Đó là cảnh thưởng gặp ở Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lào Cai (Trung tâm TGPL - thuộc Sở Tư pháp tỉnh). Công việc tuy vất vả, thu nhập chưa cao nhưng Giám đốc Trần Thị Chinh và cán bộ, nhân viên cấp dưới vẫn một lòng yêu nghề, đam mê với công việc, nhiệt huyết với dân.
Càng khó khăn càng trách nhiệm với nghề
Trung tâm TGPL tỉnh Lào Cai được thành lập đến nay đã gần 20 năm. Nhớ lại thuở ban đầu nhận bàn giao, trụ sở cơ quan chỉ là hai gian phòng nhỏ cùng mấy bộ bàn ghế cũ, chiếc máy tính bàn tốc độ “rùa bò” đã hết thời gian khấu hao, chuẩn bị được thanh lý. Người ra, người vào nhìn thấy đã lắc đầu ngán ngẩm bởi những khó khăn hiện lên rõ mồn một trước mặt.
Cả Trung tâm ban đầu chỉ có bốn nhân sự, công việc thì mới mẻ, lúc bắt đầu thật khó triển khai cho những người từ các cơ quan khác nhau được phân công về đây.
Lào Cai giờ cơ sở hạ tầng đã tốt hơn nhiều, không như những ngày bà Chinh mới vào nghề, đi lại cũng cực khổ. Ngày ấy khi đi tuyên truyền pháp luật tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, bà và đồng nghiệp phải rời nhà khi màn đêm còn đen kịt. Con đường lên Y Tý là nỗi sợ của mọi tay lái, bởi ngoài những khúc cua tay áo còn thêm màn sương dày đặc, chỉ sơ sẩy một chút chút là xe có thể lao ngay xuống vực.
Dò dẫm cả ngày trời mới tới nơi, không kịp nghỉ ngơi, nữ trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) đến ngay nhà trưởng bản thông báo rồi ra hội trường xã cùng mọi người chuẩn bị bàn ghế cho buổi tuyên truyền luật pháp sẽ diễn ra buổi tối. “Tôi cũng không hiểu sao hồi ấy mình lấy sức đâu mà khỏe vậy. Cả ngày đi, quá trưa ăn chút cơm chuẩn bị từ tối hôm trước, vậy mà làm không biết mệt mỏi. Có lẽ sự ủng hộ của bà con đã giúp tôi có thêm sức mạnh”, bà Chinh nhớ lại.
Vượt qua những khó khăn từ vật chất đến tinh thần, những cán bộ Trung tâm TGPL không ngừng trau dồi kiến thức, hoàn thành nhiệm vụ; xác định quan trọng nhất phải là tôn chỉ cung cấp dịch vụ miễn phí cho người được trợ giúp, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, tranh chấp pháp luật, bảo vệ công lý... Cho đến nay, Trung tâm TGPL tỉnh Lào Cai và Giám đốc Trần Thị Chinh đã là địa chỉ tin cậy của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tìm đến nghe lời khuyên, chỉ cách sống và làm việc theo đúng Hiến pháp và pháp luật.
Suốt chặng đường dài gắn bó với nghề TGVPL, từ khi mái tóc xanh nay đã chuyển màu, tiếp xúc với những sự việc, vụ án, gặp những con người, hoàn cảnh cụ thể; hiểu được tâm tư, kỳ vọng của người dân; bà Chinh càng ý thức trách nhiệm nghề nghiệp là phải giúp được càng nhiều yếu thế. “Nâng cao trình độ pháp lý cho bà con nhân dân trong địa bàn là niềm vui cho mỗi ngày đến với cơ quan của tôi”, bà Chinh nói.
Tận tình với từng người được trợ giúp
Hàng chục năm làm việc, tiếp xúc với hàng trăm vụ việc, bà Chinh tâm sự kỷ niệm thì nhiều lắm. Đằng sau mỗi câu chuyện, vụ án là một thân phận, tình tiết khiến bà càng thêm cố gắng đọc, tìm hiểu thêm những tình tiết, hoàn cảnh để có những kiến thức giải pháp tư vấn, bào chữa sự việc; giúp cơ quan chức năng giải quyết sự việc vừa đúng luật, vừa có tính răn đe, lại phải thể hiện được sự thông cảm, bao dung.
Một buổi phổ biến giáo dục pháp luật do Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện tại một xã miền núi Lào Cai. |
Tại Trung tâm TGPL tỉnh Lào Cai, hàng năm mỗi TGVPL thực hiện hàng chục vụ việc thông qua hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng... Bà Chinh kể ấn tượng với một vụ án mua bán trái phép chất ma túy mà bà là người bào chữa cho bị cáo.
Lần đầu tiên gặp bị cáo, nữ TGVPL thấy trong ánh mắt thanh niên trẻ này ngập tràn nỗi hoang mang, sợ hãi. Tiếp xúc hồ sơ, bà nhận thấy bị cáo do nhận thức kém, bị rủ rê lên lần đầu phạm tội. “Nhìn kĩ vào mắt bị cáo, tôi cảm nhận thấy đây là con người vẫn còn hướng thiên lương, nên từ tốn an ủi và kiên nhẫn lắng nghe. Bị cáo vừa khóc vừa cố gắng diễn đạt tất cả những gì mình muốn nói bằng vốn tiếng Kinh ít ỏi”, bà kể.
