Dù không uy nghi, tráng lệ nhưng chùa Bảo Sái lại hội tụ được linh khí trời đất giữa một vùng làng quê thanh bình và một không gian thoáng rộng. Theo Đại đức Thích Thiện Diệu - vị sư trụ trì ngôi Bảo Sái Tự này, thì Bảo Sái vốn là ngôi chùa cổ được khởi dựng vào khoảng thời gian năm 1402, cách ngày nay khoảng 700 năm. Chùa thờ ngài Bảo Sái - vị tu hành đắc đạo và cũng là đệ tử thân cận nhất của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngày nay Chùa Bảo Sái đã được cải quan, trở thành chốn già lam rộng lớn khang trang, đáp ứng nhu cầu tu học của phật tử, giúp họ tu bồi đạo đức, nuôi dưỡng thân tâm, trở thành một người có ích cho xã hội từ các hoạt động như: làm công quả, làm từ thiện, hỗ trợ các khóa tu, ngày lễ… Phật tử đến chùa đều được hướng dẫn tận tình từ trang phục lễ chùa đến việc đi nhẹ, nói khẽ, hay việc không thắp nhang "vô tội vạ", thay vì lễ bái khắp nơi hãy ngồi tĩnh lặng để thở, tiếp xúc với năng lượng an lành của Phật trong không gian thanh tịnh, bình an.
Cũng theo Đại đức Thích Thiện Diệu, Bảo Sái được xây dựng ở khu đất hình vuông, có diện tích rộng chừng 10.000m2, phía bên phải là ao sen lớn tỏa ngát hương thơm. Điều đáng chú ý là chùa được xây dựng nằm trọn trong lòng của hệ thống các ngôi đền cổ linh thiêng, trong đó có một số đền tiêu biểu như đền Anh Cả, đền Hạ, đền Trung… Tương truyền, các ngôi đên ở đây đều là nơi thờ tự những người con của vua Hùng.
Sử sách về ngôi chùa Bảo Sái trước đây ghi chép rằng, chùa Bảo Sái vốn được hình thành từ một vùng đầm lầy, quá trình trùng tu, xây dựng và phát triển đã giúp ngôi chùa trở nên bề thế và thoát ra khỏi vùng đầm trũng lầy ấy. Lịch sử ngôi chùa này cũng ghi lại rằng, trước đây, để vào được trong chùa chiêm bái và tụng niệm, bà con nhân dân phải bắc cầu mới vào được chùa.
Thời kỳ đầu lúc khởi dựng, chùa chưa có tên, song trong quá trình xây dựng chùa, các đệ tử thân cận của ngài Bảo Sái đã thể theo ý nguyện của các môn đệ và thống nhất lấy tên gọi của ngài đặt cho chùa, và Bảo Sái (Bảo Sái Tự) ra đời từ đó.
Trải qua nhiều đời trụ trì, nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngày nay chùa được cai quản và tôn tạo trang nghiêm dưới tấm lòng từ bi của Đại đức Thích Thiện Diệu, người con của kinh thành Huế, do yêu quý mảnh đất Tổ - Phú Thọ, ông đã tìm về đây và khởi phát duyên lành trở thành trụ trì của Bảo Sái Tự từ năm 2010.
Trải qua rêu phong của thời gian, chùa từng bị ngập nước bởi trận vỡ đê sông Hồng (1971) sau được dựng lại đơn sơ bằng gỗ bạch đàn, rồi đến các trận bão năm 1973, năm 1985 chùa chỉ còn trơ lại một đốc chơ vơ giữa ao bèo hiu quạnh.
Khung cảnh yên bình, thanh tịnh tại ngôi chùa |
Được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương cũng như nhân dân trong vùng và phật tử gần xa, chùa được tôn tạo lại theo hướng giữ nguyên bản những gì vốn có. Chùa hiện còn lưu giữ được 3 pho tượng Trúc Lâm Tam Tổ bằng gỗ, sơn son thếp vàng và được điêu khắc rỗng ruột, bên trong có khắc ghi lịch sử giản lược của từng pho. Đây được xem là những báu vật mang giá trị mỹ thuật và lịch sử, làm tôn thêm sự quý giá và nét cổ kính, uy nghiêm của ngôi chùa.
Khám phá vẻ đẹp của Bảo Sái Tự cũng là dịp quý phật tử, du khách được chiêm bái bảo tháp xá lợi Phật trang nghiêm thanh tịnh. Bên cạnh bảo tháp xá lợi, trong khuôn viên Bảo Sái tự còn có bức tượng phật Di Lặc bằng đá phiến trắng…
Năm 1997 chùa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2015, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam công nhận chùa Bảo Sái là “Việt Nam linh thiêng cổ tự ”. Đây là một trong 18 ngôi chùa của cả nước được Liên hiệp các tổ chức UNESCO Việt Nam vinh danh đợt đầu nhằm tôn vinh các giá trị giáo dục, khoa học, văn hóa; di tích lịch sử, di sản văn hóa, vật thể, phi vật thể của nhân loại.
Trở về với Bảo Sái Tự du khách, quý phật tử như được trở về với bản ngã của mình, giúp cõi lòng được gột dũa đi bụi trần để được sống trong thế giới của lòng từ bi.