Mới đây, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” với hai cán bộ ngân hàng BIDV Nguyễn Huy Hùng (SN 1968), Nguyễn Quang Lộc (SN 1970). Ông Khanh bị cáo buộc “đồng phạm giúp sức”. Cấp sơ thẩm đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Sau 4 tháng điều tra lại nhưng chưa thể kết luận được, ngày 10/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã gia hạn thêm 4 tháng (tới tháng 3/2022).
Nhiều năm nay, ông Khanh và các bị cáo đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan từ địa phương tới Trung ương.
Tòa phúc thẩm: “Cấp sơ thẩm kết tội không có căn cứ”
Hồ sơ cho thấy, từ 2005 đến 2008, cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1947, đã chết) thế chấp 23ha đất của bà và con gái là Nguyễn Hiệp Hảo (tại xã An Tây, TX Bến Cát) cho BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn nhằm đảm khoản vay của Cty TNHH SXTM An Tây, Cty TNHH Sản xuất Chế biến Gỗ Mỹ Hiệp. BIDV đã trích lập dự phòng để xử lý rủi ro và đưa khoản nợ ra ngoại bảng.
Năm 2012 – 2015, có được khoản tiền tiết kiệm ông Khanh biết cụ Hiệp đang bán đất nên tìm đến mua. Sau khi thỏa thuận về giá bán, cụ Hiệp làm đơn xin bán đất thế chấp cho ông Khanh để trả nợ. Ông Hùng, ông Lộc được giao xử lý sự việc đã đồng ý. Việc mua bán hoàn tất.
Ông Nguyễn Hồng Khanh phản ánh, ông là Đảng viên, thời điểm bị tố cáo là Tỉnh ủy viên, Đại biểu HĐND. Nhưng khi ông Hòa gửi đơn tố cáo trực tiếp vào ngày 16/10/2016, Giám đốc Công an Bình Dương không chuyển đơn đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, không báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy, không báo cáo HĐND mà lập tức phân công Điều tra viên và thông báo để VKSND tỉnh phân công Kiểm sát viên là không đúng quy trình về tố cáo cán bộ, Đảng viên.
Bất ngờ, năm 2016, sau khi cụ Hiệp chết, con trai cụ là ông Nguyễn Hiệp Hòa có đơn tố cáo cho rằng ông Khanh “lợi dụng chức vụ, câu kết mua đất giá rẻ, chiếm đoạt tài sản” cụ Hiệp.
Cấp sơ thẩm tuyên ông Hùng 12 năm tù, ông Lộc 11 năm, ông Khanh 10 năm.
Cấp phúc thẩm khẳng định việc kết tội là không có căn cứ, không đúng với chứng cứ tài liệu thu thập được, quá trình điều tra có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.
Về tội danh: Căn cứ hợp đồng thế chấp thì cụ Hiệp và BIDV là thế chấp QSDĐ mà không giao tài sản cho bên thế chấp. BIDV xác nhận “sổ đỏ” của cụ Hiệp không phải là tài sản của ngân hàng, vẫn là tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của cụ Hiệp. Cấp sơ thẩm chưa làm rõ việc chuyển nhượng giữa cụ Hiệp và ông Khanh được sự đồng ý của BIDV là tài sản nhà nước hay là tài sản bảo đảm nghĩa vụ dân sự với BIDV?
Cấp sơ thẩm chưa xác định, đánh giá làm rõ các bị cáo có được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao quyền quản lý và sử dụng tài sản công hay không, từ đó làm cơ sở cho việc xác định đúng tội danh.
Về chứng cứ buộc tội, cấp sơ thẩm quy ông Hùng, ông Lộc câu kết thỏa thuận với cụ Hiệp trong mua bán tài sản thế chấp giá thấp hơn và thỏa thuận cho ông Khanh trả bằng tiền mặt là “gây thất thoát tài sản nhà nước” là thiếu căn cứ.
