Cú lừa ngoạn mục
Bà Nguyễn Ngọc Trâm (SN 1977) có đơn phản ánh về việc bị chiếm giữ nhà trái phép. Một số người lạ mặt vào ở tại căn nhà số 92/2 đường Trường Sa (phường 17, quận Bình Thạnh, TP HCM) mà không có sự đồng ý của bà. Đồng thời bà khẳng định việc em trai bà là Nguyễn Minh Trí (SN 1980) cấu kết nhóm người trên cầm cố căn nhà trái pháp luật.
Theo hồ sơ, nhà và đất trên có nguồn gốc là do cụ Nguyễn Văn Hải mua hóa giá lại của nhà nước từ năm 1991. Cụ Hải có hai người con là bà Trâm và ông Trí (vợ chồng cụ Hải li dị từ năm 1989). Năm 1999, cụ Hải đi kê khai nhà đất. Năm 2001, cụ Hải qua đời và không để lại di chúc. Như vậy, nhà và đất số 92/2 Trường Sa trở thành di sản thừa kế. Bà Trâm và ông Trí là đồng thừa kế, đồng sở hữu căn nhà nói trên.
Năm 2003, chính bà Trâm là người đi kê khai di sản thừa kế và nộp thuế trước bạ với căn nhà. Bà Trâm giữ giấy tờ gốc cho đến nay, không cầm cố, sang nhượng hoặc ủy quyền cho bất cứ ai.
Bà Trâm kể: “Căn nhà cấp bốn khá nhỏ, lại xuống cấp do xây dựng từ nhiều năm trước. Hai chị em thống nhất chưa vội chia căn nhà. Khi lập gia đình, tôi về bên nhà chồng, em trai tôi vẫn ở lại căn nhà”.
Dù theo chồng nhưng bà Trâm vẫn đứng tên chủ hộ khẩu căn nhà, người em là một nhân khẩu trong đó. Căn nhà do hai chị em đồng sở hữu, nên mọi quyết định liên quan đến căn nhà như cầm cố, thế chấp, sang nhượng, sửa chữa đều phải có sự đồng ý của bà. Đồng thời, bà là chủ hộ nên việc cho ai đó nhập khẩu hoặc tạm trú tại căn nhà đều phải có sự đồng ý của bà.
“Đầu tháng 9/2018, thấy em ra ngoài thuê phòng trọ để ở, tôi có hỏi. Trí nói nhà xuống cấp đang sửa chữa nên dọn ra ngoài một thời gian, khi nào sửa xong nhà thì quay về. Nhưng nhiều tháng sau, nhà sửa xong, tôi vẫn thấy vợ chồng em ở trọ”, bà Trâm kể.
Nghi ngờ có khuất tất, bà Trâm về nhà kiểm tra thì phát hiện có nhóm người lạ mặt sống trong nhà mình, gồm ông Nguyễn Trần Tấn Phát (SN 1984), bà Lê Đoan Trang Mai Hà (SN 1984, được cho là vợ chồng) và một cháu nhỏ.
Hai bản hợp đồng mờ ám
Ngạc nhiên và bức xúc, bà Trâm yêu cầu nhóm người lạ ra khỏi nhà mình. “Tuy nhiên, hai người này đưa ra giấy tờ, cho rằng em tôi đã cầm cố căn nhà cho họ và họ có quyền ở trong nhà trên thời hạn ba năm theo hợp đồng vay tiền”, bà Trâm kể.
Theo tìm hiểu, ông Trí có ký kết với bà Hà hai hợp đồng. Một hợp đồng vay tiền có tài sản thế chấp viết tay đề ngày 8/9/2018. Nội dung hợp đồng cho thấy, ông Trí vay của bà Hà 350 triệu đồng không lãi suất. Đổi lại, bà Hà được sử dụng căn nhà trong ba năm. Nếu trường hợp phát sinh tranh chấp hoặc ông Trí muốn lấy lại nhà thì bồi hoàn thêm 10% số tiền vay.
Ngoài ra, trong ngày 8/9/2018, hai bên còn ký kết với nhau hợp đồng vay tiền có công chứng tại Văn phòng công chứng Bình Thạnh. Hợp đồng công chứng này không nhắc đến việc thế chấp tài sản.
Trong ngày 8/9/2018, ông Trí nhận 15 triệu từ bà Hà và đến ngày 21/9/2018 nhận tiếp 335 triệu, ghi thêm thỏa thuận là: “Nếu ngày kết thúc hợp đồng, ông Trí không giao đủ tiền cho bà Hà thì bà Hà sẽ được tiếp tục sử dụng” (hay còn gọi là gia hạn hợp đồng đến tháng 9/2022).
Việc thế chấp căn nhà dựa vào hợp đồng viết tay và một bản sao y tờ đăng ký nhà đất đứng tên cụ Hải do Văn phòng công chứng Bình Thạnh thực hiện.
Bà Trâm nói: “Sự việc vỡ lở, Trí nói với tôi do nợ tiền “xã hội đen” nên phải cầm nhà lấy tiền trả. Tôi không rõ Trí nợ tiền bà Hà rồi cầm nhà hay nợ người khác. Tuy nhiên, việc Trí và bà Hà thực hiện việc cho vay và thế chấp căn nhà là trái luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của tôi”.
Phát hiện nhóm người lạ đến chiếm giữ nhà mình, bà Trâm yêu cầu họ ra khỏi nhà nhưng không được. Bà Trâm yêu cầu cảnh sát khu vực kiểm tra tạm trú tạm vắng đối với những người này. Chủ nhà cũng đã có đơn tố cáo sự việc đến cơ quan chức năng, tố cáo sự việc có dấu hiệu phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, yêu cầu khởi tố vụ án, trục xuất những người cư trú bất hợp pháp khỏi nhà mình.
Trong sự việc này, bà Trâm cho rằng văn phòng công chứng cũng đã phạm sai sót nghiêm trọng, khi công chứng “chui” cho em trai bà và bên chiếm giữ nhà. “Hồ sơ giấy tờ căn nhà hiện tôi đang giữ, tôi là chủ hộ khẩu, căn nhà tôi là đồng sở hữu. Vậy mà văn phòng công chứng vẫn làm văn bản xác nhận giao dịch bất hợp pháp, vi phạm quy định pháp luật, xâm phạm quyền lợi của tôi”, bà Trâm nói.
Em trai bà Trâm, những người bị cho là chiếm giữ nhà, và văn phòng công chứng cũng như các cơ quan chức năng nói gì về sự việc này?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.