Theo đó, ông Định cho biết, theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và môi trường TP, từ ngày 13/9, chất lượng không khí của Hà Nội ở nhiều thời điểm trong ngày mức kém, trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5.
Ông Định khuyến cáo, vào các thời điểm có chất lượng không khí kém, trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp cần hạn chế thời gian ra bên ngoài. Nếu phải ra ngoài, người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cũng theo ông Định, có 12 nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí Hà Nội, bao gồm khí xả thải từ các phương tiện giao thông ô tô, xe máy; tình trạng đun bếp than tổ ong, bếp củi vẫn còn tiếp diễn dù TP đã có nhiều chương trình, khuyến cáo; bụi từ việc thi công các công trình; vận chuyển vật liệu xây dựng không đúng quy định; mùi hôi thối của hệ thống thoát nước chưa được xử lý; ô nhiễm từ các trại chăn nuôi gia súc gia cầm chưa đạt chuẩn; thu gom rác thải chưa tốt; hoạt động đốt rơm rạ các huyện ngoại thành; ô nhiễm bùn thải các ao hồ; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn TP và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.
Nói thêm về việc này, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở tài nguyên và môi trường TP Hà Nội) Mai Trọng Thái cho hay, hiện đang là thời gian giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt, sáng sớm gió lặng khiến việc khuếch tán các chất ô nhiễm thấp.
Điều kiện thời tiết bất lợi cộng thêm tác động từ con người gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí.
Trong số các nguyên nhân từ con người, ông Thái cho hay, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào không khí.
Bên cạnh đó, TP hiện có hơn 70.000 ô tô và trên 5 triệu xe mô tô. Lượng khí thải từ các phương tiện này xả ra môi trường hàng ngày cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng không khí.
Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định cho biết, để khắc phục tình trạng này, TP. Hà Nội đã và đang khẩn trương triển khai các biện pháp như tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường; thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang toàn bộ bằng xe quét, hút bụi; xử lý ô nhiễm ao, hồ nội ngoại thành…
Đặc biệt, TP xây dựng kế hoạch vận động đến ngày 31/12/2020 không còn hộ xử dụng bếp than tổ ong.
Còn ông Thái cho biết, dự báo đến 3/10 khi thời tiết có mưa nên chất lượng không khí của Hà Nội sẽ dần được cải thiện.