Theo cấp phúc thẩm, để chứng minh tội phạm với cáo buộc trên, cần thu thập chứng cứ xác định giữa 3 bị cáo và cụ Hiệp có sự bàn bạc, thỏa thuận, câu kết nhằm động cơ vụ lợi, dẫn đến thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. Tuy nhiên, hồ sơ, chứng cứ, lời khai của các bị cáo cho thấy họ không quen biết nhau. Bản thân ông Lộc, ông Hùng khai chỉ nghe bà Hiệp nói bán cho ông Khanh được giá và thủ tục nhanh. Cả hai không gặp trực tiếp hay trao đổi với ông Khanh.
Lời khai của ông Khanh phù hợp với chứng cứ, hồ sơ và lời khai của ông Lộc, ông Hùng.
Như vậy, với các chứng cứ đã thu thập cho thấy chưa đủ cơ sở xác định hậu quả là tài sản nhà nước bị thất thoát, lãng phí trong vụ án có nguyên nhân từ sự bàn bạc, thỏa thuận vì động cơ vụ lợi của các bị cáo và cụ Hiệp; không thấy cụ Hiệp hoặc bị o ép như đơn tố cáo của con trai.
Theo tòa phúc thẩm, không có căn cứ để cho thấy ông Khanh là “đồng phạm giúp sức”. Dù khi đó là Chủ tịch UBND Bến Cát, nhưng trong quan hệ này ông Khanh chỉ có tư cách là người mua đất khi cụ Hiệp có nhu cầu bán; thậm chí trả giá cao hơn người khác. Quá trình chuyển nhượng có tìm hiểu về giá, thỏa thuận giá, có sự đồng ý của bên thế chấp là BIDV, sau đó mới tiến hành thủ tục.
Với việc trả một phần là tiền mặt cho cụ Hiệp là theo yêu cầu của cụ Hiệp. Cụ Hiệp đã đề xuất và BIDV đồng ý việc này.
“Không có bất kỳ chứng cứ tài liệu nào thể hiện việc ông Khanh đã o ép hoặc có hành vi trái pháp luật nào để buộc cụ Hiệp chuyển nhượng đất với giá thấp. Vì vậy, việc cấp sơ thẩm xác định hành vi của ông Khanh là đồng phạm giúp sức là chưa đủ cơ sở và không phù hợp quy định pháp luật”, cấp phúc thẩm nêu rõ.
Vi phạm nghiêm trọng tố tụng
Cấp phúc thẩm cũng nhận định vụ án có nhiều vi phạm quy định của Đảng, vi phạm tố tụng.
Thứ nhất, cơ quan tố tụng Bình Dương tách các hành vi có mối liên hệ mật thiết với nhau bằng các vụ án khác là trái quy định khoản 2 Điều 170 BLTTHS. Thiếu sót này đã ảnh hưởng đến xác định bản chất vụ án, dẫn tới giải quyết thiếu tính toàn diện và triệt để.
Thứ hai, về đơn tố cáo của con trai cụ Hiệp tố ông Khanh thỏa thuận và cán bộ ngân hàng móc nối, ép cụ Hiệp phải bán tài sản với giá thấp để chiếm đoạt tài sản. Nhưng chứng cứ tại hồ sơ, biên bản lời khai (bút lục 4515 – 4518) của ông Nguyễn Hữu Trọng (người làm chứng) mâu thuẫn với nội dung tố cáo của ông Hòa. Đây là tình tiết rất quan trọng để xác định tính chất vụ án nhưng Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương chưa cho đối chất, làm rõ là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ và vi phạm Điều 189 BLTTHS.
Thứ ba, quá trình thụ lý, xử lý đơn tố giác có thiếu sót. Ngày 16/10/2016, con trai cụ Hiệp có đơn gửi đến Công an Bình Dương. Cùng ngày, CQĐT và VKSND Bình Dương phân công Điều tra viên và Kiểm sát viên giải quyết tố giác. Nhưng đến 18/10/2016 mới thụ lý tố giác và ban hành thông báo tiếp nhận tin báo tội phạm.
Các bị cáo ròng rã kêu oan từ khi bị bắt tới nay. |
Thứ tư, về thời hạn tiếp nhận tin báo tố giác là 20 ngày nhưng CQĐT thụ lý đến 17 tháng mới ban hành quyết định khởi tố, là vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều 147 BLTTHS.
