Vì một hệ thống pháp luật đồng bộ, dễ tiếp cận
Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua, Bộ đã cùng với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, giúp Chính phủ triển khai công tác cải cách thể chế bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tất cả vì mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, dựa trên hệ thống chính sách đã được hoạch định trong từng lĩnh vực phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2021, đất nước ta phải tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh chung đó, Bộ Tư pháp cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần bám sát Văn kiện của Đại hội XIII của Đảng; các Kết luận mới đây của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), cải cách hành chính và hợp tác quốc tế về pháp luật; cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 để tiếp tục thực hiện tập trung các nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách thể chế.
Cụ thể, trên cơ sở phân công của Chính phủ, các bộ, ngành tập trung chuẩn bị nội dung liên quan để xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Tham mưu giúp Chính phủ, chính quyền địa phương hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, trong đó, đặc biệt là phối hợp với Bộ Tư pháp tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội Nghị quyết/Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tế, đang gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.
Chủ động nắm bắt, kịp thời phản ứng chính sách đối với những vấn đề pháp lý đặt ra từ thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương, trong đó có các giải pháp về thể chế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế từ tác động do dịch COVID-19 gây ra.
Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó chú trọng đến khâu lập đề nghị xây dựng VBQPPL và thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương về công tác xây dựng pháp luật, tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, đặc biệt là đối với ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp.
Kịp thời xử lý trách nhiệm ban hành văn bản trái pháp luật
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cũng cần triển khai thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 7/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các VBQPPL cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới (gồm: 16 luật, 12 nghị định, 4 văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành); kịp thời đề xuất sửa đổi hoặc ban hành theo thẩm quyền những văn bản cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trên cơ sở kết quả rà soát văn bản, nhất là kết quả rà soát do Tổ công tác về rà soát VBQPPL của Thủ tướng Chính phủ thực hiện trong các năm 2020, 2021, để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; tiếp tục quan tâm, kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật.
Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác PBGDPL, đề cao ý thức chấp hành pháp luật và thượng tôn pháp luật; ưu tiên nguồn lực tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Đặc biệt, theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lần đầu tiên có Phó Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương. Vì vậy, các địa phương cũng cần tập trung kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện với một lãnh đạo UBND cùng cấp làm Chủ tịch Hội đồng.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018-2022. Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm tra VBQPPL; tập trung vào các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, lĩnh vực được xác định là trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và lĩnh vực trọng tâm liên ngành năm 2021 về quản lý, sử dụng đất đai, rừng, về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy.
Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế. Tiếp tục tập trung và bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và kinh phí cho công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, PBGDPL và theo dõi thi hành pháp luật.