Ngôi chùa nhỏ Lam Sơn Tịnh Độ nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng cao su bạt ngạt thuộc thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Sư trụ trì chùa là thầy Thích Huệ Viên, một con người đức độ, bác ái.
Chú heo có căn cốt chân tu
Chùa Lam Sơn Tịnh Độ thường xuyên đón những nhóm phật tử lên đến hàng trăm người. Họ không chỉ về đây tụng kinh, niệm phật, nghe sư thầy giảng giáo lý nhà phật, vãn cảnh chùa mà còn để… chữa bệnh.
Nhắc về điều này, sư thầy Huệ Viên nói: “Phật tử đến đây tôi đều khuyên họ ăn chay, tụng kinh niệm phật, giữ cho tâm hồn thanh thản, trút bỏ muộn phiện. Việc làm này chẳng thể giúp xua đuổi bệnh tật nhưng nó tạo cho họ niềm tin để đương đầu với tất cả. Nhà chùa không khuyến khích bất cứ ai lên đây chỉ vì mục đích chữa bệnh. Chúng tôi chỉ tiếp nhận phật tử có lòng thành tâm hướng phật”.
Trong ngôi chùa nhỏ, ngoài những người làm công quả không cố định thì chỉ có một mình thầy Huệ Viên cáng đáng toàn bộ công việc. Thật kỳ lạ khi được biết, nhân vật thân thiết, gần gũi nhất với sư thầy lại là một chú heo rừng thuần chủng. Chú heo có pháp danh Tu Lại.
Tu Lại ngày ngày bầu bạn, “nghe” sư thầy tụng kinh. Mối quan hệ giữa Tu Lại với thầy Huệ Viên, với chùa Lam Sơn Tịnh Độ, và với đông đảo phật tử không đơn thuần là mối quan hệ giữa con người cùng vật nuôi. Tu Lại gắn trọn đời mình với chùa. Chú heo được thương yêu, dạy dỗ như con người.
Sư thầy Thích Huệ Viên trụ trì chùa Lam Sơn Tịnh Độ |
Hôm chúng tôi đến, sư thầy buồn bã cho biết, chú heo Tu Lại vừa mất. Ngày Tu Lại mất, hàng trăm người dân sống gần đây đã tụ tập về chùa thực hiện nghi thức hỏa táng. Họ tiễn biệt Tu lại như tiễn biệt người bạn về thế giới bên kia.
Những tiếng khóc nghẹn, những lời kinh kệ cầu siêu ngân vang, như để minh chứng Tu Lại luôn là một phần của chùa Lam Sơn Tịnh Độ. Thầy Huệ Viên trầm tư: “Tu Lại đến với chùa như mối lương duyên từ kiếp trước”.
Theo lời thầy, chuyện xảy ra cách đây đã ngoài 8 năm. Ngày đó, Tu Lại cùng gần 20 chú heo con khác được một vị đại gia nào đó đem thả trong khuôn viên chùa phóng sinh. Xung quanh chùa cây cỏ âm u, khe suối hiểm trở. Đám heo con không mẹ, chạy toán loạn vào rừng lẩn trốn.
Thầy Huệ Viên lấy làm lạ bởi phát hiện chỉ duy nhất một chú heo chậm rãi tiến về phía thầy đang ngồi tụng kinh. Chú heo bước đi khoan thai, không hề có dấu hiệu của sự sợ hãi. Chú heo con tiến đến, nằm ngay cạnh nơi sư thầy ngồi.
Kết thúc đợt cầu kinh, thầy Huệ Viên nhẹ nhàng tiến đến ẵm lấy chú heo. Điều lạ là heo con không bỏ chạy hay kêu la gì. Vị sư thầy đem nó ra thả vào lùm cỏ với mong muốn cậu tìm được những người anh em khác để nhập hội.
Sáng hôm sau, sư thầy lại ngồi tụng kinh. Đọc xong lượt kinh, thầy Huệ Viên ngỡ ngàng nhận ra chú heo bé nhỏ đã nằm cạnh mình từ lúc nào. Dù rất ngạc nhiên nhưng thêm một lần nữa thầy bồng heo con thả vào rừng sâu.
Buổi trưa hôm đó, lúc thầy Huệ Viên ngồi ăn cơm, bất ngờ chú heo con lại chạy đến quấn quýt dưới chân. Dường như heo con đã đói lả, đưa ánh mắt nhìn sư thầy. Vị sư trụ trì liền đem cơm chay cho heo con ăn thử. Chú heo cứ thế ăn một cách ngon lành.
Đến lúc này sư thầy Huệ Viiên mới nhận ra chú heo thực sự có chân tu và quyết định giữ lại trong chùa làm bầu bạn. Thầy ẵm heo con lên tay, “trò chuyện”, căn dặn như một đệ tử chuẩn bị xuống tóc xuất gia. Thầy đặt pháp danh cho heo con là Tu Lại.
Sư thầy giải thích “Tôi mong muốn chú heo trải qua quá trình tu tập để kiếp sau được hóa thân làm người. Tu Lại, nghĩa là làm lại kiếp mới, thoát khỏi kiếp súc vật bị khinh miệt”.
Ngày ngày ăn chay, nghe kinh kệ
Thuở bấy giờ, chùa Lam Sơn Tịnh Độ còn khá yên ắng chưa đông đúc như ngày nay. Phật tử viếng chùa cũng thưa thớt. Trong chùa chỉ có sư thầy Huệ Viên và môn đệ Tu Lại. Điều đặc biệt là Tu Lại không hề quậy phá, cày xới bất cứ loại rau, trái cây nào trong khuôn viên chùa.
