Hà Nội: Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, TP Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT...hướng tới mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 vượt kế hoạch

Theo Sở Lao động Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, trên địa bàn TP có 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gọi chung là cơ sở giáo dục nghề nghiệp).

Trong số này, 310/360 đơn vị có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (bao gồm 69 trường cao đẳng, 59 trường trung cấp, 54 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề và 128 doanh nghiệp, loại hình khác).

Năm 2022, giáo dục nghề nghiệp Thủ đô đặt mục tiêu tuyển sinh và đào tạo mới cho khoảng 224.500 lượt người (trong đó cao đẳng là 25.000 người, trung cấp là 28.000 người, sơ cấp và dưới 3 tháng là 171.500 người.

TP cũng phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào đạt từ 72,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 51,2%.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự tham mưu kịp thời của cơ quan chuyên môn, trong 11 tháng năm 2022, công tác giáo dục nghề nghiệp Thủ đô đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên toàn TP đã tuyển sinh và đào tạo cho 245.316 lượt người (trình độ cao đẳng 33.682 người; trung cấp 27.828 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 183.806 người), đạt 109,27% kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tăng 27,87% so với cùng kỳ năm 2021.

Có 193.784 học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp, trong đó chia theo trình độ: 14.284 người trình độ cao đẳng, 22.402 người trình độ trung cấp, 157.098 người trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, góp phần cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường.

Dự kiến, năm 2022, TP tuyển sinh cho 251.500 lượt người (trình độ cao đẳng 33.700 người; trung cấp 27.900 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 189.900 người), đạt 112% kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tăng 13,23% so với cùng kỳ năm 2021.

Có 197.400 học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp, trong đó chia theo trình độ: 14.600 người trình độ cao đẳng, 22.900 người trình độ trung cấp, 159.900 người trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, nghề Công nghề Kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa...

Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 72,23%, vượt 0,03% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng 1,13% so với năm 2021. Trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%, vượt 1,3% so với kế hoạch đề ra năm 2022, tăng 2,3% so với năm 2022.

Cùng với đó, công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp cũng đã được quan tâm chỉ đạo, triển khai.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp TP đã hợp tác với hơn 750 lượt doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo, góp phần ổn định sản xuất cho doanh nghiệp.

Năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Tập đoàn Mặt trời (Tập đoàn Sun Group) nhằm mục đích tăng cường kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đặt hàng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP ban hành Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP năm 2022, trên cơ sở đó, tính đến thời điểm báo cáo đã triển khai tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 21.000 lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô

Để đạt được những kết quả trên, công tác tuyên truyền thông tin, hình ảnh về hoạt động giáo dục nghề nghiệp luôn được TP Hà Nội quan tâm triển khai nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp.

Cùng với đó là các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT ... hướng tới mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Điển hình, từ 7h30 - 12h00 ngày 11/12/2022 (Chủ Nhật) tới, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm, đường Võ Quý Huân, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022.

Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, giá trị và các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, người học và xã hội về công tác giáo dục nghề nghiệp Thủ đô.

Tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận học sinh tại các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để giới thiệu, tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy công tác phân luồng cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động trên địa bàn TP.

Thúc đẩy và khuyến khích học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô.

Đồng thời, tạo cơ hội gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật kịp thời xu hướng phát triển của thị trường và nhu cầu tuyển dụng lao động, tiến tới việc liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của TP.

Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022 có 3 hoạt động chính, bao gồm Lễ ký kết đặt hàng đào tạo, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT; hoạt động của phiên giao dịch việc làm.

Ngoài ra, hội nghị còn có những hoạt động bên lề như trưng bày, giới thiệu một số mô hình khởi nghiệp, sản phẩm thực hành,mô hình thiết bị đào tạo nghề tự làm tiêu biểu của học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trình diễn kỹ năng nghề thuộc các nhóm nghề du lịch, dịch vụ nhà hàng; chăm sóc sắc đẹp; công nghệ sơn ô tô,...

Hội nghị có quy mô 10.000 người, trong đó đối tượng tham gia hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp là khoảng 8.000 học sinh các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức.

Đối tượng tham gia Phiên giao dịch giới thiệu việc làm gồm khoảng 2.000 người là học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động trên địa bàn TP. 34 doanh nghiệp tiêu biểu, đại diện cho gần 1.000 doanh nghiệp có hoạt động liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP tham gia ký kết hợp tác, đặt hàng đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

40 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tham gia phiên giao dịch giới thiệu việc làm tại Hội nghị. Có 74 gian của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp để tư vấn tuyển sinh, trưng bày, giới thiệu sản phẩm thực hành, giới thiệu mô hình thiết bị đào tạo, mô hình khởi nghiệp, trình diễn kỹ năng nghề tiêu biểu.

Đọc thêm

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.