Vào thời khắc Giao Thừa hay sáng mùng Một người Việt có tục chọn hướng tốt xuất hành để đón may mắn cho bản thân và gia đình mình. Nếu điểm đến là nơi tôn nghiêm như chùa, nhà thờ thì sau khi lễ người ta thường thỉnh lộc là các gói quà nhỏ hay các cành hoa lá để lấy hên. Có người rước lộc bằng cách đốt một cây hương lớn như xin ngọn lửa may mắn mang về cắm tại bình hương bàn thờ Thổ Công ở nhà.
Những cái Tết gần đây tai các khu du lịch hay đền chùa ngay từ lúc Giao Thừa đã có những hàng bán “muối lộc”. Có người bày bán tại chỗ, có người đeo khay trên mình, mang muối đi chào mời dạo bán. Muối được bao bọc đẹp đẽ trong túi vải đỏ có hoa văn, hình linh vật trang trí bên ngoài toát lên vẻ hấp dẫn như thu hút sự may mắn đầu Xuân…Nhiều người nhất là các bạn trẻ thấy cảnh này rất ngạc nhiên và thích thú…Họ mua muối vì thấy vui, thấy lạ nhưng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa là vì sao mà đầu năm nên mua muối!
Tục lệ mua muối vào năm mới là một nét đẹp văn hóa cổ truyền rất giàu ý nghĩa được kế thừa qua nhiều đời ở nước ta. Các thế hệ trước đều thuộc nằm lòng lời dặn: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi!”.
Quan niệm cổ cho rằng, muối có tính chất “tích thủy” muối hút và giữ nước. Còn tính chất của tiền bạc và vận may lại có tính lưu chuyển, linh hoạt như nước cho nên mua muối tức là cách hấp dẫn, thu hút tiền bạc vào nhà. Ngày nay nhiều người vẫn có thói quen vào đầu năm mới để một ít muối trong bóp (ví) của mình và tin rằng đó là cách để tài lộc hanh thông cả năm…
Ngoài ra đặt một hủ muối ở góc bếp còn có thể thanh tẩy tà khí, kích thích nguồn sinh khí trong lành đến với gia đình chủ nhân. Vị đặc trưng của muối là mặn cho nên đầu năm có muối với ý nghĩa cầu mong tình cảm của mọi thành viên trong gia đình cũng như bạn bè, quan hệ xã hội đều tăng sự đậm đà thắm thiết.
Gói Muối lộc - Chùa Ông Cù Lao Phố Biên Hòa. |
Ngày xưa ngay vào sáng mùng Một Tết ở các vùng quê miền Bắc và Trung nước ta, trong tiết trời se lạnh đã có nhiều người gánh muối đi bán dạo khắp xóm làng. Thời đó khi bao bì chưa phong phú như hiện nay người bán muối phải đong bằng chén từ cái thúng to sang qua từng phần nhỏ theo nhu cầu của khách hàng. Điểm đặc biệt rất thơm thảo vào ngày đầu năm là người bán đong một chén muối đầy vun có ngọn chứ không gạt ngang bằng miệng chén. Chén muối có ngọn tượng trưng cho sự dư dả, trọn vẹn đầy ắp cho cả năm. Người ta mua muối như đón vận may cho gia đình cho nên người bán và mua đều vui vẻ, không đôi co trả giá thiệt hơn.
“Cuối năm mua vôi” mang ý nghĩa là thành tựu của quá trình một năm làm việc. Ngày xưa khi xây dựng sửa sang nhà cửa người ta đều dùng vôi để sơn phết. Cuối năm xây dựng hay trang hoàng nhà cửa để đón Tết cho thấy đó là một năm thành công, một năm có dư về tài chánh. Mua muối rồi mua vôi là một quan hệ Nhân Quả đầy tích cực.
Với trí tuệ kinh nghiệm và thực tế bắt rễ từ cuộc sống sinh động phong phú “Đầu năm mua muối cuối năm mua vôi” là lời dặn dò, nhắc nhở về sự cần kiệm, không hoang phí. Phải biết chừng mực, tích lũy để có thành quả trong một năm lao động miệt mài.
Một năm chỉ là khoảng thời gian ước lệ, người xưa còn sâu xa hơn là đề cao sự cần kiệm, lúc bình an phải biết nghĩ và dự phòng cho cơn nguy biến. Ý nghĩa truyền dạy này còn có giá trị cho cả đời người. Trong thực tế cuộc sống đã có những lúc hạt gạo, lá rau bỗng trở nên quý giá, đời người có những thời điểm tiền bạc, vật chất bỗng khó khăn thiếu thốn…Những lúc như vậy con cháu càng thắm thía lời dạy của cha ông, sự giáo huấn có giá trị muôn đời…
Mỗi một quốc gia, dân tộc đều có những nét đặc trưng riêng về bản sắc văn hoá. Nước Việt ta đã trải qua quá trình hơn một nghìn năm dựng nước và giữ nước. Những kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn, trí tuệ của tiền nhân là tài sản vô giá truyền từ đời này qua đời khác đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam mãi mãi trường tồn.