Các trường hợp sẽ được hoàn trả tiền ký quỹ
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất để được thực hiện hoạt động đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp (DN) phải thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại một ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam. Đối với DN giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện thì phải ký quỹ thêm 500 triệu đồng đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.
Số tiền ký quỹ này sẽ được ngân hàng phong tỏa và quản lý trong suốt thời gian hoạt động của DN theo quy định của pháp luật và chỉ được rút, sử dụng theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ LĐ-TB&XH. Sau 30 ngày kể từ ngày tiền ký quỹ được sử dụng, nếu DN dịch vụ không bổ sung đầy đủ tiền ký quỹ theo mức quy định, ngân hàng nhận ký quỹ có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Bộ LĐ-TB&XH.
Bên cạnh đó, theo dự thảo, các trường hợp DN sẽ được hoàn trả tiền ký quỹ bao gồm: DN không nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; DN không được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; DN đã ký quỹ tại tài khoản khác và đề nghị tất toán tài khoản đã ký quỹ trước đó;
DN đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài sau khi nộp lại Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; DN dịch vụ đã được giải thể theo quy định; DN dịch vụ được hoàn trả phần tiền ký quỹ bổ sung khi chấm dứt giao nhiệm vụ cho chi nhánh hoặc chi nhánh chấm dứt hoạt động.
Người lao động thỏa thuận ký quỹ với doanh nghiệp
Về tiền ký quỹ của NLĐ đối với DN dịch vụ, theo dự thảo, DN và NLĐ sẽ thỏa thuận về việc ký quỹ, trong đó khoản tiền ký quỹ không quá mức trần quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và phải được ghi rõ trong Hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. NLĐ, DN dịch vụ và ngân hàng thỏa thuận ký kết hợp đồng ký quỹ để thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Theo dự thảo, tiền ký quỹ của NLĐ được sử dụng để bù đắp thiệt hại gây ra đối với DN dịch vụ phát sinh do NLĐ vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. DN dịch vụ và NLĐ (hoặc người được NLĐ ủy quyền) thỏa thuận thống nhất về mức bù đắp thiệt hại của NLĐ và ghi trong văn bản thanh lý hợp đồng.
Trường hợp DN dịch vụ và NLĐ (hoặc người được NLĐ ủy quyền) không đạt được thỏa thuận theo quy định tại khoản 2 Điều này thì NLĐ có quyền kiến nghị đến Bộ LĐ-TB&XH để được giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.
NLĐ sẽ được hoàn tiền ký quỹ bao gồm các trường hợp: NLĐ hoàn thành hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; NLĐ chấm dứt hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trước thời hạn nhưng không gây thiệt hại cho DN; NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
NLĐ đã nộp tiền ký quỹ nhưng DN không đưa được NLĐ đi hoặc sau thời hạn DN cam kết với NLĐ về thời gian chờ sau khi NLĐ trúng tuyển, DN chưa đưa được NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và NLĐ không còn nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; tiền ký quỹ của NLĐ còn thừa sau khi đã bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của NLĐ trong thời gian thực hiện hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã ký với DN; các trường hợp khác mà NLĐ không gây thiệt hại cho DN.
Ngoài ra, đối với đơn vị sự nghiệp thì NLĐ thỏa thuận về việc ký quỹ phù hợp với thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tài sản ký quỹ do hai bên thỏa thuận nhưng giá trị tại thời điểm ký quỹ không vượt quá mức trần tiền ký quỹ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.