Cấp phúc thẩm cũng nêu rõ biện pháp xử lý về tài sản của cấp sơ thẩm là sai quy định. Cấp sơ thẩm tuyên tịch thu 1/2 số tiền trong quá trình mua bán với lý do tiền do ông Khanh “dùng vào việc phạm tội”, đồng thời tuyên các hợp đồng chuyển nhượng giữa cụ Hiệp và bà Huỳnh Thị Phương Anh vô hiệu; là không có cơ sở, không phù hợp với chứng cứ, tự mâu thuẫn với chính lập luận buộc tội của chính cấp sơ thẩm.
Sau thời gian bị giam giữ, rồi được cho tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú, ông Khanh nay đã “thân bại danh liệt” đúng theo nghĩa của từ này: Mất hết chức vụ, bệnh tật đầy mình, tai nghễnh ngãng phải đeo máy trợ thính, mới đây lại không may nhiễm Covid-19 đang phải cách ly điều trị. Căn nhà duy nhất của vợ chồng ở quận 3 nay đã phải bán đi lấy tiền trị bệnh, cả gia đình dắt díu đi ở nhờ nhà người em. Trao đổi qua điện thoại với PV, một lần nữa ông Khanh khẳng định: “Tôi đã mất hết tất cả, nên khẩn cầu cơ quan Trung ương vào cuộc làm rõ có hay không sự trả thù, trù dập của một số cán bộ địa phương với cá nhân tôi, tạo dựng ra một oan án để đẩy tôi vào cảnh cùng khổ này”.
Bào chữa cho bị cáo tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm, LS Trần Minh Hải (Đoàn LS TP Hà Nội) nêu ra nhiều vấn đề cho thấy CQĐT và VKSND Bình Dương khởi tố, truy tố không đúng tội danh, cáo buộc không có cơ sở.
Thứ nhất, cáo trạng cho rằng ông Hùng, ông Lộc không bán đấu giá tài sản thế chấp là vi phạm khoản 1 Điều 58 Nghị định 163/2006/NĐ-CP. Thực ra cáo buộc trên không phù hợp với khoản 1 Điều 58 Nghị định 163 và nghiệp vụ ngân hàng.
Khoản 1 Điều 58 Nghị định 163 nêu rõ tài sản thế chấp được xử lý bằng 2 hình thức: Một là thực hiện theo thỏa thuận của các bên; hai là nếu không có thỏa thuận thì bán đấu giá.
Tại các hợp đồng thế chấp, cụ Hiệp và ngân hàng đều có thỏa thuận với việc xử lý tài sản thế chấp; cụ Hiệp sẽ đứng ra bán tài sản bảo đảm để trả nợ ngân hàng. Như vậy, ông Hùng, ông Lộc cho phép cụ Hiệp bán tài sản thế chấp là đúng quy định pháp luật, đúng thỏa thuận đã giao kết.
Thứ hai, không có tài sản nhà nước nào bị tác động trong vụ án. Cấu thành tội danh các bị cáo bị điều tra truy tố phải có tài sản nhà nước bị gây thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên, tài sản thế chấp trong vụ án là QSDĐ thuộc sở hữu cá nhân và họ vẫn đứng tên chủ sở hữu, sử dụng. BIDV không phải là ngân hàng nhà nước mà là ngân hàng thương mại cổ phần từ tháng 4/2012.
Thứ ba, cả ba bị cáo đều không được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; nên không thể có vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Thứ tư, định giá tài sản không đúng quy định, có dấu hiệu thổi phồng giá trị QSDĐ. Giá của kết luận định giá cao gấp 4 lần giá do UBND tỉnh quy định. Còn so với giá thị trường thì gấp hàng chục lần.
Thứ năm, trước khi bán, ông Lộc đã khảo sát giá, định giá và có đăng báo rao bán. Như vậy, việc mua bán diễn ra công khai, không hề có dấu hiệu câu kết như cáo buộc của cơ quan tố tụng Bình Dương.