Chế độ dĩnh dưỡng khắc khổ nhưng Tu Lại phát triển rất nhanh. Khoảng thời gian ngắn sau, chú heo Tu Lại đã trưởng thành. Chú sở hữu vẻ bề ngoài “ngỗ ngược” như bất cứ con heo rừng đực cùng chủng loại. Nhìn vẻ bề ngoài ấy sẽ dễ nhầm tưởng Tu Lại có đủ sức mạnh để hạ bệ bất cứ ai thách thức.
Thầy Huệ Viên cho biết: “Những phật tử lần đầu tiên đến chùa nhìn thấy Tu Lại đều vô cùng sợ hãi, chẳng ai giám đến gần. Thầy phải giải thích, “gọi” Tu Lại đến cho họ tiếp xúc mới được. Bây giờ, chẳng ai sợ Tu Lại nữa. Đám trẻ con xung quanh chùa vẫn thường đến đây đùa nghịch cùng chú như với người bạn thân”.
Chú heo 'huyền thoại' Tu Lại |
“Tu Lại thông minh, hiểu tiếng người, nghe lời sư thầy Huệ Viên” là khẳng định của tất cả phật tử, người dân địa phương chúng tôi phỏng vấn. Họ kể, mỗi buổi sáng thức dậy, Tu Lại nằm yên nghe sư trụ trì đọc kinh, giảng đạo. Sau đó, chú ra ngoài khuôn viên chùa “đi chơi”. Đến bữa ăn, không chờ sư thầy gọi, Tu Lại ngoan ngoãn quay trở về.
Dù trong khuôn viên chùa hay ở ngoài thì Tu Lại cũng chẳng bao giờ đụng đến một cọng rau, cây lương thực hay hoa quả của bất kỳ ai. Đến ngay cả bọn ăn cắp, nghiện ngập tại đây chẳng một ai dám đụng đến Tu Lại. Lời đồn thổi về chú heo nặng “duyên tu”, có thể là do con người hóa kiếp thành dần vượt ra ngoài chùa Lam Sơn Tịnh Độ, vượt ra ngoài tỉnh lỵ Bình Long bẻ nhỏ.
Nhờ có Tu Lại, phật tử muôn phương tìm đến với ngôi chùa nhiều hơn. Họ dành thái độ sùng kính, tôn trọng với chú heo rừng hiền lành nhưng có vẻ ngoài ngổ ngáo ấy.
Cũng như bất cứ đệ tử phật giáo nào khác Tu Lại ăn chay và trong suốt thời gian sinh sống chưa một lần “phá giới”. Những câu chuyện kể về việc “giữ mình” của Tu Lại được lan truyền trong dư luận địa phương.
Chuyện rằng, một buổi sáng nhiều phật tử đến chùa thấy Tu Lại nằm lim dim giữa sân. Họ vứt những ổ bánh mì thịt về phía chú heo béo ú. Tu Lại khịt khịt mũi, há miệng ngoạp lấy mẩu bánh. Ngay lập tức nó khạc ra hết vì ăn phải thịt trong bánh mỳ. Việc Tu Lại bị lừa ăn thịt rồi tự “ói” ra lặp lại rất nhiều lần khác nữa. Thầy Huệ Viên khẳng định thông tin này là sự thật 100%.
8 năm sống “kiếp tu tập khổ hạnh”, là 8 năm Tu Lại gắn chặt cuộc đời mình với vị sư trụ trì đáng kính. Vì lẽ đó, Tu Lại luôn dành tình cảm đặc biệt với thầy Huệ Viên. Thầy Huệ Viên cho biết, “ngày nào Tu Lại cũng quấn quýt bên thầy không muốn rời chân. Những hôm thấy đi vắng, chúng phật tử kể lại Tu Lại nhớ thầy, nó tìm đến vị trí thầy thường nằm buồn bã chờ đợi. Thầy trở về Tu Lại quấn quýt chạy ra đón mừng.
Được mai táng, thờ tự khi chết
Khi chú heo Tu Lại chết, tin lan truyền nhanh chóng khắp khu vực thị xã Bình Long, hàng trăm con người không ai bảo cũng đều đến tiễn đưa chú heo ‘huyền thoại’. Buồn thay, khi đó sư thầy trụ trì Huệ Viên đi công tác không có mặt ở chùa. Từ phương xa, sư thầy gọi điện về chỉ đạo làm tang lễ cho Tu Lại theo nghi thức phật giáo.
Bà con nơi đây bảo: “lần đầu tiên trong đời họ thấy đám tang của một con vật được tổ chức trịnh trọng như thế”. Quả thật, đám tang của Tu Lại vô cùng đặc biệt. Sau khi hỏa táng tro cốt của chú được đựng vào hũ, đặt ngay trong chùa.
Là sư trụ trì một ngôi chùa, không còn chất chứa nỗi buồn nhân thế trong tâm tưởng, nhưng thầy Huệ Viên khẳng định ông có cảm thức đặc biệt với Tu Lại. Tu Lại không còn nữa, tuy nhiên câu chuyện về chú heo có duyên với phật pháp cứ thế vẫn được lưu truyền trong dư luận.
Người dân thị xã Bình Long vẫn kháo nhau, hôm các phật tử làm lễ hỏa thiêu cho Tu Lại, tất cả mọi người đều tỏ ra ngỡ ngàng vì giữa khối tàn tro có một vật gì đó vẫn còn nguyên vẹn, không hề bị ảnh hưởng của đám cháy. Vật thể lạ ấy trông giống hình một trái tim…\.