Từ một cựu binh trở về sau chiến tranh, ông Nguyễn Hữu Đường đã từng lặn lộn nhiều công việc để mưu sinh. Tên tuổi của ông đã gắn với nhiều lĩnh vực kinh doanh như bia, đồ uống, bất động sản, bán lẻ, sản xuất thép … Những năm gần đây, ông thực sự “ghi dấu ấn” của mình trong lĩnh vực du lịch với việc tạo ra rất nhiều biểu tượng độc nhất vô nhị, gây ấn tượng sâu sắc như Dự án Danang Golden Bay có bể bơi vô cực dát vàng, Hanoi Golden Lake - dự án duy nhất trên thế giới “dát vàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài”, Dự án Hội An Golden Sea - căn hộ dát vàng dưới đáy biển…
Đặc biệt, ít ai biết được vị đại gia sinh năm 1954 này đã và đang ấp ủ tham vọng giúp đỡ doanh nghiệp Việt tăng sức cạnh tranh, chống lại “cơn lũ” hàng ngoại đang nhấn chìm thị trường trong nước. Tham vọng này được thể hiện rõ nhất qua Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại (TTTM), Outlet, nhà ở thương mại xã hội Hòa Bình tại Hà Nội và trải rộng đến 62 tỉnh, thành của đất nước.
Điều đặc biệt của dự án này nằm ở chỗ, các đơn vị, doanh nghiệp Việt được miễn phí tiền thuê mặt bằng, miễn là họ bán hàng Việt phục vụ cho người Việt.
Dự án này đã từng được hiện thực hóa vào năm 2015, khi công ty Hòa Bình dành 25.000 m2 sàn tại TTTM Hòa Bình ở 505 - Minh Khai, Hà Nội, miễn phí cho các doanh nghiệp trong nước làm nơi giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm của mình. Giá trị mặt bằng miễn phí từ năm 2015 đến nay là 1.253 tỷ đồng. Việc miễn phí thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp đã đem lại hiệu quả cao, giá bán rẻ hơn so với các TTTM khác tới 30%.
Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình. |
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng sản giao dịch này, ông nói: "Không thể để người tiêu dùng Việt Nam phải mua hàng hóa ngoại nhập với giá cao, không thể để hàng chục ngàn doanh nghiệp chết yểu khi cạnh tranh với hàng ngoại, không thể để nông dân sản xuất ra sản phẩm không có nơi bán hàng”.
Trong một bài phỏng vấn, ông Nguyễn Hữu Đường từng chia sẻ: “Chúng tôi là một công ty thương binh, là những người lính đã trở về sau chiến tranh, tức là 40 năm chiến tranh đã lùi xa, nhưng mà trước tình hình càng ngày các doanh nghiệp của mình càng gặp khó khăn, vấn đề tiêu thụ hàng hóa, không có chỗ tiêu thụ được hàng hóa, dẫn đến phải đóng cửa, ngừng hoạt động, phá sản, thất nghiệp. Đấy là cái việc mà để làm thế nào giúp cho các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa của mình”.
Trong khi đó, hầu như tất cả các trung tâm thương mại lớn trên cả nước đều do các doanh nghiệp nước ngoài quản lý. Ví dụ như ở Hà Nội, Aeon thì của Nhật, BigC thì của Pháp, Metro thì bây giờ Thái Lan mua, Lotte thì của Hàn Quốc.
Theo ông quan niệm: Ai là người nắm được hệ thống thương mại thì người đó sẽ điều tiết được sản xuất và quyết định bán hàng hóa có nguồn gốc từ đâu. Khi mà chúng ta không nắm được hệ thống thương mại trong tay thì không thể điều tiết được hệ thống hàng hóa của mình.
Nói là làm, ông đã lên kế hoạch, lập Đề án Đầu tư, phát triển hệ thống trung tâm tiêu thụ sản phẩm hàng hóa quốc nội miễn phí thuê mặt bằng, với tham vọng sẽ xây dựng 63 trung tâm thương mại miễn phí thuê mặt bằng trên khắp cả nước nhằm thúc đẩy việc bán hàng hóa, sản phẩm và phát triển du lịch.
Theo dự án, trung tâm thương mại, Outlet V+ khi hoàn thành sẽ có hơn 300.000 m2 sàn thương mại đáp ứng hơn 10.000 gian hàng; hơn 100.000 m2 diện tích hậu cần kho bãi; 2,5 ha dành riêng cho khu làng nghề; 1 ha dành cho khu vực lễ hội; 3,5 ha là khu các cảnh quan - di tích nổi tiếng thế giới dát vàng, cùng với nhiều tiện ích khác, có thể phục vụ khoảng 500.000 khách/ngày.
"Đây sẽ là trung tâm bán buôn lớn nhất Việt Nam, giá rẻ nhất thế giới với các loại hàng hóa, mỹ phẩm, điện máy, điện tử, nội thất, gia dụng… của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Khi đi vào hoạt động, dự kiến, Trung tâm thương mại, Outlet V+ sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng/ngày, tiền thuế mà Hà Nội thu được khoảng 50 tỷ đồng/ngày (18.250 tỷ đồng/năm), tạo ra khoảng 15.000 - 20.000 việc làm. Qua đó, sẽ hình thành một hệ sinh thái hàng trăm doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất phục vụ “siêu siêu thị” này hoạt động. Chưa kể, hàng chục ngàn thương hiệu, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là đối tác cung cấp hàng tại đây." - Ông cho biết.
Tác động và hiệu quả lớn nhất của Dự án, theo ông, là thúc đẩy mạnh mẽ khách du lịch vào Việt Nam. Hàng hóa rẻ hơn các nơi khác 30 - 50% (do các thương hiệu được miễn phí thuê mặt bằng, chỉ phải trả chi phí điện nước, vận hành…), Trung tâm thương mại, Outlet V+ sẽ thu hút hàng triệu khách quốc tế vào Việt Nam du lịch, mua sắm, đồng thời sẽ có hàng trăm triệu người Việt đến Trung tâm thương mại, Outlet V+ mỗi năm.
Ngoài việc tạo ra một thủ phủ bán buôn, bán lẻ thúc đẩy tiêu thụ, sản xuất hàng hóa cho doanh nghiệp, Trung tâm thương mại, Outlet V+ được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy mới giúp các doanh nghiệp Việt có động lực cạnh tranh, giành lại thị phần từ các đối thủ nước ngoài; đồng thời, phá thế độc quyền, giành lại huyết mạch tiêu thụ hàng hóa trong tay các nhà bán lẻ đang khống chế thị trường.
Theo ông, nếu kế hoạch này được thực hiện, sẽ thúc đẩy việc bán hàng hóa, sản phẩm và phát triển du lịch mạnh mẽ. Các doanh nghiệp Việt sẽ hưởng lợi từ việc bán hàng cho người dân và khách du lịch, còn khách du lịch có thể thỏa sức mua sắm tại các trung tâm thương mại với nhiều thương hiệu đẳng cấp.
Tuy nhiên, khát vọng của ông trong dự án Oulet V+ đang gặp phải rất nhiều khó khăn vì vướng nhiều cơ chế, chính sách.
"Một dự án kinh tế mang lại công ăn việc làm cho hàng vạn người, mang lại lợi nhuận to lớn cho Hà Nội và quan trọng hơn nữa là hoàn toàn do doanh nghiệp tự bỏ vốn cần được tạo điều kiện tối đa để thực hiện dự án. Hi vọng các cấp chính quyền thành phố sẽ có những quyết sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển." ông đề đạt nguyện vọng!/.