Khu vực phức tạp về lấn chiếm đất
Ông Trần Huy Kiên, Trưởng Ban Tiếp công dân TP thông tin, thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn phường Đổng Quốc Bình, UBND quận Ngô Quyền ra quyết định thu hồi đất, thông báo thu hồi đất, quyết định buộc khôi phục tình trạng ban đầu với các hộ dân có hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường bộ, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuỷ lợi với hàng trăm hộ dân thuộc đối tượng phải thu hồi đất trên địa bàn các phường Lạch Tray, Đằng Giang.
Sau khi quận có các thông báo thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất, có tới 30 đơn khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất gửi tới UBND TP.
Ông Kiên nêu rõ, các đơn khiếu nại về quyết định thu hồi đất tập trung tại 7 nhóm vấn đề về xác định nguồn gốc đất, đề nghị được bồi thường đất ở; nghĩa vụ tài chính trong việc giao, cấp đất tái định cư, các biên bản vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, quyết định buộc khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra…
Ông Chu Thanh Lương, Phó GĐ Sở TN&MT nêu rõ, những hộ dân có khiếu nại đều liên quan việc sử dụng đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản thuộc quyền quản lý của HTX Đông Xuân hoặc lấn chiếm sử dụng đất hành lang an toàn giao thông QL5 kéo dài; có hộ lại lấn chiếm, sử dụng đất bảo vệ công trình thuỷ lợi mương An Kim Hải làm đất ở.
Với những diện tích đủ điều kiện bồi thường về đất ở, dù sử dụng trước năm 1993 nhưng do có nguồn gốc từ đất nông nghiệp, người sử dụng đất vẫn phải thực hiện, nộp ngân sách 50% nghĩa vụ tài chính khi tính toán bồi thường, giao đất tái định cư.
Với diện tích các hộ dân tự lấn chiếm, sử dụng là đất hành lang an toàn giao thông QL5, đất hành lang công trình thuỷ lợi mương An Kim Hải; sẽ không được hỗ trợ, bồi thường, phải thực hiện quyết định buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, bàn giao lại diện tích đất này cho Nhà nước.
Ông Lê Chưởng, Phó Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền đối thoại với các hộ dân, việc xác định nguồn gốc đất của các hộ được quận căn cứ bản đồ, sổ mục kê, những tài liệu đất đai được lưu giữ tại UBND các phường. Theo đó, các diện tích đất này được ghi nhận là đất hoang, đất thuỷ lợi, đất hành lang an toàn giao thông đường bộ, không có tài sản trên đất.
Ông Chưởng làm rõ thêm, giai đoạn 1994 - 1998, quận đã cưỡng chế, giải toả hành vi lấn chiếm đất hành lang an toàn giao thông QL, hành lang bảo vệ kênh thuỷ lợi An Kim Hải. Từ 2006, một số hộ dân đã tái lấn chiếm, làm nhà trên diện tích đất này. Đến nay, quận căn cứ báo cáo nguồn gốc đất, bản đồ, sổ mục kê, phiếu lấy ý kiến khu dân cư để xác định nguồn gốc đất, xác định hành lang lấn chiếm, sử dụng đất trái pháp luật của các hộ dân liên quan. Do hết thời hạn xử phạt vi phạm hành chính, quận chỉ ra quyết định buộc khắc phục hậu quả vi phạm hành chính, yêu cầu các hộ vi phạm tự tháo dỡ công trình trên đất lấn chiếm, trả lại đất cho Nhà nước.
Khởi kiện ra toà sẽ minh bạch
Tại buổi đối thoại, hộ ông Nguyễn Văn Thể (số 26 Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho rằng, gia đình sử dụng nhà ở ổn định từ 1991. Những năm trước, khi TP lấy đất làm QL5 (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) gia đình đủ điều kiện được cấp tái định cư nhưng không nhận đất tái định cư. Đến nay, gia đình bị thu hồi đất, với phần diện tích được bồi thường vẫn phải nộp tiền sử dụng đất là chưa thoả đáng…
Đại diện các hộ dân tham gia đối thoại. |
Phó GĐ Sở TN&MT đối thoại, cho rằng diện tích đất hộ ông Thể sử dụng do chuyển nhượng nhà đất từ người khác. Mảnh đất này ban đầu hơn 161m2, Nhà nước thu hồi hơn 116m2 làm QL5. Diện tích còn lại hơn 45m2, diện tích thực tế đang sử dụng hơn 75m2, trong đó có đất công trình thuỷ lợi mương An Kim Hải. Với diện tích đất ở, đủ điều kiện bồi thường về đất, có nguồn gốc đất hồ cá, nuôi trồng thuỷ sản nên dù sử dụng trước 1990 vẫn bị xác định có vi phạm, vẫn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được giao đất tái định cư. Diện tích đất lấn chiếm công trình thuỷ lợi không được đền bù, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; chủ sử dụng đất phải thực hiện quyết định buộc khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình vi phạm trên đất.
Đối thoại với các hộ dân, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nêu rõ, Ban Đền bù giải phóng mặt bằng UBND quận Ngô Quyền căn cứ các quy định pháp luật về đất đai, sổ mục kê, bản đồ địa chính qua các thời kỳ, lấy ý kiến cộng đồng dân cư để xác định nguồn gốc đất. Bên cạnh đó, TP cũng thành lập Tổ công tác rà soát, giám sát UBND quận Ngô Quyền thực hiện đúng quy định về bồi thường, thu hồi đất. Việc xác định nguồn gốc đất cho các hộ rõ ràng, khách quan, đúng pháp luật.
Ông Tùng nhấn mạnh, tại khu vực, nhiều trường hợp một mảnh đất có tới 3 vi phạm về quản lý, sử dụng đất nên quận Ngô Quyền lập các biên bản vi phạm hành chính, quyết định buộc khắc phục hậu quả… là phù hợp quy định pháp luật.
Tại buổi đối thoại, ông Tùng cũng nêu rõ, khiếu nại chính của các hộ dân là xác định nguồn gốc đất. Để đảm bảo quyền, lợi ích họp pháp, các hộ dân tiếp tục cung cấp các tài liệu liên quan nguồn gốc đất để các ngành chức năng, quận Ngô Quyền tiếp tục xem xét, giải quyết.
Ông Tùng cũng đề nghị các hộ dân nếu chưa nhất trí với kết quả giải quyết khiếu nại, có thể khởi kiện các quyết định phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, quyết định buộc khôi phục lại hiện trạng… ra Toà án để xem xét giải quyết, xem xét minh bạch các quyết định của các cấp chính quyền.
Ông Tùng cũng yêu cầu UBND quận Ngô Quyền và các ngành chức năng cần xác định rõ khu vực, vị trí dự kiến giao đất tái định cư cho các hộ dân trong diện được đền bù, tái định cư; yêu cầu UBND quận sau khi rà soát, vận động, các hộ dân không tự nguyện bàn giao mặt bằng, tự nguyện nhận bồi thường về đất và tài sản trên đất, phải xây dựng kế hoạch cưỡng chế để thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, cưỡng chế thực hiện quyết định buộc khắc phục hậu quả.