Một báo cáo về nguồn cung vắc-xin Covid-19 được thực hiện bởi ONE Campaign, một chiến dịch chống đói nghèo, kêu gọi những nước giàu như Mỹ và Anh chia sẻ nguồn cung vắc-xin dư thừa để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phản ứng của toàn cầu với đại dịch.
Báo cáo cho rằng nếu các nước giàu không chia sẻ vắc-xin, hàng tỷ người sẽ mất đi cơ hội có được sự bảo vệ cần thiết để chống lại virus, đặt ra nguy cơ đại dịch kéo dài.
Báo cáo trên nói về hợp đồng mua vắc-xin của các quốc gia từ 5 nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 hàng đầu thế giới hiện nay, gồm Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca/Oxford, Johnson & Johnson, và Novavax.
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Australia, Canada và Nhật Bản đã ký hợp đồng mua hơn 3 tỷ liều vắc-xin Covid-19, nhiều hơn trên 1 tỷ liều so với con số 2,06 tỷ liều cần thiết để tiêm mỗi người 2 mũi cho toàn bộ dân số của các nước này.
"Sự dư thừa quá mức này là biểu hiện của chủ nghĩa quốc gia về vắc-xin", bà Jenny Ottenhoff, Giám đốc cấp cao về chính sách của ONE Campaign, nhận định.
"Việc các nước giàu sớm đặt cược vào vắc-xin ngay trong giai đoạn đầu của đại dịch là dễ hiểu, nhưng sự điều chỉnh là cần thiết để bảo vệ hàng tỷ người trên thế giới", bà Ottenhoff nói.
Phân tích của ONE Campaign cho thấy, cùng với các nguồn cung vắc-xin khác được đảm bảo bởi cơ cấu chia sẻ vắc-xin toàn cầu có tên COVAX, số vắc-xin dư thừa của các nước giàu có thể giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ những người dễ tổn thương ở các nước nghèo hơn. Khi đó, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 sẽ giảm mạnh, đồng thời hạn chế nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới và sớm kết thúc đại dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/2 kêu gọi các quốc gia có vắc-xin ngừa Covid-19 không chia sẻ nguồn cung một cách đơn phương, mà tài trợ vắc-xin cho chương trình COVAX để đảm bảo sự phân phối công bằng.