Không thấm tháp gì…
Trong bối cảnh chất lượng các tòa chung cư TĐC ngày càng xuống cấp, công tác quản lý vận hành đình trệ với chất lượng dịch vụ cực kỳ kém do nguồn tiền để đảm bảo cho công việc này hầu như đã cạn kiệt, việc Hà Nội cho phép sử dụng khoản tiền thu được từ hoạt động kinh doanh này để hỗ trợ cho kinh phí bảo trì phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung như: thang máy, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống chống sét, mặt ngoài của nhà chung cư cho người dân… được đánh giá là một chính sách có ý nghĩa nhân văn và nhận được sự đồng thuận lớn trong xã hội.
Tuy nhiên, một thống kê gần đây của Sở Xây dựng Hà Nội đã cho thấy, việc thực hiện chính sách này vẫn còn đầy rẫy khó khăn. Trong 168 nhà chung cư TĐC hiện nay chỉ có 120 tòa nhà có diện tích kinh doanh dịch vụ với tổng diện tích vào khoảng gần 80.000m2. Tuy nhiên, số diện tích này trên thực tế đã không được sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ như vốn nó là còn rất lớn, nên khó để tạo ra nguồn thu như Hà Nội mong muốn.
Trong gần 80.000m2, ngoài 1.500m2 đang được bố trí làm nhà sinh hoạt cộng đồng, chỉ có khoảng 24 ngàn m2 được cho 85 đơn vị thuê là có thu tiền thuê nhà. Số còn lại, gồm: 32.000m2 đang được UBND TP Hà Nội cho 44 đơn vị sử dụng “chùa”, 6 đơn vị sử dụng gần 3.000m2 cũng đã được thành phố giao tài sản công và cho phép bán, 12 cá nhân, tổ chức đang sử dụng 2.500m2 trái mục đích chưa được xử lý. Và hiện cũng chỉ còn lại khoảng 16.400m2 là còn để trống để có thể đấu giá cho thuê.
Theo tìm hiểu của báo PLVN, với gần 80.000m2 tổng diện tích kinh doanh dịch vụ, số tiền mà các công ty quản lý vận hành các tòa nhà TĐC hiện nay thu được chỉ vỏn vẹn 30 tỷ đồng/năm. Số tiền này được cho là hoàn toàn không thấm tháp so với mức chi phí tối thiểu cần thiết cho các tòa chung cư TĐC hiện nay.
Cách nào?
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho thấy, trong khi hàng năm Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội (Cty PTN Hà Nội) phải cần khoảng hơn 50 tỷ đồng để duy trì quản lý, vận hành các tòa TĐC thì nguồn thu từ diện tích kinh doanh dịch vụ (khoản thu chính của doanh thu đơn vị này) chỉ dao động trên dưới 25 tỷ đồng/năm.
Tại Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, tình trạng còn khó khăn hơn khi khoản tiền cần chi cho hoạt động bảo trì, vận hành dao động từ 10-15 tỷ đồng nhưng hàng năm doanh nghiệp này chỉ thu được từ 1-2 tỷ đồng từ phần kinh doanh dịch vụ.
Nhìn vào phần diện tích kinh doanh, thương mại để tạo ra nguồn thu ít ỏi còn lại và nhìn vào thực tế số tiền eo hẹp thu được từ diện tích dịch vụ thương mại, ông Bùi Quốc Dũng - Phó Phòng quản lý Nhà xã hội và Tái định cư, Cty PTN Hà Nội - đánh giá: chính sách khi đưa ra thì thấy đơn giản nhưng khi triển khai vào thực tế lại không hề dễ dàng chút nào.
Khi được hỏi, Cty PTN Hà Nội được thành phố giao tới hơn 50 ngàn m2 diện tích dịch vụ thương mại nhưng tại sao khoản thu từ diện tích này lại rất ít, chỉ được 25 tỷ đồng/năm? Ông Dũng giải thích: Ngoài diện tích còn để trống, thì tới 50% diện tích được UBND thành phố quyết định cho các đơn vị hành chính sự nghiệp thuê không thu tiền. Số đơn vị đang mang tiếng thuê có thu tiền nhưng thực tế là có hàng chục tổ chức, cá nhân cố tình nợ, chây ỳ không nộp.
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý Nhà xã hội và tái định cư, thành phố cần có quy chế rõ ràng ở vấn đề này. Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp cũng cần phải đóng tiền thuê nhà. Đối với các đơn vị chây ỳ nợ, không nộp đề nghị có biện pháp truy thu, truy thu không được thì khởi kiện hoặc đề nghị thành phố thu hồi để tổ chức đấu giá quyền thuê để tạo nguồn thu. “Khơi thông được chỗ này, khoản thu sẽ không còn dừng ở 25 tỷ mà sẽ thêm được ít nhất 30 tỷ nữa trong một năm” - ông Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng không dễ khơi thông chuyện này, bởi chính sách này đang ở trong một vòng luẩn quẩn. Trước đây, khi chưa có quỹ bảo trì 2%, ngân sách thành phố phải bỏ ra để duy trì quản lý vận hành các tòa chung cư TĐC. Sau này, việc ngân sách chi không mang lại hiệu quả nên thành phố chỉ hỗ trợ một phần và yêu cầu người dân đóng góp quỹ bảo trì 2% nhưng tình trạng vẫn không khá hơn.
Đại diện Cty PTN Hà Nội chỉ ra nghịch lý: với chính sách lần này, để mang lại một khoản tiền hỗ trợ cho dân như mong muốn nhưng không phải lấy từ ngân sách, có nghĩa là UBND thành phố lại phải yêu cầu các đơn vị hành chính sự nghiệp đang sử dụng diện tích dịch vụ, thương mại phải đóng tiền cho các công ty quản lý vận hành các chung cư TĐC hiện nay. “Nhưng để thu được tiền, thì các đơn vị này lại phải cầu viện tới ngân sách thành phố. Đây là một sự luẩn quẩn” - ông Dũng phân tích.
Sau gần 3 năm, kể từ khi Nghị định 99 hướng dẫn Luật nhà ở có hiệu lực - đây là cơ sở, tạo hành lang pháp lý để Hà Nội có thể triển khai việc hỗ trợ vận hành tòa nhà TĐC, nhưng cũng chừng đấy thời gian UBND TP Hà Nội vẫn loay hoay, chưa thể xây dựng ra được quy chế để cụ thể hóa chính sách cho thấy, giữa mong muốn và thực tế vẫn còn một khoảng cách lớn. Và khi chưa thể khỏa lấp, những người dân đang sống trong các tòa nhà chung cư TĐC dường như vẫn chưa thể lạc quan… trong việc cải thiện phần nào không gian sống rất tồi tệ mà họ đang đối diện hàng ngày, hàng giờ như hiện nay.