Sáng 22/5, tại Kỳ họp thứ 7, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, lĩnh vực bình đẳng giới ngày càng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội chú trọng việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua. Chính phủ đã tích cực, chủ động chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án về bình đẳng giới. Các Bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược, chương trình phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị.
Công tác truyền thông về bình đẳng giới tiếp tục được tăng cường với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân về thực hiện bình đẳng giới. Các cơ quan, đơn vị khối doanh nghiệp, nam giới và thanh niên ngày càng tham gia tích cực hơn trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Nguồn kinh phí cho công tác bình đẳng giới thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia được bố trí nhiều hơn so với các năm trước, tỉ lệ giải ngân của Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt kết quả khá cao.
Đã có 55% chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025 (như tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương năm 2023 đạt 50,9%; tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 96%...), có 25% chỉ tiêu đạt 1 phần và tiệm cận so với mục tiêu đề ra, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.
Với những nỗ lực đó, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027. Điều này thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào việc điều hành của UN Women trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp vẫn còn hạn chế về số lượng, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới thường luân chuyển, thiếu ổn định, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bình đẳng giới. Có 4 chỉ tiêu còn khoảng cách khá lớn và có kết quả thực hiện giảm nhẹ so với năm 2022. Một số cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa chủ động xác định vấn đề giới, trách nhiệm giới, nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong các dự thảo văn bản…
Từ đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới tại các Bộ, ngành, địa phương; tiếp tục quan tâm phê duyệt, phân bổ kinh phí hợp lý để thực hiện bình đẳng giới và các nội dung về bình đẳng giới trong các Chương trình, Kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xem xét, thông qua ngân sách, các chương trình đầu tư công.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục, tăng cường thực hiện các nhiệm vụ: Giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo cấp cơ sở giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Tăng cường phối hợp trong tham gia xây dựng và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách về bình đẳng giới…
Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Đồng thời nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đảm bảo cơ cấu nữ trong việc dự kiến, phân bổ, xác định cơ cấu, thành phần người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ khóa 2026-2031. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội quan tâm, phối hợp thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; thực hiện nghiêm việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”. Quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động, nội dung về bình đẳng giới, lập ngân sách có trách nhiệm giới trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành nâng cao chất lượng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; ban hành các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới để xóa bỏ mọi phân biệt đối xử về giới, tiến tới bình đẳng giới thực chất. Tiếp tục quan tâm phân bổ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về bình đẳng giới…