Nhiều nhà thầu chưa chú trọng vấn đề bảo hiểm
Bộ Tài chính cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật trước đây đều quy định bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba (BHBT3) là bảo hiểm (BH) bắt buộc và giao Bộ Tài chính hướng dẫn quy tắc, điều khoản, biểu phí.
Tuy nhiên, BHBT3 theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Xây dựng năm 2014 và nghị định (NĐ) 119 không phải là loại hình BH bắt buộc và Bộ Tài chính không ban hành quy tắc, điều khoản, biểu phí BH mà giao cho các doanh nghiệp BH được chủ động triển khai và nhiều nhà thầu chưa chú trọng. Trong khi BHBT3 là rất cần thiết vì hoạt động đầu tư xây dựng có ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và tính mạng, sức khỏe của bên thứ ba trong quá trình thực hiện các công việc thi công xây dựng công trình.
Từ thực tế trên, Bộ Tài chính cho rằng, cần bổ sung quy định pháp luật hướng dẫn về BHBT3 trong hoạt động đầu tư xây dựng; có hướng dẫn chi tiết về điều kiện BH, phí BH, số tiền BH tối thiểu để làm cơ sở pháp lý đồng bộ và tạo thuận lợi cho việc thực hiện BH bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, liên quan đến loại trừ BH trong hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ Tài chính cho biết, về cơ bản đã được quy định tại khoản 2 Điều 6 NĐ 119. Tuy nhiên, do thực tế hoạt động nhận/nhượng tái BH phát sinh một số loại trừ theo thông lệ quốc tế mà không thể xếp được vào danh mục các loại trừ theo quy định hiện tại, trong khi theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Kinh doanh BH, các bên tham gia BH có thể thỏa thuận áp dụng tập quán quốc tế, nếu tập quán đó không trái với pháp luật Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng NĐ sửa đổi sẽ tạo cơ sở pháp lý minh bạch, góp phần huy động nguồn lực từ thị trường BH để bảo vệ cho bên thứ ba trong quá trình thi công xây dựng, đảm bảo khôi phục bồi thường nhanh chóng, đầy đủ để hoạt động xây dựng được thông suốt, tạo sự yên tâm cho các chủ đầu tư, nhà thầu thi công trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Đề xuất sửa đổi như nào?
Tại dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 119, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 Điều 3 như sau: “Đối với BH đối với người lao động thi công trên công trường, BHBT3: Phí BH được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh”.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4: “3. Nhà thầu thi công xây dựng phải mua BH cho NLĐ thi công trên công trường và BHBT3”.
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung, thời hạn BHBT3 là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu thi công xây dựng công trình đến khi kết thúc thời hạn bảo hành công trình căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng BH.
Doanh nghiệp BH thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng công trình thuộc phạm vi trách nhiệm BH và thỏa thuận tại hợp đồng BH.
Đối với BHBT3, Bộ Tài chính đề xuất, số tiền BH tối thiểu đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là 100 triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.
Còn số tiền BH tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản được xác định như sau: Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng, số tiền BH tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn BH và không giới hạn số vụ tổn thất; đối với công trình có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên, số tiền BH tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản là 100 tỷ đồng cho cả thời hạn BH và không giới hạn số vụ tổn thất”.