Giải ngân chưa đến 0,1% của gói hỗ trợ
Tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) đánh giá, bên cạnh các chương trình tín dụng về NƠXH, nhà ở cho các đối tượng chính sách đang được hệ thống ngân hàng cũng như Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai (cho vay NƠXH theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, cho vay các đối tượng chính sách theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ…), thì việc triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững là một trong những giải pháp góp phần vào việc cải thiện nguồn cung NƠXH và tình trạng mất cân đối cung - cầu của thị trường.
Tuy nhiên, số liệu công bố cho thấy, đến nay, trên cơ sở danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình của 23 UBND các tỉnh, thành phố, BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ với tổng số tiền cam kết cấp tín dụng là 1.091 tỷ đồng, cho 03 dự án, số tiền giải ngân đến nay là 105 tỷ đồng (0,0875%). Đồng thời đã cam kết cấp tín dụng cho 02 dự án với số tiền cam kết là 605 tỷ đồng.
NHNN đánh giá, việc triển khai Chương trình chưa được như dự kiến. Khó khăn lớn nhất được chỉ ra là nguồn cung còn hạn chế. Đến nay mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình. Ngoài ra, theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, qua rà soát các dự án thuộc danh mục, trong số 54 dự án được công bố có: 5 dự án đã được phê duyệt cấp tín dụng; 30 dự án (55,5%) là chưa có nhu cầu vay vốn; 11 dự án (20,4%) là chưa đủ điều kiện cho vay, trong đó có 06 dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý; 8 dự án (15%) đang được các ngân hàng thương mại thẩm định.
Khó cả cung lẫn cầu
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), ông Nguyễn Hoàng Hải, số lượng dự án thương mại hoàn thành trên cả nước đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, đặc biệt cơ cấu sản phẩm nhà ở vẫn không hợp lý, dư thừa sản phẩm nhà ở phân khúc cao cấp, trong khi thiếu nhà ở vừa túi tiền, nhà ở công nhân, NƠXH, nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị.
Tuy nhiên, theo ông Hải, tình hình này sẽ được cải thiện rõ rệt hơn trong năm 2024. Số liệu của Bộ Xây dựng cho biết, lũy kế giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn cả nước có 465 dự án NƠXH dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp (KCN) với quy mô 412.845 căn. Trong số đó, đã có 46 dự án được hoàn thành, đã khởi công xây dựng 110 dự án, 309 dự án với quy mô 292.422 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đặc biệt trong tháng 10 vừa qua đã có 10 dự án NƠXH, nhà ở công nhân KCN (19.853 căn) đã được khởi công,
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, khó khăn không chỉ đến từ nguồn cung. Mặc dù tổng cầu được cải thiện nhờ kết quả của các cơ chế chính sách đang thẩm thấu dần, kinh tế bớt khó khăn, động thái giảm lãi suất…, tuy nhiên lực cầu vẫn chỉ bằng 30% so với giai đoạn trước khi thị trường gặp khó khăn. Trong đó khoảng 50% là nhu cầu về nhà ở nhưng gặp khó khăn về tài chính không thể chuyển thành cầu thật; 20% là nhu cầu đầu tư về BĐS mua đi, bán lại và khoảng 30% cầu đầu tư để khai thác cho thuê…
Từ thực tế triển khai, ông Lâm Hoàng Đăng - Phó Tổng Giám đốc Công ty BĐS Văn Phú - DN hiện đang có dự án NƠXH ở Bắc Ninh cho biết, DN đang khó khăn trong quá trình mở bán vì khi bán NƠXH cho công nhân, thì đối tượng là công nhân, nên cầu của người mua nhà rất ít. “Thu nhập của công nhân không cao, hầu như chỉ đủ sống. Nếu vay vốn mua nhà, hàng tháng phải trả vốn và lãi thì họ không còn tiền để trang trải cuộc sống. Vì vậy, họ không có nhu cầu mua nhà, dẫn tới dự án rất khó “đẩy hàng”…”- DN này cho biết, đồng thời đề xuất mở rộng đối tượng được mua nhà ở công nhân rộng hơn, có thể áp dụng cho hơn 10 đối tượng trong diện ưu tiên theo quy định…
Trong khi đó, bà Lê Thùy Linh - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS IMG cho rằng, với thực trạng xây NƠXH, nhà ở cho công nhân đang gặp khó hiện nay, đặc biệt là về tiếp cận vay ưu đãi, DN đề nghị mở cơ chế, cho DN tiếp cận vốn thương mại để thực hiện dự án, còn để hỗ trợ DN nhà nước cần dùng chính sách tài khóa thông qua điều chỉnh thuế thu nhập DN. “Cách làm này vừa hiệu quả lại an toàn cho DN tiếp cận vốn, vì nó sẽ hoạch toán vào giá bán, bảo đảm giá bán hợp lý như vay vốn ưu đãi” - bà Linh đề xuất.
Theo các chuyên gia, để gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh tăng cung NƠXH cũng cần có các giải pháp kích cầu thông qua chính sách cho vay, hạ giá bán, giảm thiểu thủ tục…
Bộ Xây dựng cũng đang kiến nghị khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030 để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong phát triển NƠXH, tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở có thể tiếp cận…