Châu Á, châu Âu báo động dịch Ebola

Dịch Ebola đang là nỗi sợ hãi của các nước trên thế giới
Dịch Ebola đang là nỗi sợ hãi của các nước trên thế giới
(PLO) - Những lo ngại rằng đợt bùng phát dịch Ebola tại Tây Phi có thể lan rộng sang các lục địa khác đã gia tăng đáng kể trong ngày 30/7, với việc nhiều nước tại châu Á và châu Âu đã được đặt trong tình trạng cảnh báo. Cùng lúc, tổ chức Bác sỹ không biên giới MSF cảnh báo đại dịch có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. 
Bệnh do virút Ebola (Ebola virus disease - EVD) hay còn gọi là sốt xuất huyết Ebola. Căn bệnh này có thể giết chết các nạn nhân trong vòng ít ngày, có thể gây sốt và đau cơ nghiêm trọng, nôn mửa, tiêu chảy và trong một số trường hợp, có thể gây suy tạng và xuất huyết không dừng được. Từ tháng 3 đến nay, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có 1.201 trường hợp mắc bệnh và 672 ca tử vong tại 3 nước Guinea, Liberia và Sierra Leone. 
Sự nghiêm trọng của dịch bệnh này đối với thế giới hiện nay thể hiện ở việc Tổ chức từ thiện y tế hàng đầu thế giới MSF trong một tuyên bố được đưa ra ngày 30/7 nói rằng, cuộc khủng hoảng đang bùng phát tại Guinea, Liberia và Sierra Leone sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn và cảnh báo về việc hiện vẫn chưa có một chiến lược tổng thể nào để xử lý đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất thế giới từ trước đến nay. 
“Dịch bệnh này chưa từng có tiền lệ và rõ ràng đang ngoài tầm kiểm soát, và tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn vì nó vẫn đang lan rộng, nhất là tại Liberia và Sierra Leone với nhiều điểm nóng rất quan trọng. Nếu tình hình không được cải thiện nhanh chóng, nguy cơ các nước mới bị ảnh hưởng là có thật” – ông Bart Janssens, Giám đốc hoạt động của MSF cảnh báo. 
Hồng Kông đã thông báo về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch để phòng ngừa đối với các du khách đến từ Guinea, Sierra Leone và Liberia có triệu chứng bị sốt. Liên minh châu Âu tuyên bố đã sẵn sàng để đối mặt với nguy cơ dịch bệnh lây lan. 
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng đã tổ chức các cuộc thảo luận với các quan chức y tế toàn cầu để bàn về các giải pháp tiềm năng nhằm ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh nguy hiểm này. Theo ICAO, việc virus lây nhiễm xuyên biên giới có thể dẫn tới những hạn chế bay mới nhằm kiềm chế các đợt bùng phát.
Tại Anh, Ngoại trưởng nước này Philip Hammond đã chủ trì một cuộc họp với Ủy ban Quản lý khủng hoảng của Chính phủ COBRA để đánh giá tình hình. “Ngài Thủ tướng xem đây là một mối đe dọa rất nghiêm trọng. Chúng tôi rất tập trung vào mối đe dọa mới và đang nổi lên này” – ông Hammond cho hay. Theo thông báo của ông Hammond, cuộc họp khẩn cấp đã đi đến kết luận rằng cách tiếp cận hiệu quả nhất trong trường hợp này là cung cấp thêm các nguồn lực để xử lý bệnh ngay tại nguồn dịch ở Tây Phi. 
Trong khi đó, theo một nguồn tin của Liên minh Châu Âu (EU) tại Brussels, tổ chức này đang tiếp tục chuẩn bị các phương tiện cần thiết và đã sẵn sàng để điều trị cho các nạn nhân trong trường hợp virus chết người được phát hiện ở 28 nước thành viên EU. 
“Chúng tôi không thể loại trừ khả năng một người nhiễm virus đến châu Âu, nhưng EU có các cách thức để phát hiện và kiềm chế một đợt bùng phát dịch nhanh chóng. Việc cách ly và làm xét nghiệm ngay lập tức đối với trường hợp ở Valencia, Tây Ban Nha là bằng chứng cho thấy hệ thống này đang làm việc hiệu quả” – nguồn tin nói. 
Ủy viên viện trợ nhân đạo của EU Kristalina Georgieva cho biết thêm, mức độ nhiễm bệnh hiện đang ở mức cực kỳ đáng lo ngại và EU cần phải tăng cường các hành động trước khi có thêm nhiều người khác mất mạng.
Australia cũng đã quyết định thực hiện các biện pháp cảnh báo để phòng ngừa khả năng bùng phát dịch bệnh. “Dù khả năng dịch Ebola tới Australia là khá thấp, chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi sát sao đợt bùng phát dịch bệnh ở nước ngoài cũng như tình hình bên trong của Australia. Tất cả các cơ quan bảo vệ biên giới đều đang được đặt trong tình trạng báo động về khả năng có các triệu chứng Ebola ở những người đến đất nước của chúng tôi bằng đường không và đường biển” – người đứng đầu cơ quan y tế Australia Chris Baggoley cho hay. 
Cũng trong ngày 31/7, giới chức y tế Thái Lan đã yêu cầu tất cả các bệnh viện giám sát các bệnh nhân để phát hiện sớm bất kỳ triệu chứng nào, đặc biệt là các du khách bản xứ và người nước ngoài đã đến khu vực bùng phát dịch bệnh. Trong khi đó, Quân đoàn Hòa bình của Mỹ cũng đã thông báo sẽ rút hàng chục người tình nguyện của lực lượng này ra khỏi 3 nước nói trên. 
Trong lúc này, tại Sierra Leone, bác sỹ chịu trách nhiệm trung tâm điều trị Ebola đã trở thành một nạn nhân của virus. Một người phát ngôn tại Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, họ sẽ hỗ trợ về kỹ thuật và chuyên gia cho các nước ở Tây Phi. Còn Liberia đã tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả các trường học và cho các công chức chính phủ làm việc tại những bộ phận không trọng yếu nghỉ trong vòng 30 ngày. 
Hãng hàng không châu Phi ASKY có trụ sở tại Togo ngày 30/7 cũng đã ngừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ Liberia và Sierra Leone sau trường hợp một hành khách 40 tuổi đến từ Liberia tử vong vì virus chết người này.

Đọc thêm

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Bệnh gây chết người từ Congo có nguy cơ lây tới TP HCM không?

Đoàn của CDC châu Phi đến Congo hỗ trợ (Ảnh: AFRICACDC)
(PLVN) - Dù WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh là thấp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, song TP HCM vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh lạ nguy hiểm gây chết người hàng loạt tại Congo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bác sĩ đa chuyên khoa phối hợp tìm ra phương án điều trị cho bệnh nhân.
(PLVN) - Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục.