Theo cáo trạng, Lâm Hữu Sơn ra Hà Nội và thành lập Công ty Cổ phần Xây dựng địa ốc King Việt Nam (Cty King) với ngành nghề kinh doanh tài chính, tư vấn, môi giới kinh doanh bất động sản. Cty do Sơn là Chủ tịch HĐQT, còn Phan Tuấn Anh là Tổng Giám đốc (TGĐ) với vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng, trong đó Sơn góp 30 tỷ, còn lại 4 cổ đông khác góp 60 tỷ. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có vốn góp vào công ty.
Sau khi thành lập, các cổ đông Cty King đã bàn bạc, thống nhất việc thiết kế, in ấn cuốn catalogue giới thiệu, quảng bá về công ty với nội dung: Tập đoàn King Việt Nam là một doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính; có nhiều đối tác chiến lược quốc tế… Kèm đó là các dự án đầu tư hoành tráng của Cty King. Nhưng thực tế, Cty King không có mối liên hệ nào với các Cty như quảng cáo.
Ngoài ra, để thu hút khách hàng cho Cty King vay tiền, ngày 15/5/2014, Lâm Hữu Sơn ký ban hành văn bản quy định về lợi nhuận của khách hàng đối với các hợp đồng cho vay số tiền từ 30 triệu đồng trở lên với các mức lãi suất thấp nhất 36%/năm, cao nhất 45,6%/năm. Cũng trong văn bản này, Sơn quy định về tỷ lệ hoa hồng cao cho nhân viên Cty để khuyến khích họ tích cực giới thiệu, tư vấn cho khách hàng về năng lực và hiệu quả kinh doanh của Cty King.
Bằng cách thức nêu trên, từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2014, Cty King đã huy động vốn của 140 người thông qua việc ký 285 hợp đồng vay vốn hoặc hợp đồng góp vốn nhận tổng số tiền hơn 45,4 tỷ đồng. Số tiền này được Sơn và Phan Tuấn Anh sử dụng để trả tiền gốc cho khách hàng hơn 13,2 tỷ đồng, trả lãi suất, tiền thưởng cho khách hàng hơn 4,5 tỷ đồng, chi phí cho Công ty hơn 5,7 tỷ đồng, mua ô tô…
Sau khi Cty King dừng hoạt động, Lâm Hữu Sơn thành lập Công ty Cổ phần Tư vấn và Quản lý đầu tư 5F capital (Cty 5F). Công ty này Sơn tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT, giúp việc cho Sơn là Nguyễn Hồng Minh – Phó TGĐ. Sau khi thành lập, Lâm Hữu Sơn chỉ đạo Nguyễn Hồng Minh và Đào Văn Ý (cố vấn kinh doanh sau là Giám đốc kinh doanh) cùng một số nhân viên Cty 5F tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm giới thiệu, tuyên truyền với khách hàng về việc họ có 14 dự án kinh doanh rất hiệu quả (lợi nhuận đạt từ 17% - 20%/tháng) và chính sách kinh doanh đặc biệt.
Theo đó, nhà đầu tư giới thiệu khách hàng góp vốn vào công ty được trả hoa hồng từ 35% đến 50% lợi nhuận một tháng của người vào sau để kích thích khách hàng góp nhiều vốn và tự lôi kéo thêm nhiều người khác tham gia góp vốn. Và tùy từng thời điểm, Công ty 5F còn đưa ra chương trình khuyến mại khi khách hàng tham gia góp vốn: trả trước 3 tháng lợi nhuận và được trừ vào tiền góp vốn, tặng chuyến du lịch Thái Lan, Nha Trang, tặng vàng… Và để khách hàng tin tưởng, hợp đồng góp vốn giữa khách hàng với Cty 5F được công chứng bởi các văn phòng công chứng Trần Thiết, Hồng Hà…
Theo CQĐT, từ tháng 7/2015 đến tháng 5/2016, Lâm Hữu Sơn, Nguyễn Hồng Minh và Đào Văn Ý đã ký 947 hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng góp vốn với 568 nhà đầu tư thu được hơn 153 tỷ đồng. Do Công ty 5F thực chất không có các dự án đầu tư như quảng bá, sử dụng tiền của người sau trả lãi cho người trước dẫn đến việc Lâm Hữu Sơn không hoàn trả cho 514 nhà đầu tư số tiền gần 147 tỷ đồng. Trong số này, Sơn, Minh và Ý chiếm đoạt để sử dụng cá nhân hết hơn 44 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định tổng số tiền Sơn đã chiếm đoạt của 611 người là hơn 61 tỷ đồng. Trong đó, Minh, Ý đồng phạm với Sơn chiếm đoạt của 514 người số tiền hơn 44,1 tỷ đồng. Đối với Phan Tuấn Anh cùng Sơn thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt hơn 17,5 tỷ đồng của 97 người góp vốn vào Công ty King, trong đó Tuấn Anh trực tiếp chiếm đoạt số tiền hơn 15,6 tỷ đồng. Sau khi phạm tội, Tuấn Anh đã bỏ trốn khỏi địa phương. Do đó, cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an đã quyết định tách vụ án và quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với Tuấn Anh, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Ngày 28/3, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nhưng HĐXX tuyên bố trả hồ sơ điều tra bổ sung bởi nhận được thông tin đã bắt được bị can Phan Tuấn Anh.