Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Đồng chí Phạm Hùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam

Ngày 10/6, tại tỉnh Vĩnh Long, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Phạm Hùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Tham dự và chủ trì hội thảo có đồng chí GS - TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Bùi Văn Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long.

Cùng dự có Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các ban, ngành trực thuộc của tỉnh Vĩnh Long; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành gắn liền với hoạt động của đồng chí Phạm Hùng; đại diện thân nhân gia đình đồng chí Phạm Hùng, cùng các đại biểu, nhà khoa học ở trung ương và địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội thảo khoa học.

Hội thảo là một hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng (11/6/1912 - 11/6/2022), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương người cộng sản trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đây cũng là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long.

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được gần 40 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các cơ quan và các nhà khoa học ở các ban, bộ, ngành: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Quốc hội, tỉnh Vĩnh Long - quê hương của đồng chí Phạm Hùng, TP Hồ Chí Minh, Quân khu 9, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Tây Ninh, các địa phương đồng chí Phạm Hùng từng hoạt động cách mạng.

Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn hội thảo, đồng chí GS - TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định đồng chí Phạm Hùng là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí gắn liền với những trang sử hào hùng và những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam.

“Từ một thanh niên yêu nước chân chính, đồng chí Phạm Hùng đã đến với chủ nghĩa cộng sản và trở thành người đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên. Tôi luyện trong thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng đầy gian khổ hy sinh, đồng chí Phạm Hùng đã trở thành người cộng sản kiên trung, mẫu mực”, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, nhấn mạnh.

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn hội thảo.

Với tài năng, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, kiên định, nhiệt tình cách mạng cháy bỏng, bản lĩnh, nghị lực phi thường và với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, đồng chí Phạm Hùng đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao, đảm nhận nhiều trọng trách, dù ở cương vị nào, dù khó khăn gian khổ đến đâu, đồng chí vẫn luôn sẵn sàng đứng ở “đầu sóng, ngọn gió” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cuộc đời 76 mùa Xuân, với 60 năm hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ, đồng chí Phạm Hùng đã nêu tấm gương trong sáng, mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản. Thực tiễn đấu tranh cách mạng đã tôi luyện đồng chí thành “con người thép, con người huyền thoại”, phấn đấu hy sinh vì nước vì dân cho đến những phút cuối cùng của cuộc đời.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hùng là hình ảnh mẫu mực về lý tưởng sống, về tinh thần phụng sự tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đồng chí là tấm gương về tinh thần kỷ luật, kỷ cương, luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ do tổ chức phân công, người cán bộ lãnh đạo luôn sâu sát thực tiễn, gắn bó mật thiết và không ngừng chăm lo đời sống cho nhân dân…

Đồng chí Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, phát biểu chào mừng hội thảo.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long, đồng chí Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, có bài phát biểu chào mừng hội thảo. Trong suốt 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Hùng đã đi đến mọi miền của Tổ quốc, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất. Đồng chí đã tỏ rõ phẩm chất của một người chiến sĩ cách mạng kiên cường, một cán bộ lãnh đạo gương mẫu, giàu nghị lực và bản lĩnh, tấm gương sáng ngời của người cộng sản, sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa với đồng chí, đồng bào, được nhân dân ta và bạn bè quốc tế tin yêu và kính trọng.

“Tình cảm của đồng chí Phạm Hùng với quê hương Vĩnh Long và tình cảm của quê hương Vĩnh Long với đồng chí Phạm Hùng thật sâu đậm, gắn bó... Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long luôn tự hào về đồng chí Phạm Hùng - Anh Hai Hùng, người chiến sĩ dạ sắt, gan vàng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương”, đồng chí Bùi Văn Nghiêm, bày tỏ.

Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, trình bày tham luận tại hội thảo.

Các tham luận tại hội thảo đều đi đến thống nhất khẳng định, đồng chí Phạm Hùng là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tinh thần, bản lĩnh, phẩm chất người cộng sản của đồng chí Phạm Hùng là tài sản vô giá của Đảng và cách mạng Việt Nam, có giá trị trường tồn, sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.