Sau buổi tiếp xúc đó, bà Chinh thu xếp công việc rồi dành nguyên ngày chạy xe máy về địa phương bị cáo sinh sống. Đó là một xã đặc biệt khó khăn ở huyện Mường Khương. Tìm hiểu từ chính quyền địa phương, tiếp xúc thêm với bà con hàng xóm, bà một lần nữa cho rằng ấn tượng khi tiếp xúc với đối tượng lúc ban đầu là không lầm.
Bà được biết bị cáo là thanh niên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chịu khó với việc nương rẫy, với làng giềng luôn có thái độ hành vi đúng mực. “Chứng kiến cảnh vợ con bị cáo nheo nhóc, hì hụi nấu bữa cơm chiều trong căn nhà sắp sập, lòng tôi trào nên niềm day dứt. Vậy mà chút nông nổi đó đã khiến bị cáo trả giá, mình làm gì đây để giúp cậu ta có cơ hội quay lại làm lại cuộc đời”, bà Chinh kể câu hỏi cứ đeo đẳng tâm trí.
Lần thứ hai vào trại gặp bị cáo, bà Chinh ngồi cả buổi kể về chuyến thăm gia đình, kể về cậu con trai bảy tuổi từ hôm không thấy bố, ngày nào cũng hỏi, kể về người vợ ốm đau phải chạy ăn từng bữa. Tâm sự xong, bà quay qua phân tích, giải thích cho bị cáo về những quyền được pháp luật bảo đảm, giúp bị cáo chuẩn bị tâm lý, bình tĩnh, sáng suốt trong quá trình khai báo, để từ đó có những lời khai chính xác, trung thực.
Sau lần nói chuyện đó, thái độ bị cáo có chiều hướng khác hẳn, không ủ ê như mấy ngày đầu; đã thành khẩn khai báo về hành vi, hợp tác với cơ quan công an, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng kết thúc vụ án.
Ngày phiên xử mở ra, với những phân tích, lập luận, lý lẽ bảo vệ hợp lý, hợp tình, bà Chinh đã đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, qua đó HĐXX đã cân nhắc, xem xét, quyết định xử phạt bị cáo mức án có thời hạn và không áp dụng hình phạt bổ sung; thay vì mức án chung thân như VKS đề nghị.
Nỗ lực cống hiến không ngừng
Hàng chục năm gắn bó với nghề, bà Chinh chia sẻ các TGVPL cũng có nhiều niềm vui khác như khi nhận được cuộc điện thoại cảm ơn của người được trợ giúp, là giỏ hoa do chủ nhân dày công chăm sóc mang tặng, là bịch khoai gia đình vừa thu hoạch, là túi rau vườn nhà. Món quà giản dị nhưng là cả tấm lòng của người gửi cảm ơn các TGVPL đã giúp đỡ.
Cũng không ít lần các TGVPL chạnh lòng khi có nhiều đối tượng được trợ giúp không hiểu hết về quyền lợi của mình, né tránh TGVPL, khiến các tình tiết giảm nhẹ trong vụ án không có ai tìm hiểu phát hiện ra… Nói cách khác, các TGVPL buồn nhất là khi lòng tốt bị từ chối. “Nhưng sau tất cả, những TGVPL như tôi và các đồng nghiệp vẫn luôn cố gắng để đến với những số phận yếu thế, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ, mang lại công bằng cho xã hội”, bà Chinh nói.
Với những nữ TGVPL, ngoài việc chuyên môn, họ còn phải chu toàn việc gia đình với vai trò người vợ, người mẹ. Để giải quyết công việc cần có một sự sắp xếp khoa học và sự đồng cảm, sẻ chia từ gia đình. Bà Chinh cho biết: “Nghề này có khi phải coi vất vả là niềm vui. Nhiều vụ án, tôi và anh chị em trong Trung tâm phải đi làm lúc 2h sáng nhằm theo sát quá trình điều tra truy tố. Cũng may mắn là có chồng và gia đình hiểu, thông cảm cho nghề của mình” .
Bằng những nỗ lực và cống hiến không ngừng, nhiều năm liên tục Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh Lào Cai đã được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở của Sở Tư pháp, được Bộ Tư pháp tặng Bằng khen, UBND tỉnh tặng Bằng khen. Năm 2019, bà Chinh vinh dự được được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác từ năm 2014 đến năm 2018 góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
Gắn bó với Lào Cai núi non trập trùng còn nhiều khó khăn, bà Chinh luôn tâm niệm, hoàn thành tốt công việc cũng chính là góp phần giúp đỡ cho người dân nơi đây, đặc biệt là những người có trình độ hiểu biết hạn chế. Bởi chỉ có nâng cao hiểu biết, nhất là hiểu biết pháp luật, người dân mới có thể tự mình xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Cùng với Giám đốc Trần Thị Chinh, các cán bộ thuộc Trung tâm TGPL tỉnh Lào Cai vẫn đang nỗ lực hết mình trong công tác, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật tại địa phương.