Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai cho biết ngày 28-9 đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 37 tuổi ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bị bọ xít hút máu đốt
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ban đỏ, ngứa toàn thân kèm theo tăng nhịp tim sau khi phát hiện một côn trùng lạ đốt ở chân. Côn trùng lạ này được bệnh nhân đem theo đến bệnh viện và được xác định là bọ xít hút máu.
Theo bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, bệnh nhân được xác định bị mày đay cấp do bọ xít đốt. Sau khi được khám, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc. Đây cũng là trường hợp đầu tiên tại Trung tâm được xác bị dị ứng bọ xít hút máu.
Theo giới chuyên môn, bọ xít hút máu người tấn công thường để lại vết thương sưng to, thậm chí còn gây sốt sau khi bị chúng hút máu. Các vết đốt thường có màu đỏ, vị trí các vết đốt thường ở sau gáy, cổ, bả vai, sau lưng, cánh tay và chân.
Tại vết đốt thường đau, rát, sưng và rất dễ lan rộng ra xung quanh khi tác động vào vết đốt. Thậm chí với các vết đốt sưng to, phù nề có thể làm chân tay không cử động được. Một số nghiên cứu cho thấy bọ xít hút máu thường xuất hiện từ tháng 3 hàng năm và phổ biến là vào tháng 7, 8 và 9.
Thời gian qua, không chỉ Hà Nội mà bọ xít hút máu cũng xuất hiện ở các tỉnh thành khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM... Các ổ bọ xít hút máu thường ở những nơi ẩm thấp, bỏ hoang, có vụn vải hoặc gỗ mục, có nhiều chuột. Từ ổ, bọ xít có thể phát tán xa 1,5 - 2 km.
Theo PGS Lam, điều đáng lo ngại là hiện nay chưa có thuốc đặc trị loài côn trùng này. Bọ xít hút máu cũng không có loài thiên địch trong tự nhiên và rất khó phát hiện. Bọ xít hút máu thường tấn công lúc nửa đêm (1-3 giờ sáng) và chỉ hút máu đang chảy trong huyết quản của người. Khi đốt, bọ xít hút máu tiết ra một loại chất gây tê, nên thường không cảm nhận được gì. Thời gian hút máu kéo dài 14-15 phút./.