Hội thảo cũng tập trung luận giải và làm rõ đồng chí Phạm Hùng là người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long và vùng đất Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc. Truyền thống tốt đẹp của quê hương, của dân tộc là môi trường nuôi dưỡng và góp phần hun đúc nên biết bao người con ưu tú của vùng đất “Chín Rồng”, trong đó có đồng chí Phạm Hùng - một nhân cách lớn, một người cộng sản kiên trung, tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Và chính đồng chí Phạm Hùng, với tài năng và nhân cách ngời sáng của mình, đã để lại dấu ấn sâu đậm cho sự phát triển của phong trào cách mạng địa phương, nguồn động lực để Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long phấn đấu giành được những thành quả to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước qua các thời kỳ cách mạng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Long mãi mãi tự hào, tri ân sâu sắc những đóng góp của đồng chí với quê hương, đất nước; ra sức học tập và noi theo tấm gương sáng ngời, mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản Phạm Hùng, xây dựng và phát triển quê hương Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.

Trong 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Hùng có nhiều năm trực tiếp lãnh đạo lực lượng CAND; Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc (cuối năm 1945, đầu năm 1946); Bí thư Xứ ủy lâm thời, kiêm Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ (1946 - 1951), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an (1980 - 1986).

Tham luận tại hội thảo, Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định với tư duy lãnh đạo sắc bén, tầm nhìn chiến lược, đồng chí Phạm Hùng đã quan tâm “Xây dựng lực lượng CAND thành một lực lượng vũ trang và tiến công sắc bén, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, có trình độ khoa học khá, được trang bị chuyên môn cần thiết, có lực lượng bán chuyên trách vững mạnh, có cơ sở quần chúng rộng khắp”.

Sự trưởng thành của lực lượng in đậm công lao to lớn của đồng chí Phạm Hùng trong xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh. Đồng chí Phạm Hùng xác định lực lượng Công an phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng. Trong chỉ đạo xây dựng lực lượng CAND, đồng chí Phạm Hùng rất chú trọng và phát triển quan điểm “Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1950, với vị trí là Trưởng đoàn đại biểu Công an Nam Bộ dự hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5, đồng chí Phạm Hùng đã trình bày dự thảo “Đề án CAND Việt Nam”. Đề án được thông qua, đặt nền móng xây dựng lực lượng CAND Việt Nam sau này.

Người có công to lớn đưa phong trào học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy đi vào thực tiễn công tác của lực lượng CAND là đồng chí Phạm Hùng. Đặc biệt, ngày 25/5/1983, đồng chí đã ký Chỉ thị số 04/CT-BNV, nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa sâu sắc hàm chứa trong Sáu điều dạy của Bác Hồ, đồng thời yêu cầu: “Phong trào phải làm cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa, nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy, biến những điều dạy đó thành nếp sống, công tác và chiến đấu hằng ngày trong các lực lượng CAND”.

Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo.

Phong trào thi đua thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy đã thực sự trở thành động lực cho công tác, chiến đấu và là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng CAND. Với quan điểm “Phải xây dựng lực lượng CAND vững mạnh về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, có khoa học kỹ thuật khá, có trang bị chuyên môn cần thiết. Đó chính là con đường CAND tiến lên chính quy và hiện đại”, Bộ trưởng Phạm Hùng luôn quan tâm, dành nhiều tâm sức cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và cán bộ của lực lượng Công an nói riêng.

Đồng chí Phạm Hùng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về trí tuệ, tài năng, tầm nhìn chiến lược và đạo đức cách mạng. Đồng chí đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân, cho sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc. Bằng tư duy khoa học và sáng tạo, đồng chí Phạm Hùng đã lãnh đạo xây dựng lực lượng Công an tuyệt đối trung thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân.

