu hủy lợn dịch ngăn chặn dịch lây lan. Tuy nhiên, sau khi biết tỉnh Bắc Ninh không đồng ý hỗ trợ thiệt hại mà hướng dẫn người dân về Hà Nội để đòi quyền lợi, lãnh đạo Xí nghiệp cũng có ý kiến với cấp trên đề nghị xem xét có ý kiến với cơ quan chức năng để hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại để họ ổn định đời sống.
“Tuy nhiên, mới đây phía Sở NN&PTNT TP Hà Nội đã khẳng định 22 hộ này không thuộc đối tượng nhận hỗ trợ của Hà Nội. Trong khi hiện vẫn chưa biết tỉnh Bắc Ninh liệu có xem xét hỗ trợ cho họ hay không", ông Thưa băn khoăn.
Theo tìm hiểu của PV, Nghị định số 02 ngày 9/1/2017 của Chính phủ, về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh quy định các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
Theo đó, UBND cấp xã có trách nhiệm lập biên bản kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ cụ thể của từng hộ sản xuất; Căn cứ báo cáo của UBND cấp xã, UBND cấp huyện tổ chức thẩm định và quyết định hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo UBND cấp tỉnh; Căn cứ báo cáo của UBND cấp huyện, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và bố trí ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Đối chiếu với quy định này, có thể thấy, người dân chăn nuôi tại Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Rõ ràng, việc tiêu hủy lợn diễn ra ở địa phương này nhưng chính quyền lại không tiến hành xem xét hỗ trợ cho dân mà hướng dẫn lên TP Hà Nội để đòi hỏi quyền lợi là không đúng quy định.