Phát triển hài hòa mọi lĩnh vực
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Trong đó có nhiệm vụ đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập…
Cùng với sáu nhiệm vụ trọng tâm, một trong ba đột phá chiến lược mà Nghị quyết đưa ra là “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN... Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế...”.
So với chủ trương về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết Đại hội XIII đã nhấn mạnh và đòi hỏi những đột phá có bước phát triển về chất.
“Nếu ở giai đoạn trước, chúng ta chú trọng về mặt số lượng thì giai đoạn 2021-2030, chúng ta chú ý về chất lượng của hệ thống pháp luật. Điều này không chỉ tạo ra tiền đề để thực hiện các vấn đề ổn định kinh tế và cơ cấu nền kinh tế mà còn nâng cao chất lượng thể chế, nhằm giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội” - ông Lưu Bình Nhưỡng nhận định.
Để thực hiện được chủ trương này, theo ông Nhưỡng, điều quan trọng nhất không phải việc chúng ta sản xuất ra luật gì mà phải rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật, để xem về mặt số lượng chúng ta đã ban hành đầy đủ chưa, chất lượng của các đạo luật, các pháp lệnh… có đồng bộ, còn sai sót vấn đề gì? Ông Nhưỡng cho rằng, thể chế của kinh tế thị trường bao gồm thể chế chính trị và thể chế pháp lý. Thể chế chính trị là các chủ trương, quan điểm, đường lối về nền kinh tế thị trường. Cụ thể là các văn kiện, nghị quyết, kết luận… của Đảng. Do đó, chúng ta cũng phải rà soát hệ thống các văn bản này còn thiếu và cần bổ sung, “nâng cấp” hay không?
Ngoài ra, muốn đảm bảo cho kinh tế thị trường phát triển, chúng ta không chỉ xây dựng các đạo luật về kinh tế, mà những vấn đề thuộc về hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc cũng phải đầy đủ, nhằm đảm bảo cho pháp luật về giải quyết mối quan hệ kinh tế đồng bộ với việc giải quyết các vấn đề xã hội.
Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp, phải giải quyết được ba vấn đề là nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong lĩnh vực công nghiệp phải xem xét vấn đề công đoàn ra sao, người nước ngoài tham gia công đoàn được không, chất lượng cuộc sống của công nhân có được nâng cao?...
Việc cơ quan chức năng xử lý những vấn đề vi phạm pháp luật, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã bảo đảm cho công tác tư pháp thực sự là “hộ pháp của nền kinh tế” hay chưa? Hay đơn giản chúng ta giám sát việc thi hành pháp luật có rút ra được những bài học gì, có đưa ra những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật không?...
Ban hành Luật cần đảm bảo đồng bộ, phù hợp cơ chế của thị trường
Vấn đề thứ hai mà ông Nhưỡng đề cập là rà soát trong các quy định của pháp luật hiện hành, vấn đề bức xúc nhất hiện nay là gì, từ đó bàn hướng sửa đổi, hoàn thiện. Theo đó, để hoàn thiện thể chế, trước hết phải tìm ra những vướng mắc, khó khăn của Luật Quy hoạch hiện nay, vì Luật Quy hoạch như một “nhạc trưởng”, nếu Luật này ban hành mà không đảm bảo chất lượng của quy hoạch, quy hoạch không thể dẫn đường, vẫn lúng túng giữa địa phương và trung ương, giữa quy hoạch giai đoạn trước và giai đoạn sau thì không thể thực hiện tốt chủ trương, đường lối Đảng đã ban hành.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc ban hành những văn bản pháp luật mới, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, đuổi kịp với cơ chế của thị trường. Chẳng hạn, trong giai đoạn mới, Việt Nam rất cần những văn bản luật về chuyển đổi số, Chính phủ số, luật về hành chính công, dịch vụ công,… Đặc biệt, làm thế nào để chúng ta sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức Chính phủ, tổ chức chính quyền địa phương, cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền để nâng cao công tác phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, chúng ta cũng phải rà soát lại toàn bộ hệ thống các điều ước, các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chẳng hạn như vấn đề về thương mại quốc tế, tập quán quốc tế liên quan đến hàng hải, hàng không; về xuất xứ hàng hóa, vấn đề khởi kiện liên quan đến thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ… Theo ông Nhưỡng, những vấn đề này, Nhà nước phải dẫn dắt, nghiên cứu và bổ sung; do vậy tầm nhìn của chúng ta phải dài hơn.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa mang tính chất đòn bẩy, là tiếp tục nâng tầm chất lượng các luật về tổ chức bộ máy, về cán bộ. “Chất lượng các đạo luật cao hơn thì chất lượng cán bộ không thể giữ nguyên được, đòi hỏi cán bộ phải có ý thức pháp luật cao hơn, có trình độ, kỹ năng tốt hơn, tầm nhìn rộng hơn mới có thể đáp ứng những đòi hỏi của nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới… Tất cả những vấn đề này đều nằm trong nội hàm của việc nâng cao chất lượng thể chế trong giai đoạn tới mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề cập” - ông Nhưỡng nói.