Quan điểm, tư tưởng lớn của đồng chí Phạm Hùng về CAND đã, đang và sẽ tiếp nối qua Nghị quyết XII của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Noi gương đồng chí Phạm Hùng, lực lượng CAND nguyện tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trong bất cứ tình huống nào, khó khăn thử thách đến đâu, lực lượng CAND bảo vệ tuyệt đối an ninh tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tổng kết hội thảo.

Tổng kết hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn những hoạt động, cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Hùng, với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long.

“Chúng ta càng nhận thức sâu sắc vinh dự, trách nhiệm của thế hệ ngày nay đối với công lao, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối, cùng nỗ lực đẩy mạnh việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao”, đồng chí Phan Xuân Thủy, chia sẻ.

Đồng chí Phạm Hùng, tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 4/1931, đồng chí bị địch bắt, sau đó bị giam tại xà lim án chém ở Khám Lớn - Sài Gòn, rồi bị đày ra nhà tù Côn Đảo.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí được đón về đất liền. Năm 1946, đồng chí Phạm Hùng được cử là Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ. Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1952, đồng chí được chỉ định làm Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Phân Liên khu Đông Nam Bộ.

Năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ và Trưởng phái đoàn liên lạc Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế tại Sài Gòn. Năm 1956, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương. Năm 1957, đồng chí được cử là chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Tháng 4/1958, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa I, đồng chí là Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1967, đồng chí được Bộ Chính trị phân công vào chiến trường miền Nam, làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Năm 1975, là Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Năm 1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ (từ năm 1981 là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Từ năm 1980-1986, đồng chí kiêm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII (6-1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, VI, VII, VIII. Đồng chí Phạm Hùng mất ngày 10/3/1988 khi đang đi công tác tại TP Hồ Chí Minh.

Tin cùng chuyên mục

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần nghiên cứu để quy định rõ việc xử lý trong trường hợp khoáng sản đó gồm nhiều loại khoáng sản khác nhau. (Ảnh: Quochoi.vn)

Cần quy định rõ “kinh tế hóa” ngành tài nguyên, khoáng sản

(PLVN) - Cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản tại phiên họp vừa diễn ra, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Đọc thêm

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

Báo cáo Nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về thực tế tại Việt Nam

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - "Báo cáo Nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4/2024 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam".

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp: Bảo đảm xây dựng nền công nghiệp quốc phòng chủ động, lưỡng dụng

Đại tướng Phan Văn Giang tham quan Nhà máy Z131 (Tổng cục CNQP). (Ảnh: Lam Hạnh)
(PLVN) - Mới đây Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện biên chế

Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đánh giá kết quả đạt được và hạn chế, đồng thời xác định một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2026. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Hôm qua (24/4), tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng đã diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế (Phiên họp thứ 3). Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế Trương Thị Mai chủ trì Hội nghị.

Cần xây dựng lộ trình kiểm soát giá

Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Hằng)
(PLVN) - Ngày 24/4, khi chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý I/2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành cần xây dựng lộ trình tăng giá các mặt hàng dịch vụ một cách hợp lý, nhịp nhàng.

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'
Sáng 24/4, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Lễ xuất quân hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" với chuỗi các hoạt động thăm, tặng quà, tri ân các gia đình cựu chiến sĩ Điện Biên, các thương - bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), trang El Popular của Đảng Cộng sản Uruguay và tờ Resumen Latinoamericano của Argentina đã đăng bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Argentina Ngô Minh Nguyệt, trong đó khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị: tạo đà cho những bước tiến xa. Kỳ 3: Cần khung khổ pháp lý mới để hiện thực hóa mục tiêu đường sắt đô thị

Dự án tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vừa hoàn thành tuần thứ tư của giai đoạn vận hành thử nghiệm. (Ảnh: Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội)
(PLVN) - Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035 là khả thi nếu có tư duy mới, thực sự đột phá cùng một khung khổ pháp lý mới, “may đo” riêng cho 2 TP tiệm cận với cơ chế phổ biến của các nước đã phát triển thành công hệ thống đường sắt đô thị.