Hà Nội ủng hộ thực hiện xe buýt điện
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, chất lượng môi trường không khí tại các đô thị chịu tác động lớn do phát sinh bụi, khí thải từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, giao thông vận tải. Trong đó, khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chiếm tỷ lệ lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe hàng triệu người. Để giảm mức độ ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông đường bộ tại các đô thị, nhiều quốc gia trên thế giới đã tìm kiếm, áp dụng một số giải pháp sử dụng nguồn năng lượng sạch thay thế dầu mỏ; trong đó, sử dụng năng lượng điện được ưu tiên sử dụng.
Đặt mục tiêu phát triển bền vững, vì môi trường xanh, sạch, đẹp, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đặt trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội gắn với coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, tập trung thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) và sử dụng các loại phương tiện năng lượng thân thiện môi trường.
Ngày 27/12/2019, Tập đoàn Vingroup có Văn bản số 859/2019/CV/VGR PTDA gửi UBND thành phố Hà Nội đề xuất việc lập “Đề án đầu tư phương tiện, tổ chức hoạt động VTHKCC bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe điện) có trợ giá trên địa bàn TP Hà Nội theo hình thức đặt hàng. Đồng thời Tập đoàn này đăng ký vận hành 10 tuyến xe buýt trên địa bàn Hà Nội bằng xe buýt chạy điện và cam kết đầu tư 150-200 phương tiện xe buýt điện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại; Đầu tư Trung tâm quản lý và vận hành xe buýt thông minh, depot và hệ thống trạm sạc pin tại các điểm đầu cuối, bãi đỗ xe ban đêm để đáp ứng yêu cầu vận hành của hệ thống xe buýt điện…
Hiện Tập đoàn Vingroup cũng đang làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để đảm bảo các xe buýt điện sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp với quy chuẩn hiện hành của Việt Nam như QCVN 09:2015, QCVN 10-2015 QCVN 82:2019 và tuân thủ các quy định khác của pháp luật. “UBND TP Hà Nội ủng hộ chủ trương đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn Hà Nội”, Công văn 93 ghi rõ.
Vướng mắc gì để xe buýt điện tư nhân hoạt động?
Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay tại Việt Nam, xe buýt điện chưa hoạt động, chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, việc thực hiện đấu thầu hoặc đặt hàng đối với hoạt động cung cấp dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt tại Hà Nội được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2013/NĐ-CP ngày 10/4/2013 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Vì vậy, loại hình xe buýt điện chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên chưa có cơ sở để tổ chức đấu thầu, đặt hàng theo đúng quy định, cần được Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét tháo gỡ.
Do vậy, UBND TP Hà Nội đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội tạm thời áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với xe buýt CNG đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội để thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt điện đối với Tập đoàn Vingroup. Thời gian thí điểm dự kiến từ 9 tháng đến 12 tháng kể từ ngày chính thức đưa vào hoạt động thí điểm.
Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ giao cho UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT phối hợp với Tập đoàn Vingroup để xây dựng bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá áp dụng cho loại phương tiện xe buýt điện. Sau thời gian hoạt động thí điểm, tổ chức tổng kết, đánh giá làm cơ sở để chuẩn bị các bước tiếp theo trong việc triển khai công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo đúng quy định.
Năm 2019, Vingroup công bố thành lập Công ty TNHH Dịch vụ vận tải VinBus có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng theo mô hình phi lợi nhuận. 100% lợi nhuận thu được sẽ được công ty tái đầu tư nhằm phát triển hệ thống, mở rộng địa bàn và cải thiện chất lượng dịch vụ, nhằm góp phần xây dựng nền giao thông công cộng văn minh, hiện đại, giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn cho các đô thị lớn của Việt Nam.